Cây viết người Canada Matthew Pike đã có bài viết trên trang Culture Trip về những kinh nghiệm học tiếng Việt sau một thời gian sinh sống ở Việt Nam. Dưới đây là bản dịch bài viết của anh.
Tiếng Việt thường được mô tả là giống như tiếng chim hót bởi những thanh âm đặc sắc và thú vị của nó. Đối với những người nước ngoài mới bắt đầu học ngôn ngữ này, tiếng Việt rất khó. Nghe người ta nói tiếng Việt cứ như đang nghe một câu hát, hay nhưng mà bản thân lại cảm thấy vô vọng vì không thể đoán ra từ gì.
Tuy nhiên, dành nhiều thời gian để tìm hiểu về ngôn ngữ này, cũng như để luyện rèn đôi tai, bạn sẽ dần dần hiểu được ý nghĩa từ âm thanh nghe được. Dưới đây là một vài bí quyết giúp bạn hiểu được tiếng Việt.
Thanh điệu
Tiếng Việt là một ngôn ngữ có thanh điệu, có nghĩa là khi bạn thanh đổi thanh điệu của một từ, từ đó sẽ thay đổi luôn ý nghĩa. Các thanh điệu được hiển thị dưới dạng các ký hiệu bên trên hoặc bên dưới các từ, người Việt gọi đó là "dấu".
Và một khi bạn học thuộc được các dấu này, khi nhìn thấy chúng, bạn sẽ biết từ này phải phát âm thế nào mới đúng. Chính âm sắc đã khiến cho tiếng Việt nghe như có nhạc.
Tông giọng cao
Trong tiếng Anh, ta thường nói với tông giọng thấp hơn nhiều so với tiếng Việt. Vì vậy, ngay cả những cuộc trò chuyện bình thường của người Việt cũng khiến cho người nghe cảm thấy rất hào hứng.
Tất cả các từ của tiếng Việt đều chỉ có 1 âm tiết cho nên người nói tiếng Việt không phải chú ý tới "trọng âm" của từ như trong tiếng Anh. Có lẽ chính vì thế mà nhiều người Việt khi mới nói tiếng Anh lại có phát âm khá "đều đều", chưa thể nhấn nhá.
Ngược lại, người bản ngữ nói tiếng Anh tới lúc chuyển sang nói tiếng Việt lại như đang hát.
Không có âm kết thúc
Người nói tiếng Việt không cần phải phát âm những phụ âm cuối như tiếng Anh, bởi những âm này đã nằm trong vần của từ. Âm kết thúc (ending sound) được cho là một trong những điều khó nhất của người Việt khi mới học tiếng Anh. Bởi trong tiếng Anh, người nói phải phát âm hầu hết các âm cuối.
Tiếng Việt không có điều này. Trong tiếng Việt, các từ có xu hướng hòa quyện vào nhau như một nhịp trống bất tận và bạn sẽ bị tụt lại phía sau nếu như chẳng may lạc nhịp.
Tiếng Việt giờ đã khác
Tiếng Việt đã thay đổi khá nhiều qua từng giai đoạn lịch sử. Tiếng Việt mà chúng tôi được tiếp cận ngày nay còn tương đối mới. Trước thế kỷ 17, tiếng Việt được viết bằng chữ Hán. Sau đó, một nhà truyền giáo Dòng Tên người Pháp Alexandre De Rhodes là người đầu tiên tạo ra chữ Quốc ngữ, là phiên bản tiếng Việt theo các kí tự Latinh thay vì các kí tự tượng hình.
Nhờ hệ thống kí tự Latinh này mà ngày nay, tiếng Việt tạo cảm giác khá quen thuộc đối với những người sử dụng tiếng Anh, tuy nhiên, tới khi thực sự học tiếng Việt, bạn sẽ thấy nhiều điểm khác biệt rất thách thức người học (như hệ thống dấu đã đề cập ở trên).
Có nhiều nguyên âm
Tiếng Việt có 12 nguyên âm, một số nguyên âm trong đó có chung các chữ cái gốc Latinh, Ví dụ, có 3 nguyên âm khác nhau của Việt Nam cùng có gốc là chữ "a". Để "thêm vào sự dễ làm cho người ta nhầm lẫn", những nguyên âm có chung chữ cái gốc Latinh cũng có phát âm khá giống nhau.
Có lẽ bởi có nhiều nguyên âm hơn mà người nói tiếng Việt cứ như đang trôi theo dòng chảy, không dừng lại, không để một phụ âm nào có thể làm gián đoạn dòng chảy ấy. Quả thật, nghe người ta nói tiếng Việt như đang nghe tiếng chim hót vang xa trong những tán rừng nhiệt đới.