Khâm phục 3 lần hành binh thần tốc của Lữ đoàn xe tăng 203

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Họ đã thực hiện cuộc hành binh thần tốc vượt cả nghìn km, khiến giới chuyên môn thế giới phải ngả mũ khâm phục. Với những người lính xe tăng 203 thì đó không phải là lần duy nhất.

"Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!".

ức điện ngày 7 tháng Tư năm 1975 của Đại tướng Tổng Tư lệnh như một lời hiệu triệu với toàn quân nói chung và với cán bộ- chiến sĩ Lữ đoàn xe tăng 203 nói riêng.

Đáp lời hiệu triệu, họ đã thực hiện một cuộc hành binh thần tốc vượt cả nghìn km mà giới chuyên môn trên thế giới phải ngả mũ khâm phục. Nhưng với những người lính 203 thì đó không phải là lần duy nhất.

"Thần tốc" lần thứ nhất

Đó là cuộc hành binh về phía nam trong đội hình cánh quân Duyên Hải nhằm giải phóng nốt phần đất còn lại của nửa nước thân yêu tháng Tư năm 1975. Đây là thời điểm ta vừa giải phóng thành phố Đà Nẵng xong và đội hình Lữ đoàn 203 từ nội đô, từ bán đảo Sơn Trà… cũng vừa mới tập hợp lại về doanh trại của Sư đoàn 3 Quân lực VNCH tại Khánh Sơn.

Vẫn biết làm lính của một Binh đoàn chủ lực thì việc cơ động "đánh đông, dẹp bắc" cũng là sự thường song nhìn về phía trước mới thấy đày rãy những khó khăn. Quãng đường cơ động thì xa mà thời gian thì lại vô cùng gấp gáp. Nhưng đâu chỉ đơn giản chạy không thôi mà phải "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến".

Trong khi rút chạy, quân địch đã phá hàng chục cây cầu lớn nhỏ trên dọc Quốc lộ 1 để cản bước quân ta. Bên cạnh đó, dưới sự cố vấn của Đại tướng Uây- en, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ chính quyền Sài Gòn đã thiết lập một tuyến phòng thủ mới tại Phan Rang hòng cố giữ phần đất còn lại để tìm một giải pháp chính trị mong manh nào đó.

Khâm phục 3 lần hành binh thần tốc của Lữ đoàn xe tăng 203 - Ảnh 1.

Bộ đội xe tăng thần tốc hành quân, đánh chiếm và vượt qua nhiều ổ đề kháng của địch.

Trong khi đó, xe pháo trang bị thì cũ nát lại vừa trải qua một quãng đường hành quân chiến đấu thật dài. Sức người cũng vậy, từ quan đến lính sau hàng chục ngày hành quân, chiến đấu căng thẳng ai cũng sọm hẳn đi, gương mặt người nào cũng sạm đen, khắc khổ chỉ có hàm răng là trắng.

Thế là chẳng có thời gian để nghỉ ngơi, cũng chẳng có lúc nào để tìm hiểu xem mảnh đất mà chính mình vừa giải phóng nó vuông tròn ra làm sao tất cả lại hối hả lao vào làm công tác chuẩn bị. Những nắp truyền động được mở tung lên.

Những bộ quần áo công tác lại bê bết dầu mỡ. Những gương mặt đã cháy đen vì nắng gió lại thêm một lần nhẻm đen khói bụi. Thủ trưởng và sĩ quan cơ quan Lữ đoàn thì bù đầu bởi những kế hoạch với quyết tâm. Đường sá thì như thế, địch tình thì như thế… phải tổ chức hành quân thế nào để đảm bảo đến đích đúng thời gian quy định.

Và rồi những quyết định sáng suốt nhất, khoa học nhất đã được đưa ra. Đường hỏng, cầu yếu thì tổ chức bộ phận phái đi trước gồm các đơn vị xe lội nước. Và cũng chính lực lượng này sẽ phải đột phá chọc thủng "lá chắn thép Phan Rang" để mở đường cho chủ lực vượt qua.

