Khánh Hòa gượng dậy sau bão

TẤN LỘC |

Người dân huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa - nơi tâm bão số 12 tàn phá khủng khiếp nhất - đang giúp nhau khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Ngày 10-11, gần một tuần sau khi bị tâm bão số 12 ập vào tàn phá, cảng cá Đầm Môn thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã nhộn nhịp trở lại.

Cùng giúp nhau gượng dậy sau bão

Những ngày trước, cả vùng biển này chìm trong tang tóc khi mỗi ngày các lực lượng tìm kiếm liên tục tìm thấy thi thể của các nạn nhân mất tích sau bão.

Len lỏi giữa tràn ngập lồng bè nuôi hải sản, tàu thuyền bị bão đánh tan, những chiếc tàu vừa sửa vội lại ra khơi và trở về đầy ắp cá. Nhiều xe đông lạnh mua gom hải sản từ các nơi lại đến Đầm Môn, tấp nập mua bán.

Vừa trở về bến, ông Nguyễn Thời (ngụ xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh) nói: “Hơn 2/3 tàu thuyền ở Vạn Thạnh bị bão đánh hỏng, cả trăm chiếc bị vỡ nát hoặc chìm dưới biển. Hiện nay, không nơi nào nhận sửa tàu nữa vì tàu hỏng quá nhiều.

Gia đình bị bão đánh chìm một chiếc, chưa biết có trục vớt lên được hay không. Chiếc còn lại cũng bị hỏng. Sau bão, tôi vội kiếm thợ ở xa đến sửa ngay để có tàu đi biển, kiếm ít tiền mới tính tiếp sửa chiếc kia nếu trục được lên”.

Theo ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, phần lớn người dân địa phương này sống bằng đánh bắt, nuôi hải sản nên bị thiệt hại rất lớn.

Sau bão, hàng trăm hộ đang trắng tay vì toàn bộ lồng bè nhiều tỉ đồng bị tan nát, tàu thuyền bị vỡ, chìm. “Bà con đang tìm cách tương thân, giúp nhau vượt qua mất mát, thiệt hại.

Nhà nào còn tàu nào không bị hỏng hoặc sửa xong thì gọi bà con cùng đi biển. Nhà nào bị hỏng thì bà con, hàng xóm cho ở tạm rồi hỗ trợ nhau sửa chữa”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế, Phó ban Phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Vạn Ninh, thiệt hại tài sản lớn nhất của địa phương này là thủy sản với tổng giá trị gần 3.890 tỉ đồng.

Toàn bộ lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú ven biển Vạn Ninh gần như bị mất sạch do bão đánh vỡ tan tành. Hầu hết ao đìa nuôi tôm, ốc hương cũng tan hoang.

Đến nay, huyện chưa thể thống kê mức độ thiệt hại về tàu thuyền do số lượng tàu bị chìm quá lớn.

“Hiện nay, huyện đang huy động các lực lượng hỗ trợ người dân tìm cách trục vớt tàu thuyền để sửa chữa. Riêng lồng bè nuôi hải sản thì trôi vỡ tràn ngập trên biển nên chưa biết xử lý thế nào” - ông Ý nói.

Khôi phục hạ tầng, điện nước

Ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay của địa phương là tập trung trợ giúp các gia đình có người thân bị nạn, sửa chữa các nhà bị hư hỏng, tốc mái.

Trong những ngày qua, nhiều lực lượng vũ trang đã trợ giúp người dân sửa chữa nhà cửa. “Do số nhà sập quá nhiều, tài sản cũng bị mất nên người dân không có điều kiện để dựng lại nhà.

Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, người dân đang rất cần sự tiếp sức của cộng đồng để có điều kiện ổn định cuộc sống” - ông Bảo nói.

Theo ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, một trong những bức thiết nhất hiện nay là khắc phục hệ thống hạ tầng để ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Đến nay, trừ thị trấn Vạn Giã, hầu hết các xã ở huyện Vạn Ninh vẫn chưa có điện, nước sinh hoạt. Hàng loạt công trình viễn thông, giao thông, thủy lợi vẫn bị tê liệt.

“Hiện đang có năm tỉnh chi viện, tăng cường lực lượng đến Vạn Ninh giúp khắc phục hệ thống điện. Tuy nhiên, nhanh nhất phải nửa tháng nữa nhiều xã mới có điện trở lại vì hầu hết hệ thống trụ điện, đường dây đều bị đổ.

Riêng các công trình giao thông, thủy lợi, huyện đang huy động nhiều lực lượng khẩn trương sửa chữa để nhân dân đi lại, khôi phục sản xuất” - ông Phẩm thông tin.

Phó chủ tịch nước thăm đồng bào vùng lũ

Chiều 10-11, Phó Chủ tịch nước Đặng Ngọc Thịnh đã đến thăm và tặng nhiều suất quà cho bà con vùng lũ Quảng Nam. Tại huyện Đại Lộc, Phó Chủ tịch nước thăm hỏi, chia sẻ mất mát với gia đình hai nạn nhân bị chết trong cơn lũ vừa qua là nạn nhân Lê Ngọc Tạng (xã Đại Nghĩa) và Phan Thị Chín (thị trấn Ái Nghĩa).

Phó Chủ tịch nước đã trao tặng 100 suất quà cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra tại huyện Đại Lộc; gửi tặng 100 suất quà cho người dân vùng lũ huyện Duy Xuyên (mỗi suất 1 triệu đồng), trao tặng 1 tỉ đồng tiền hỗ trợ của Ban Cứu trợ Trung ương cho tỉnh Quảng Nam.

Dịp này, các nhà tài trợ cũng đã trao tặng 30 căn nhà cho người dân trong tỉnh, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng; hỗ trợ huyện Duy Xuyên 50 triệu đồng.

Đến ngày 10-11, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa ghi nhận có đến 19 người chết, một người mất tích và hơn 70 người bị thương. Có gần 650 căn nhà bị sập hoàn toàn; hơn 19.700 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái, trong đó hơn 4.100 căn bị hư nặng.

Tổng thiệt hại toàn huyện trên 4.650 tỉ đồng, chưa tính thiệt hại về nhà ở, tàu thuyền bị chìm, hư hỏng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại