Khám chữa bệnh từ thiện không khéo còn gây hại cho bệnh nhân

Bác sĩ Huynh Wynn Tran |

Cách đây vài tháng trên facebook lan truyền câu chuyện về anh kỹ thuật viên đi làm từ thiện nhưng ai cũng nghĩ là bác sĩ. Đến khi bệnh viện lên tiếng thì mọi người té ngửa.

"Bác sĩ Wynn Tran ơi, em là bác sĩ X, hè này em muốn về Việt Nam khám bệnh từ thiện...".

"Okay. Em gửi anh CV/license/ để anh check trước nhé!".

Tôi thường hay nhận được message như vậy và thấy mừng vì ngày càng có nhiều bác sĩ gốc Việt tại Mỹ quan tâm đến đồng bào mình ở Việt Nam.

Mỗi năm có hàng trăm đoàn khám bệnh từ thiện từ nước ngoài đến Việt Nam và các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, thỉnh thoảng các đoàn khám từ thiện từ các thành phố lớn (Sài Gòn, Hà Nội) đến các vùng xa xôi để khám chữa bệnh từ thiện.

Có thể thấy rất nhiều tấm lòng muốn cứu giúp bệnh nhân nghèo thông qua những chương trình này. Tuy nhiên, khám bệnh từ thiện chưa chắc là đã làm điều tốt cho bệnh nhân nghèo. Trong một số trường hợp, việc khám từ thiện tổ chức không cẩn thận có thể làm hại bệnh nhân.

Bệnh nhân khám từ thiện cần gì?

Bệnh nhân từ thiện thường có các bệnh mãn tính, nhưng không nhận ra đang có bệnh hoặc không điều trị bệnh dẫn đến các biến chứng; sinh sống ở những vùng sâu vùng xa; thường là những người nghèo nhất, trình độ học vấn thấp, đôi khi mù chữ và mù về kiến thức y tế, và dĩ nhiên không có điều kiện để chăm sóc sức khoẻ khi miếng cơm manh áo là cuộc chiến hàng ngày chứ không phải cao mỡ hay cao máu.

Khám chữa bệnh từ thiện không khéo còn gây hại cho bệnh nhân - Ảnh 1.

Vì vậy, khám chữa bệnh cho các bệnh nhân này đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn nhất định, am hiểu cộng đồng sâu, nhất là cần hiểu sâu hơn các bệnh lý thông thường và đặc biệt tại địa phương mình sẽ khám, kỹ năng giao tiếp tốt và có các nguồn hỗ trợ xã hội.

Tuy vậy, bệnh nhân từ thiện cũng là những người dễ thương nhất và có thể là những người thầy tốt nhất cho các sinh viên Y và bác sĩ trẻ. Họ quý mến bác sĩ và nhân viên y tế hết lòng vì những gì đoàn từ thiện mang lại.

Bác sĩ khám từ thiện phải am hiểu địa phương và đầy đủ chuyên môn

Trái với các bác sĩ làm viện tại bệnh viện lớn nhận lương cố định, bác sĩ từ thiện ít khi nào nhận lương. Họ làm vì muốn giúp đỡ bệnh nhân.

Phần lớn bác sĩ từ thiện đều không cần phải lo về tài chính khi khám chữa bệnh từ thiện. Vì vậy, nhiều bác sĩ làm từ thiện là những bác sĩ đã ổn định và có kinh nghiệm chuyên môn.

Tuy nhiên, cũng không ít là bác sĩ trẻ và sinh viên tham gia khám từ thiện còn để học thêm kinh nghiệm lâm sàng. Điểm này hoàn toàn tốt nếu như họ được quản lý tốt và theo dõi bởi các bác sĩ đàn anh.

Điểm chung của bác sĩ từ thiện là họ thường không biết về bệnh nhân do chỉ gặp một lần duy nhất và có thể sẽ không bao giờ gặp lại. Điều này khiến cho việc chữa các bệnh kinh niên (là phần lớn của bệnh nhân trong khám từ thiện) gặp khó khăn vì bác sĩ không biết tiền sử bệnh, các loại thuốc đã dùng, cũng như không có theo dõi sau khi chữa để biết kết quả hoặc theo dõi biến chứng.

Ngoài ra, các bác sĩ từ thiện thường được tập hợp lại từ nhiều nguồn khác nhau nên trình độ cũng khác nhau.

Tại Việt Nam, thời gian chữa bệnh từ thiện ngắn nên cũng ít ai kiểm tra bằng cấp chuyên môn hoặc khả năng lâm sàng. Chủ yếu là biết nhau qua quan hệ cá nhân và bạn bè. Điểm này rất nguy hiểm vì không biết bác sĩ nào đã có kinh nghiệm thực sự hoặc kỹ năng chuyên môn phù hợp.

Đang chích thì... phát hiện thuốc hết hạn

Cũng như với tất cả các bệnh nhân khác, rủi ro đầu tiên của bệnh nhân được khám chữa từ thiện là biến chứng sau khi khám và điều trị, gồm phản ứng phụ với thuốc, tâm lý của bệnh nhân khi biết mình bị bệnh và nhiễm trùng sau ca mổ. 

Nhưng khác với bệnh nhân được theo dõi trong cơ sở y tế, khi có phản ứng phụ với thuốc thì có khi bệnh nhân từ thiện không biết mà vẫn tiếp tục uống cho đến khi gặp tai biến khác.

Tôi từng biết một bác gái kia được chẩn đoán huyết áp cao trong một đợt khám từ thiện, cho thuốc uống hạ huyết áp. Bác về nhà uống theo chỉ dẫn, và bị tụt muối do tác dụng của thuốc. Bác bị té xỉu gãy xương, nhập viện, cũng may là bình phục được. Tất cả chỉ vì không có ai theo dõi chỉ số muối sau khi khám từ thiện.

Một bác bệnh nhân khác bị chẩn đoán là trầm cảm trong đợt khám từ thiện, khiến bác nghĩ mình bị bệnh tâm thần (do anh sinh viên kia phân tích trầm cảm là một dạng bệnh tâm thần) nên càng thêm... cảm trầm.

Các rủi ro khác gồm thuốc hết hạn, thuốc không được kiểm định và máy móc kém chất lượng. Thậm chí có nhiều chuyện cười ra nước mắt vì lúc đang hăng say chích cho bệnh nhân thì phát hiện ra... thuốc hết hạn!

Thiếu kiểm định chuyên môn nhân viên và bác sĩ cũng là một rủi ro lớn.

Cách đây vài tháng trên facebook lan truyền câu chuyện về anh kỹ thuật viên kia đi làm từ thiện nhưng ai cũng nghĩ anh này là bác sĩ. Cho đến khi bác sĩ chuyên môn của bệnh viện lên tiếng thì mọi người mới té ngửa. Mặc dù anh này có ý tốt muốn giúp đỡ mọi người, nhưng rõ ràng là không nên tạo hiểu lầm về chuyên môn của mình.

Nguyên tắc đầu tiên của y khoa là "Do no harm - Không làm hại". Bất kỳ bác sĩ nào muốn khám bệnh từ thiện phải trả lời câu hỏi "Mình có thể hại bệnh nhân hay không?".

Cuối cùng là hiệu ứng Top Down, nghĩa là chỉ giúp ích một số bệnh nhân trong khi những bệnh nhân bệnh nặng thật sự cần thì không có.

Khi nghe tin khám từ thiện, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân đến xin khám. Người có bệnh thật sự cần được khám chưa chắc đã gặp được bác sĩ vì nếu họ đến trễ và muộn (thường là những người bệnh nặng nhất) thì đợt khám cũng gần xong (thường một đợt khám từ thiện vào khoảng nửa ngày hoặc một, hai ngày).

Khám chữa bệnh từ thiện không khéo còn gây hại cho bệnh nhân - Ảnh 2.

Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn rất cần được khám chữa bệnh miễn phí. (Ảnh minh họa: Lan Nhi/Báo Biên phòng)

Khám từ thiện tại Mỹ như thế nào?

Bộ Y tế Mỹ đã thấy những vấn đề của khám từ thiện từ lâu nên họ lập ra hẳn một cơ quan chuyên hỗ trợ khám từ thiện trực thuộc gọi là HSRA (Health Resourses and Service Administrations).

Thông qua HSRA, cơ quan này điều phối, kiểm tra các phòng khám từ thiện của Mỹ, kiểm tra bằng chuyên môn hành nghề của bác sĩ và quan trọng hơn là cung cấp bảo hiểm chuyên khoa (Malpractica Insurance) cho các bác sĩ và nhân viên y tế khám bệnh tại các phòng khám.

Dưới sự hỗ trợ của HSRA, các bác sĩ và nhân viên y tế được xem là nhân viên liên bang lúc làm việc. Bằng cách này, họ có thể yên tâm hoàn toàn làm từ thiện mà không sợ bị kiện.

Có thêm một cách là liên kết đào tạo chuyên môn cho bác sĩ địa phương. Không ai nắm vững bệnh nhân địa phương bằng bác sĩ địa phương cả. 

Vì vậy theo tôi các bác sĩ tại chỗ có thể học hỏi thêm về bệnh lý, bác sĩ ở xa thì tổ chức chuyển giao kiến thức cho nhân viên y tế địa phương. Các nhân viên y tế và tổ chức có thể liên kết giúp đỡ bệnh nhân và nhân viên cộng đồng.

Đây là cách tốt nhất mà tổ chức y tế thế giới WHO ủng hộ. Giống như câu ngạn ngữ: "cho người một con cá, sống một ngày; dạy người câu cá, sống cả đời".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại