Chính quyền địa phương cho biết, hơn 1.000 quả hỏa tiễn Mysorean thuộc về một vị vua chiến binh có tên Tipu Sultan đã được khai quật trong một giếng bỏ hoang tại miền nam Ấn Độ.
Công đoạn đào giếng tại quận Shimoga ở bang Karnataka đã làm lộ ra các vỏ hỏa tiễn. Theo các tài liệu khảo cổ, vùng đất Shimoga từng là một phần trong vương quốc của vua Tipu Sultan.
Sau một chuỗi những chiến thắng liên tiếp, vị vua này hi sinh trong cuộc chiến lần thứ 4 với người Anh hồi năm 1799.
Ông được cho là người đã phát minh ra loại hỏa tiễn đặc biệt có tên gọi Mysorean, dạng hỏa tiễn bọc sắt đầu tiên được triển khai thành công cho mục đích quân sự. Sau này, hỏa tiễn Mysorean được người Anh sử dụng làm nguyên mẫu cho việc phát triển hỏa tiễn Congreve trong những trận chiến thời Napoleon.
Sử dụng các ống sắt để giữ nhiên liệu đẩy, hỏa tiễn Mysorean có tầm bắn xa hơn 2 km. Một hỏa tiễn mang khoảng 0,5 kg chất nổ có thể đi xa hơn 900 m. Nhờ uy lực lớn, vũ khí này được dùng để tấn công, uy hiếp kẻ thù hoặc phóng hỏa các công trình của đối phương.
"Khi đào giếng, người dân ngửi thấy mùi giống như thuốc súng. Sau khi tiếp tục tìm kiếm, họ phát hiện số lượng lớn vỏ hỏa tiễn được chất thành đống," một người cho biết.
Đội 15 người gồm các nhà khảo cổ và các thợ đào tốn 3 ngày để thu thập hết kho vũ khí.
Những hỏa tiễn này - dài từ 23 cm đến 26 cm, sẽ được trưng bày tại bảo tàng ở Shimoga.