Tờ mờ sáng , anh Lương Văn Nam (42 tuổi) tất bật chuẩn bị một số đồ dùng thiết yếu để lên đường vào rừng xem "kho báu" của dân bản đã được canh gác cẩn thận hàng chục năm qua. Ngoài một ít thức ăn nước uống dọc đường thì vật dụng không thể thiếu chính là nhưng con dao quắm để phát đường đi.
"Rừng rậm, dây leo, cây gai nhiều nên không có dao không đi được. Mùa này còn đỡ chứ mùa đông thì vắt rừng nhiều lắm. Đường đi không khó lắm nhưng cũng phải chuẩn bị kỹ", anh Nam vừa soạn đồ vừa chia sẻ.
Khu rừng bản Na Hang rộng 100ha, trong đó có 1 khu là cây gỗ đinh hương quý.
"Báu vật" mà anh Nam nói đến chính là khu rừng cây gỗ quý đinh hương cổ thụ. Nói là "báu vật" bởi đinh hương là một loại gỗ cực phẩm có giá thành rất cao và được nhiều người ưa chuộng mua về để làm nhà, làm các sản phẩm đồ gia dụng.
Không những vậy, ở Việt Nam, số lượng cây gỗ đinh hương cổ thụ còn lại rất ít. Chính vì thế, để có cả 1 khu rừng cây gỗ đinh hương cổ thụ thì nó đúng là "báu vật" giữa đại ngàn.
Bản Na Hang nằm khá xa trung tâm xã biên giới Mai Sơn (huyện Tương Dương), cách trung tâm thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 300km. Đường đi vào khu rừng cây gỗ đinh hương cũng khúc khuỷu gian nan với những đoạn gò đá cao nguy hiểm. Để đi vào đến tận nơi, mọi người phải cuốc bộ khoảng 1 giờ đồng hồ.
Để vào khu rừng cây đinh hương phải cuốc bộ khoảng 1 giờ đồng hồ.
Vừa dẫn đường vừa cầm dao phát bụi rậm để tạo lối mòn cho người đi sau, anh Nam cho biết, khu rừng của bản Na Hang này rộng khoảng 100ha. Trong đó, khu rừng cây gỗ đinh hương cổ thụ còn khoảng 100 gốc loại to.
Những lối mòn trong khu rừng cây của bản anh Nam đều thuộc hết, đến đâu có gốc cây nào lớn bé anh cũng nắm như lòng bàn tay. Anh Nam cũng là người tham gia đội bảo vệ từ khi còn là một chàng trai mới 17 tuổi đến giờ đã ngoài 40.
Những cây đinh hương cổ thụ có thân lớn 2-3 người ôm.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, rừng nhiều nơi "đổ máu", các loại cây gỗ cổ thụ, cây gỗ quý đều bị chặt hạ trơ gốc. Trước tình trạng này, năm 1994, dân bản Na Hang đã lập một quy ước riêng để bảo vệ khu rừng với những cây đinh hương quý trước các cuộc "thảm sát" của lâm tặc. Nếu ai vi phạm sẽ bị bản phạt rất nặng.
Điều này được toàn thể dân bản Na Hang hưởng ứng và làm theo. Hàng tháng, bản tổ chức một đội tuần tra đi vào khu rừng kiểm đếm các gốc đinh hương. Nếu có cây nào tự gãy đổ thì mới cho người dân tận thu để làm nhà. Chính vì thế, những gốc đinh hương mới sống sót và có điều kiện phát triển đến bây giờ.
Thân cây đinh hương cao sừng sững, tán tỏa rộng.
Men theo những triền dốc, vượt qua nhiều gò đá, chúng tôi cũng đến được khu trung tâm của "kho báu". Những loạt cây đinh hương cao hàng chục mét, thân cây to 1-2 người ốm mới xuể sừng sững hiên ngang giữa núi rừng.
Hầu hết những gốc cây đinh hương cổ thụ trong rừng này đều có tuổi đời từ 70-80 năm, cũng có những cây non mới mọc được vài năm đến chục năm tuổi. Thân cây cổ thụ có vỏ xù xì, nhuốm màu thời gian. Dưới gốc cây phủ những lớp rêu xanh. Có nhiều cây mọc đến 3 thân đứng sừng sững, cao chót vót.
Anh Kha Văn Ba, Bí thư bản Nan Hang chia sẻ: "Trước đây nhiều người ở nơi khác cũng muốn vào khu rừng này chặt cây, phát nương làm rẫy nhưng bà con không cho. Mọi người cùng đồng lòng bảo vệ, với dân bản Na Hang thì khu rừng này là tài sản quý báu, vô giá".
Tổ tuần tra của bản Na Hang thường xuyên vào rừng kiểm tra, canh gác, phát bụi rậm để cây đinh hương phát triển.
Cận cảnh rừng đinh hương - báu vật giữa đại ngàn miền biên viễn huyện Tương Dương.