Khác biệt bản chất của những người thành công và những kẻ thua cuộc, chỉ nằm ở một câu hỏi này!

TRANG PS - LEVI (SPIDERUM); DESIGN: BI |

Những người thành công luôn tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ người khác. Những người không thành công thì luôn hỏi: "Tôi được lợi gì?".

Ai ai cũng mơ ước mình sẽ thành công vào một ngày nào đó, trong một lĩnh vực cụ thể nào đó và họ tự hỏi bản thân rằng bí quyết nào để những triệu phú, tỷ phú trên thế giới đạt đến nấc thang danh vọng kia.

Rồi trong số họ, người ta quan sát thấy có những người đi lên kiên trì rồi chiến thắng nhưng cũng không ít người liên tục vấp ngã mà quên dừng lại nhìn nhận lỗi sai của mình.

Người thành công tự hỏi “Tôi sẽ tạo được giá trị gì cho người khác?”

Mark Zuckerberg cùng bạn bè của mình sáng lập nên trang mạng xã hội Facebook nhằm giúp mọi người kết nối dễ dàng hơn với nhau.

Jack Ma thành lập nên Alibaba vì nhận ra trong thời gian ở Mỹ, ông không tìm thấy một trang web nào quảng cáo các chữ như “bia” và “ Trung Quốc” ở quốc gia mình.

Một ý tưởng kinh doanh đã nảy nở trong đầu ông và thế là Alibaba ra đời, trở thành một trong những sàn thương mại điện tử đáng nể từ lúc đó tới bây giờ.

Steve Jobs tạo ra thương hiệu điện thoại thông minh Apple vì hiểu con người không chỉ cần những sản phẩm công nghệ tốt mà còn phải có thẩm mỹ nữa…

Sứ mệnh chung của những người thành công là: “Sản phẩm của tôi có thể tạo giá trị gì?” Và cứ thế, họ theo đuổi mục tiêu đến cùng dù trong hành trình gian nan đó, họ vấp ngã không biết bao nhiêu lần.

Người thành công không bao giờ hỏi: “Tôi sẽ kiếm được bao nhiêu tiền khi tôi làm điều đó?”

Nếu không tin, bạn hãy nhìn vào Elon Musk, với khối tài sản lên tới 13.1 tỉ USD, doanh nhân công nghệ sinh năm 1971 ở Nam Phi này chưa bao giờ nghĩ đến việc kiếm tiền.

Musk đã thay đổi cách chúng ta nghĩ về Internet, tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề môi trường cũng như tính bền vững, thúc đẩy hoạt động các dự án tạo ra lợi ích lớn lao cho nhân loại.

Làm việc 100 giờ/tuần, Elon Musk thực sự là hình mẫu mới về sự thành công trong thế kỉ XXI. Với Elon Musk, anh quan niệm: “Thành công đong đếm bằng giá trị mà bạn tạo ra cho những người xung quanh.”

Khác biệt bản chất của những người thành công và những kẻ thua cuộc, chỉ nằm ở một câu hỏi này! - Ảnh 1.

Bạn đã bao giờ nghe đến câu nói: “Muốn lợi mình thì trước tiên phải lợi người”? Nếu bạn muốn muốn kiếm tiền từ sản phẩm của mình thì trước tiên sản phẩm của bạn phải giúp ích cho người mua.

Nếu bạn muốn trang web hay kênh youtube của mình được nhiều người biết đến thì nội dung sản phẩm phải chạm vào lòng người, họ mới trung thành với thương hiệu của bạn.

Nếu giá trị mà bạn đem đến khách hàng thỏa mãn nhu cầu của họ, bạn sẽ bắt đầu “được” những điều mà bạn mong muốn cho bản thân.

Starbucks là một trong những thương hiệu cà phê gắn liền với triết lý ấy. CEO Howard Schultz nhận ra rằng thành công của một thương hiệu là khi bạn dốc hết trái tim mình vào việc biến nó trở thành điểm đến mà mọi người nghĩ đến đầu tiên.

