Nhiều CN làm việc tại Nhà máy xử lý chất thải nguy hại (Công ty CP Môi trường Khánh Hòa) đặt tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bị người dân địa phương đe dọa, ngăn cản, không cho làm việc.
Dù chính quyền địa phương cho biết sẽ giám sát, xử lý nghiêm hành vi này nhưng nhiều CN vẫn... không dám đi làm. "Có công nhân xin nghỉ vài hôm để "trấn tĩnh" tinh thần rồi mới dám đi làm lại để giữ ngày công" - ông Hòa cho hay.
CN N.T.H cho biết, ứng xử của một số người dân thôn Ninh Ích thời gian qua khiến chị và gia đình hết sức hoang mang. Trong nhiều ngày, cứ mở mắt ra là chị phải dọn phân, chất bẩn vương vãi khắp nơi do ai đó ném vào hiên nhà.
"Cho rằng Nhà máy xử lý rác thải của Cty CP Môi trường Khánh Hòa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hướng sức khỏe, nhiều người dân đến nhà bảo tôi không được làm việc tại nhà máy nữa.
Tôi đi làm việc bình thường để nuôi sống gia đình thôi mà cũng không yên thân" - bà H lo lắng. Sợ xảy ra chuyện chẳng lành, chỉ H vừa làm vừa...nghỉ.
Người dân thôn Ninh Ích, xã Ninh An, chờ chặn xe chở rác vào nhà máy vào sáng 4.8. Ảnh: Tàu Trắng.
Căng thẳng nhất là vào ngày 21.11 vừa qua, nhiều người dân thôn Ninh Ích tụ tập gần nhà máy và hăm dọa "nếu ra khỏi nhà máy thì họ sẽ đánh".
Nhiều CN thất thần không dám rời nhà máy. Một số cán bộ xã Ninh An khi đến tìm hiểu sự việc theo cầu cứu của Cty CP Môi trường Khánh Hòa cũng bị họ bao vây, đòi chặn đánh ở các ngã đường từ nhà máy xuống làng. Lo sợ, các cán bộ này ngủ lại nhà máy, sáng mai mới về nhà.
Theo ông Hòa, Nhà máy xử lý rác thải nguy hại này đã đầy đủ cơ sở pháp lý, được Bộ TNMT thẩm định, cấp phép trước khi hoạt động nhưng ông cũng không hiểu vì sao chưa hoạt động người dân vẫn cho rằng ô nhiễm môi trường.
"Nếu người dân lo ngại ô nhiễm, chúng tôi cho phép họ vào nhà máy làm việc để hiểu và giám sát quá trình vận hành. Nhà máy ô nhiễm chúng tôi chịu trách nhiệm. Có thể người dân chưa hiểu sâu vấn đề, e ngại vấn đề gì đó nên cản trở nhà máy hoạt động" - ông Hòa cho hay.
Gián đoạn vận hành, các hợp đồng xử lý rác theo ông Hòa là không thực hiện được tại nhà máy. Rác thu gom phải đưa Bình Dương xử lý nên thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
"Bản thân tôi rất căng thẳng, mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng tính đủ ngày công cho CN nhận lương" - ông Hòa cho hay.
Liên quan đến sự việc, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu UBND TX Ninh Hòa, Sở TNMT và các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý, giải quyết đơn thư của người dân theo quy định; xây dựng phương án đảm bảo trật tự an ninh, vệ sinh môi trường khu vực xã Ninh An và có phương án hỗ trợ để nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động.
TX Ninh Hòa có trách nhiệm chỉ đạo công an thị xã lập kế hoạch để đảm bảo trật tự an ninh tại địa phương; điều tra, tập hợp chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, kích động gây rối, ảnh hưởng đến đời sống, tài sản của người dân và doanh nghiệp.