Và nếu chọc thủng được cái lá chắn này cũng là một đòn hỗ trợ cho người anh em Binh đoàn Cửu Long đang gặp khó ở Xuân Lộc. Còn đại bộ phận sẽ tranh thủ củng cố tốt nhất xe pháo, trang bị để cơ động phía sau và sẽ là lực lượng chủ lực tham gia trận đánh cuối cùng - chiến dịch Hồ Chí Minh.

Và ngày 7 tháng Tư, khi Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5 của Lữ đoàn chuẩn bị xuất quân thì bức điện "Thần tốc" của Đại tướng đến. Bức điện ngắn thôi song nó như một lời hiệu triệu của non sông đất nước làm phơi phới những tâm hồn lính trẻ.

Giờ xuất phát được lùi lại ít phút để truyền đạt mệnh lệnh, để mỗi xe kịp kẻ lên tháp pháo hai chữ "THẦN TỐC" diệu kỳ bằng đủ thứ vật liệu mà lính tráng có thể nghĩ ra. Thật là ngắn gọn, thật là giản dị nhưng cũng thật là ý nghĩa.

Với ý chí đó, với tâm thế đó, chỉ một tuần sau họ đã tới Phan Rang và thực hiện một trận " tiến công trong hành tiến" vô cùng độc đáo. Không chỉ chọc thủng "lá chắn thép Phan Rang" mà còn quét sạch bóng quân địch trên một chiều dài 70 ki- lô- mét chỉ trong một ngày đêm.

Đúng là một kỷ lục. Tiếp đó là Phan Thiết, Hàm Tân… cũng lần lượt được giải phóng để tạo ra cái thế chẻ tre, làm lung lay cánh cửa thép cuối cùng Xuân Lộc, mở ra con đường thênh thang cho đại quân sẵn sàng thẳng tiến Sài Gòn.

Trong lúc đó, hai tiểu đoàn xe tăng chủ lực cũng đã lên đường. Đường Quốc lộ 1 thênh thang, mặt đường nhựa át- phan phẳng lỳ theo tiêu chuẩn Mỹ cho phép chạy tốc độ đối đa. Tuy nhiên, những cây cầu bị phá mới chỉ được bắc bằng cầu tạm mà trọng tải tối đa của nó chỉ chịu được 2/3 trọng lượng xe tăng vẫn là một thách thức không hề nhỏ.

Và rồi rất nhiều sáng kiến đã được đề xuất, trong đó có cả những sáng kiến rất "liều". Tất cả đều nhằm một mục tiêu là đến đích trước thời gian quy định. Chỉ cần có tín hiệu thông đường là gần 60 chiếc xe tăng lại sầm sập lao đi như một cơn "bão thép" không gì cản nổi.

Cả một dải dằng dặc Khu Năm khúc ruột miền Trung- những Nam, Ngãi, Bình, Phú, Khánh Hòa rồi Phan Rang, Phan Thiết… nằm lại sau những băng xích thép. Và ngày 24 tháng Tư năm 1975 - đúng 10 ngày sau khi xuất phát từ Đà Nẵng toàn bộ Lữ đoàn đã tới vị trí tập kết chiến dịch tại Rừng Lá sớm hơn thời gian quy định của trên để sẵn sàng bước vào trận đánh cuối cùng.

Và chính nhờ tập kết đủ lực lượng trước thời gian quy định nên Lữ đoàn có đủ thời gian chuẩn bị làm nên "trận cuồng phong" oanh liệt trên hướng Đông của chiến dịch.

Rồi thì Lịch sử binh chủng Tăng Thiết Giáp Việt Nam cũng như Lịch sử xe tăng thế giới sẽ phải dành những lời đặc biệt nhất cho cuộc hành binh "thần tốc" này. Có ở đâu trên trái đất này lại tổ chức những cuộc hành quân bộ bằng xích cho xe tăng dài hàng nghìn km như thế hay không?

Còn những người lính tăng năm xưa - nhất là cánh lái xe - nay đầu đã đốm bạc thì khi kể về cuộc hành binh đó vẫn cứ thắc mắc: "Không hiểu trong 10 ngày đó mình đã ngủ vào lúc nào?".

Khâm phục 3 lần hành binh thần tốc của Lữ đoàn xe tăng 203 - Ảnh 2.

Xe tăng Lữ đoàn 203 húc đổ cổng vào chiếm Dinh Độc Lập.

"Thần tốc" lần thứ hai

Xin nói ngay: đó là cuộc hành binh về địa bàn Quân khu 9 để chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Tháng 6 năm 1976, sau khi hoàn thành nhiệm vụ truy quét Phun-rô tại Lâm Đồng, Lữ đoàn đã về đứng chân trên mảnh đất Thừa Thiên Huế- nơi phát tích của Binh đoàn Hương Giang. Đất nước đã thống nhất, non sông thu về một mối ai cũng nghĩ từ nay vĩnh viễn được sống trong hòa bình, độc lập và tự do.

Thế rồi, những người lính cựu lần lượt rời tay lái, tay tầm, tay hướng trở về quê hương tiếp tục thực hiện ước mơ còn bỏ dở trên những cánh đồng hay dưới mái giảng đường đại học. Nhưng "cây muốn lặng, gió chẳng đừng".

Bè lũ Pôn Pốt bên kia biên giới được sự hậu thuẫn của quan thày của chúng đã điên cuồng gây hấn. Không chỉ thực hiện cuộc cách mạng "diệt chủng" vô cùng tàn bạo trong nước chúng còn vượt qua biên giới thảm sát dã man đồng bào của ta bất chấp công pháp quốc tế và tình nghĩa keo sơn giữa hai dân tộc.

Tình thế buộc chúng ta phải một lần nữa cầm súng chiến đấu và những người lính 203 lại một lần hành binh thần tốc tiến về phương nam làm nhiệm vụ của mình.

Khâm phục 3 lần hành binh thần tốc của Lữ đoàn xe tăng 203 - Ảnh 3.

Lữ đoàn xe tăng 203 huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

So với cuộc hành binh mùa Xuân năm 1975, cuộc hành binh lần này có nhiều thuận lợi hơn song khó khăn thách thức cũng không hề kém. Nếu như năm 1975 cả Lữ đoàn cùng hành quân bộ theo Quốc lộ 1 thì lần này các phương tiện cơ động đa dạng hơn rất nhiều.

Khối chỉ huy cơ quan cần vào trước để nghiên cứu địa hình, chuẩn bị chiến trường thì được đi máy bay. Khối trang bị nặng đã có thêm phương tiện chuyên chở đường biển. Còn khối các đơn vị bảo đảm thì hành quân theo đường bộ.

Với kinh nghiệm của cuộc hành binh thần tốc lần thứ nhất, toàn Lữ đoàn như một guồng máy nhịp nhàng cùng nhằm tới cái đích: Biên giới Tây Nam - nơi kẻ thù đang hung hãn sát hại đồng bào ta từng giờ từng phút.

Vậy là ngày 16.12.1978, quyền lữ đoàn trưởng Trần Minh Công cùng một số sĩ quan tham mưu lên máy bay thì ngày 19.12 toàn bộ đội hình của Lữ đoàn đã xuất phát. Thế mà chỉ 6 ngày sau - ngày 25.12.1978, toàn lữ đoàn đã có mặt tại vùng Tri Tôn, Bảy Núi xa tít phía Tây Nam để sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, vẫn là những chiếc tăng, thiết giáp đã trải qua bao năm trận mạc nên giờ đây nó đã già nua hơn, cũ kỹ hơn, nhiều chiếc còn mang nguyên những vết thương của cuộc chiến tranh lần trước.

Trong khi đó, đội ngũ thành viên kíp xe già dơ, kinh nghiệm đày mình thì đã lần lượt ra quân nên để thực hiện được cuộc hành binh thần tốc lần thứ hai này, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn đã phải vượt qua bao nhiêu là khó khăn, vất vả.

Nhờ có mặt đúng thời gian quy định, lại được chuẩn bị kỹ càng Lữ đoàn 203 đã hoàn thành xuất sức nhiệm vụ, cùng các đơn vị bạn tiêu diệt và làm tan rã 2 sư đoàn 230, 250 của địch, giải phóng một vùng rộng lớn thuộc các tỉnh phía nam Căm Pu Chia.