Nếu chỉ nghĩ đến cái lợi cá nhân, ai sẽ ủng hộ cho sản phẩm của bạn, vì khi đó chính bạn đã không hiểu khách hàng của mình muốn gì.

Không ít người cứ dính chặt suy nghĩ của mình với việc bản thân họ sẽ được gì khi tham gia tổ chức này, sẽ kiếm được bao nhiêu tiền nếu dấn thân vào lĩnh vực đó, nếu hợp tác, anh ta có được gì hay không?

Nếu cứ bám chặt vào mớ suy nghĩ vị kỉ đó, bạn sẽ vẫn mãi ở đấy trong khi nhiều người vụt lên vì họ xác định rõ sứ mệnh, tầm nhìn của mình.

Câu hỏi “Tôi được lợi gì?” sẽ trở thành rào cản tâm lý lớn cho bạn

Thành công một mình là điều không tưởng. Trong công việc cũng như đối với các mối quan hệ xã hội, nếu chỉ chăm chăm so đo, tính toán thiệt hơn thì bạn sẽ không thể tiến xa được.

“Buôn có bạn, bán có phường”. Để tạo niềm tin với khách hàng, sẽ có rất nhiều trường hợp bạn phải hi sinh lợi ích trước mắt, sẵn sàng cho họ dùng thử sản phẩm miễn phí, trực tiếp tới tận nơi tư vấn, lắng nghe những lời phàn nàn từ họ.

Bạn phải thực tâm mong muốn giải quyết những khó khăn của khách hàng và chân thành lắng nghe phản hồi nếu muốn việc kinh doanh của mình phát triển.

Trong đời sống cũng vậy, nếu bạn không quan tâm tới ai thì cũng đừng mong có ai quan tâm đến mình.

Một mối quan hệ bền vững chỉ có thể được tạo dựng dựa trên niềm tin, và rồi từ một người, bạn sẽ mở rộng mạng lưới của mình tới nhiều người hơn để gia tăng cơ hội thành công của mình.

Những cách làm chộp giật, thậm chí chà đạp lên quyền lợi của người khác sẽ chỉ có thể thực hiện được một lần mà thôi.

Câu hỏi “Tôi sẽ được gì khi làm cái này?” cũng là trở ngại khiến một người khó có thể thoát ra khỏi vùng an toàn của chính bản thân mình.

Một lĩnh vực hay ngành nghề rất “hot" vào thời điểm hiện tại có thể hoàn toàn biến mất sau 15 - 20 năm nữa.

Mậu dịch viên, thợ chụp ảnh phim, nhân viên chuyển cuộc gọi… từng là những công việc “đáng mơ ước" trước khi có sự ra đời của kinh tế thị trường, máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại di động.

Sự toan tính khi nhìn vào cái lợi trước mắt khiến cho mỗi người bỏ qua những ý tưởng sáng tạo, từ chối mọi khác biệt, né tránh sự mạo hiểm… trong khi tất cả những điều này lại là động lực của phát triển.

Thực tế đã cho thấy những người thay đổi xã hội là những kẻ dám thử nghiệm cái mới, dám làm những điều không đem lại lợi ích trước mắt.

Những lợi ích cá nhân bạn nhìn ra được thì người khác cũng nhìn ra được. Việc nhìn vào ngắn hạn, do đó, sẽ chỉ khiến cho bạn làm lại những gì người khác đã hoặc đang làm.

Vào những buổi đầu thành lập, Pixar Studio của Ed Catmull là một đơn vị kinh doanh máy tính bết bát.

Nếu thời điểm đó Steve Jobs chỉ nghĩ tới lợi nhuận ngắn hạn mà không đầu tư 50 triệu USD cho Pixar, có lẽ giờ đây những người mến mộ điện ảnh sẽ không bao giờ được thưởng thức những tác phẩm kinh điển như Wall-E, Ratatouille hay Toy Story.

Thành công hay thất bại của mỗi người, sau cùng được quyết định ở chính thái độ sống này mà thôi. Vượt qua những suy nghĩ tủn mụn, những lợi ích ngắn hạn chính là chìa khoá để bạn mở rộng thế giới quan và phát triển sự nghiệp của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại