Không quân Hải quân Mỹ được cho là đang bí mật thử nghiệm siêu tên lửa không đối không SM-6 block dual II trên máy bay F/A-18F Super Hornet.
Gần đây, những bức ảnh về máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet của Hải quân Mỹ mang một loại tên lửa mới đã xuất hiện trên mạng xã hội. Tên lửa này được cho là phiên bản không đối không của loạt tên lửa phòng không SM-6, đó là tên lửa SM-6 block dual II.
Máy bay chiến đấu biên chế trên tàu sân bay F/A-18F Super Hornet xuất hiện trong bức ảnh này thuộc Phi đội Kiểm tra và Đánh giá thứ 31 (31 TES) của Không quân Hải quân Mỹ. Trách nhiệm chính của đơn vị này là thử nghiệm nhiều loại vũ khí và thiết bị mới.
Máy bay F/A-18 mang theo tên lửa SM-6 block dual II được lan truyền trên mạng xã hội. Nguồn: Sohu.
Sau khi xem xét, đối chiếu với bức ảnh được chụp vào năm 2018 và những thông tin được truyền thông Mỹ đưa ra vào khoảng thời gian đó, truyền thông Trung Quốc chắc chắn rằng Tên lửa không đối không SM-6 block dual II được lắp trên tiêm kích hạm F/A-18F Super Hornet và Hải quân Mỹ đã thử nghiệm tên lửa này trong một thời gian dài.
Thông tin này cũng không phải không có cơ sở, gần đây Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (ADM) cho biết, Cơ quan này đang triển khai nâng cấp các hệ thống bảo vệ chống lại các mối đe dọa siêu thanh phục vụ nhiệm vụ trong trung hạn.
Dự kiến, trong tương lai gần, cơ quan này sẽ xây dựng những khái niệm chung về tên lửa đánh chặn, cũng như tạo cơ sở công nghệ cho các nền tảng tên lửa tiếp theo.
ADM cũng hợp tác với một số nhà thầu quân sự thực hiện chương trình quân sự về tên lửa đánh chặn là RGPWS và GPI. Mục đích là tìm ra các giải pháp để mở rộng các chức năng của bộ phận trên biển của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược. Vì vậy, ADM có kế hoạch thử nghiệm tên lửa phòng không nối tiếp SM-6 và xác định khả năng đánh chặn các mục tiêu siêu thanh của nó.
Tên lửa phòng không dẫn đường SM-6 hay còn được gọi là tên lửa chủ động tầm xa RIM-174 (ERAM) được phát triển bởi Raytheon và được đưa vào trang bị cho Hải quân Mỹ vào năm 2013. Tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn 2 tầng, có thể phóng đến độ cao đạt 34 km.
Chiều dài tên lửa đạt 6,6 m với đường kính tối đa khoảng 530 mm. Trọng lượng phóng 1.500 kg, trong đó đầu đạn phân mảnh nặng đến 64 kg.
Hình ảnh thiết kế dòng tên lửa SM-6 của Mỹ. Nguồn: Sohu.
Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và điều hướng bằng radar chủ động - thụ động. Khi bay, SM-6 có thể đạt tốc độ siêu thanh xấp xỉ 3,5 Mach. Tầm bắn công bố là 240 km và có triển vọng tăng lên gấp đôi sau khi cải tiến.
Tên lửa được vận chuyển và phóng nhờ vào hệ thống gầm tải đa năng Mk 41. Điều này cho phép SM-6 linh hoạt triển khai trên trên các boong tàu kể cả của Mỹ và nước ngoài.
Tên lửa không đối không SM-6 block dual II được phát triển trên cơ sở tên lửa SM-6, đây là một thế hệ tên lửa không đối không tầm cực xa mới. Tên lửa được phát triển để đáp ứng nhu cầu không chiến trong tương lai của Hải quân Mỹ.
Theo những thông tin hiếm hoi được Mỹ công bố, tên lửa không đối không SM-6 block dual II không sử dụng động cơ khởi động nhiên liệu rắn MK-72 của tên lửa SM-6, do đó chiều dài thân của nó được rút ngắn từ 6,6 m xuống còn 4,5 m và trọng lượng phóng đã giảm xuống khoảng 1.497 tấn.
Với những thông số bị cắt giảm này, tên lửa SM-6 block dual II phù hợp hơn khi gắn trên các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay. Khi được phóng từ trên không, tầm bắn thực tế của tên lửa vẫn đạt hơn 200 km.
Đối với các tính năng khác, SM-6 block dual II tương tự SM-6. Ban đầu, SM-6 là tên lửa phòng không dùng để tấn công các mục tiêu khí động học ở khoảng cách rất xa so với tàu sân bay.
Trong quá trình hiện đại hóa tiếp theo, thiết bị tìm kiếm đã được cải tiến, nhờ đó tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu đạn đạo. Trong các cuộc thử nghiệm, khả năng bắn trúng tên lửa tầm trung của SM-6 đã nhiều lần được kiểm chứng, bao gồm cả trong môi trường nhiễu động.