Chiều 7/6, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu dẫn đầu đã thị sát hiện trường, chỉ đạo đơn vị thi công tập trung phương tiện và lực lượng khắc phục sự cố vỡ đập Bara Đô Lương tại hai xã Tràng Sơn và Đặng Sơn (huyện Đô Lương).
Trước đó, khoảng 8h sáng 7/6, khoang số 10, 11 tại đập Bara Đô Lương nằm trên sông Lam bị gãy sập hoàn toàn.
Sự cố nghiêm trọng gây nên hiện tượng tụt mực nước đầu kênh dẫn dòng và không đủ lượng nước theo yêu cầu chảy vào kênh chính, dẫn đến nước vào hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An bị thiếu hụt từ 50 - 70%, gây khô hạn vùng Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu, với tổng diện tích khoảng 20.000 ha lúa đã gieo cấy bị ảnh hưởng.
Vỡ đập tràn Bara Đô Lương sáng 7/6
Tại hiện trường, phần đập bị vỡ hoàn toàn thuộc các khoang số 10 và 11. Khoang số 12 và 13 bị nứt nhiều chỗ, nhiều phần âm bê tông bên trong đã rỗng có nguy cơ đổ sập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực và vật lực, làm việc 24/24h để đến ngày 11/6 có thể khắc phục xong sự cố, nhằm đảm bảo nguồn nước chống hạn cho vụ lúa Hè Thu và nước sinh hoạt cho người dân.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo đơn vị thi công rút thời gian thi công đập Bara Đô Lương từ 3 năm xuống còn 2 năm, vì chất lượng còn lại của các khoang cũ không thể đáp ứng yêu cầu kéo dài thời gian.
Được biết, đập Bala Đô Lương được Pháp xây dựng năm 1930 và hoàn thành năm 1937, để phục vụ tưới tiêu cho các vùng đồng bằng Nghệ An. Qua 80 năm khai thác và sử dụng đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Công trình có 12 khoang tràn, mỗi khoang rộng 23m và một cửa xả cát rộng 21m. Năm 2017, tỉnh Nghệ An có chủ trương đầu tư xây dựng đập dâng mới, thay thế đập dâng cũ với nguồn vốn hơn 350 tỷ đồng, chủ yếu vay của JICA Nhật Bản.