Nằm cách trung tâm Hà Nội 30km, cây muỗm có vị trí cực kì đắc địa, nơi giao lưu giữa 3 tỉnh: Bắc Ninh - Hưng Yên và Hà Nội. Mỗi mùa lúa chín có nhiều người về đây chụp ảnh, check-in để có được những bức hình đẹp về làng quê Việt.
Cây cao khoảng 20 m, tán có hình mâm xôi tròn rất đẹp. Phần thân gốc xù xì, to lớn, ước tính 4 người ôm mới xuể. Theo website của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cây muỗm ở thôn Ngọc Tỉnh (Thuận Thành, Bắc Ninh) ước tính hơn 600 năm tuổi, được gắn biển Cây di sản Việt Nam năm 2013.
Cây muỗm có tên khoa học là Mangifera foetida Lour, thuộc họ đào lộn hột, có tại Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam. Quả giống hệt với xoài, hương vị cũng tương tự nhưng khi ăn có vị chua hơn nhiều.
Các cành, nhánh xòe rộng tỏa ra xung quanh, la đà xuống sát mặt đất. Có những cành vươn xa 20-30 m tạo bóng mát cho người dân nơi đây mỗi khi đi làm đồng về.
Cô Chiên (người làng Ngọc Tỉnh) cho biết, cô không biết cây có nguồn gốc thế nào, đến nay trong tài liệu lịch sử của làng cũng không có ghi chép về việc cây có từ đời nào và ai trồng tại đây. Từ nhỏ cô Chiên đã vui chơi dưới bóng mát của cây, bây giờ đi làm đồng mỗi khi nắng cô lại ra gốc cây nghỉ cho đỡ mệt.
Mỗi khi chiều về, trời bắt đầu dịu nắng người dân trong thôn từ người già đến trẻ nhỏ lại đạp xe ra đây để hưởng thụ không khí mát mẻ, trong lành.
Theo người dân địa phương, thời gian gần đây cây muỗm bỗng dưng héo dần, xuất hiện những cành bị mục, lá lưa thưa, thiếu sức sống. Nguyên nhân được cho là do con đường bê tông mới làm có thể đã tạo ra sự ngăn cách giữa ruộng với cây, làm mất đi sự tự nhiên vốn có từ bao đời nay.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, một người cao tuổi ở trong làng cho biết: Cây đã có tuổi nên phát triển khá chậm, có những cành nhú ra từ cách đây mấy chục năm mà bây giờ cũng chỉ cao hơn đầu người. Người dân trong thôn rất lo lắng khi cây bị chết nên đã mua phân bón và chăm sóc rất đặc biệt cây mới có thể sống được như hiện tại.
Cây muỗm vẫn sừng sững giữa cánh đồng Ngọc Tỉnh, vẫn chở che cho biết bao thế hệ con người nơi đây. Dân trong làng vẫn quen gọi cây muỗn là “cụ cây”, bởi cây muỗn này như một chứng nhân đã ghi lại bao thăng trầm của lịch sử.