Kết thúc chiến dịch, Lữ đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Đại đội 7 thuộc Tiểu đoàn 3 của Lữ đoàn được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Giữa lúc toàn Lữ đoàn còn đang cùng các đơn vị bạn tảo thanh, truy quét quân địch trên đất bạn thì ngày 17 tháng Hai năm 1979, bè lũ phản động Bắc Kinh đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của nước ta.

Không thể để cho bọn xâm lược muốn làm gì thì làm, những người lính của Binh đoàn chủ lực lại một lần nữa nhận lệnh cơ động ra phía Bắc.

Khâm phục 3 lần hành binh thần tốc của Lữ đoàn xe tăng 203 - Ảnh 4.

Lữ đoàn xe tăng 203 huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Cuộc hành binh thần tốc lần thứ Ba

Đã trải qua mấy cuộc chiến tranh liên tục, hỏi có người Việt Nam nào lại thích cảnh máu chảy, đầu rơi, thấy cảnh mũi tên, hòn đạn ngay trên quê hương của mình nữa. Song "Dù rằng đời ta thích hoa hồng; Kẻ thù buộc ta ôm cây súng".

Một lần nữa Lữ đoàn xe tăng 203 nhận lệnh hành binh ra Bắc chặn giặc. Và đó lại là một cuộc hành binh thần tốc vì nước đang ở xa, phải nhanh chóng cơ động tới nơi mới mong dập tắt được lửa hung tàn đang bùng phát dữ dội.

So với hai cuộc hành binh lần trước thì cuộc hành binh lần này có độ dài gấp đôi- suốt dọc chiều dài đất nước với độ dài đường hành quân lên đến 2000 ki- lô- mét. Nhưng cũng như lần thứ hai, các phương tiện vận chuyển rất phong phú, đa dạng và được ưu tiên hết sức.

Lại đã có thêm bao kinh nghiệm tích lũy được trong hai lần cơ động vừa rồi. Và trên hết là lòng căm thù, ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương đã làm cho những người lính của Lữ đoàn 203 như có lửa ở trong tim.

Ngày 06 tháng Ba năm 1979, quyền Lữ đoàn trưởng Trần Minh Công dẫn đầu một nhóm sĩ quan đi máy bay ra trước để trinh sát địa hình, tìm vị trí đứng chân đồng thời bước đầu xây dựng kế hoạch tác chiến.

Ngày 16 tháng Ba, trong khi toàn bộ cán bộ- chiến sĩ (trừ trưởng xe và lái xe) về Tân Sơn Nhất để lên máy bay bay ra Gia Lâm thì gần trăm chiếc xe tăng, thiết giáp lại cơ động về Hà Tiên xuống tàu thủy để ra cảng Hải Phòng.

Tiếp đó là hơn trăm km đường sắt, đường bộ nữa để đến ngày 21 tháng Ba toàn bộ lực lượng, phương tiện của Lữ đoàn đã có mặt ở Trại Cau, Thái Nguyên sẵn sàng đánh địch. Quả thật là một kỷ lục về tốc độ hành binh, một kỳ tích của sự cơ động tăng thiết giáp. Vua Quang Trung nếu có sống lại chắc cũng phải dành cho hậu thế những lời khen ngợi tự đáy lòng.

Chỉ trong vòng 4 năm trời, với 3 cuộc hành binh "thần tốc" dọc chiều dài đất nước- những người lính của Lữ đoàn xe tăng 203 đã làm nên những kỳ tích sẽ còn sáng mãi trong lịch sử. Rất mong truyền thống này sẽ được các thế hệ cán bộ- chiến sĩ trẻ ngày nay tiếp nối.

Còn những bài học kinh nghiệm sinh động và sáng tạo trong những cuộc hành binh thần tốc này sẽ được cụ thể hóa, được truyền đạt lại trong các khoa mục huấn luyện. Để một khi Tổ Quốc cần, Lữ đoàn lại sẵn sàng lên đường "THẦN TỐC".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại