Khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội NATO thế nào?

HOÀNG VŨ |

Trong một bài viết mới đây đăng trên Tạp chí National Interest với tiêu đề Is NATO Really Ready for a War? (Tạm dịch: NATO có thực sự sẵn sàng cho một cuộc chiến?), bà E. Bro (Elisabeth Braw), nghiên cứu viên cấp cao không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương-một trong những nhóm chuyên gia cố vấn có ảnh hưởng đến Mỹ và NATO về chính sách đối ngoại và địa chính trị, đã chia sẻ cuộc trao đổi của mình với các quan chức quân sự về năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội NATO.

Khi G. Bo-nơ-man (Jürgen Bornemann) còn là sĩ quan cấp úy của quân đội Tây Đức, hằng năm ông đều dành nhiều tháng tập luyện cơ động đơn vị mình từ căn cứ đến các vùng có nguy cơ xảy ra chiến sự. Không chỉ có đơn vị của ông làm thế.

"Toàn bộ các sư đoàn (một sư đoàn có khoảng 15.000 lính) đều được cơ động trong phạm vi Tây Đức", G. Bo-nơ-man, sau này là Trung tướng và là Chỉ huy Cơ quan Tham mưu Quân sự Quốc tế của NATO, nói.

Huấn luyện cơ động với sự tham gia của hàng chục nghìn binh lính đến các nơi có nguy cơ trở thành "điểm nóng", thực ra chính là một bộ phận cấu thành quan trọng trong kế hoạch quân sự thời Chiến tranh Lạnh của NATO.

"NATO trước đây thường xuyên huấn luyện triển khai 50.000 binh lính khắp Đại Tây Dương và di chuyển quân khắp châu Âu. Đó vừa là để phô trương nhưng cũng vừa là cách bảo đảm rằng, mọi thứ đều hoạt động trơn tru", I. Brê-din-xki (Ian Brzezinski), Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ (George W. Bush) cho biết.

Trong khi đó, ngày nay, huấn luyện di chuyển của quân đội NATO có vẻ khá hạn chế. Các cuộc tập trận ít thường xuyên hơn và chủ yếu vẫn là sự tham gia của các lữ đoàn (mỗi lữ đoàn có khoảng 5.000 binh lính).

"Vào năm 2015, chúng tôi thực hiện cuộc tập trận mang tên Trident Juncture có sự tham gia của 36.000 binh lính. Thế nhưng đã mất một khoảng thời gian khá dài cho công tác lập kế hoạch trong khi cuộc tập trận chỉ thực hiện ở I-ta-li-a, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha", I. Brê-din-xki nêu rõ.

Và như G. Bo-nơ-man lưu ý, mặc dù đã nhiều năm trôi qua thế nhưng NATO vẫn không thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn thường xuyên nào cả. Vì vậy, quân đội NATO bị thiếu kiến thức về phương cách thực hiện tập trận.

Họ cũng thiếu cả trang thiết bị. Trong Chiến tranh Lạnh, Tập đoàn đường sắt Deutsche Bahn của Đức nắm trong tay hàng nghìn toa xe lửa phục vụ cho việc vận chuyển binh lính. Giờ thì không còn như vậy nữa.

Một điều đáng lo ngại không kém là tốc độ cơ động của binh lính tham gia tập trận. Một quan chức cấp cao của NATO cho hay:

"Đôi khi chúng tôi có 10 nước tham gia. Đó không chỉ là vấn đề số lượng binh lính và phương tiện cơ động. Chúng tôi phải có khả năng cơ động từ một địa điểm bất kỳ tới bất cứ nơi đâu. Điều đó cực kỳ phức tạp trong khi thời Chiến tranh Lạnh, mọi người đều biết mình sẽ phải cơ động đường nào".

Vì giờ đây việc dự đoán khu vực xảy ra chiến sự khó khăn hơn so với thời Chiến tranh Lạnh, cho nên cũng khó xác định được địa điểm để bố trí trước trang bị vũ khí. "Chúng tôi không biết ở khu vực nào chúng tôi sẽ cần tới loại vũ khí đó, trong khi trong Chiến tranh Lạnh, chúng tôi biết chính xác cần dùng đến một loại vũ khí ở đâu", vị quan chức này nói.

Thời Chiến tranh Lạnh, các chỉ huy quân đội NATO cũng biết được thông tin cụ thể từng chiếc cầu, đường ray, đường hầm, sân bay, hải cảng trên lãnh thổ các nước thành viên. Họ có thể dễ dàng tiếp cận thông tin thông qua cái gọi là Danh mục Tiềm lực của liên minh, một bách khoa toàn thư chứa đựng các thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng mà quân đội có thể sử dụng.

"Hiện chúng tôi đã từ bỏ Danh mục Tiềm lực này", quan chức này cho biết. Vì vậy, các chỉ huy quân đội NATO giờ đây không có đầy đủ thông tin về cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ cho quá trình cơ động binh lính.

Tiềm lực của các nước thành viên gia nhập sau vào NATO chưa bao giờ được bổ sung vào Danh mục Tiềm lực và cơ sở hạ tầng của họ cũng lỗi thời.

"Một vài nước trong số này đã tái xây dựng hạ tầng tại nhiều nơi trong khi các thành viên kỳ cựu chưa làm. Một số cây cầu tại một số nước thuộc khối Vác-xa-va cũ có lẽ sẽ cần được nâng cấp ở một giai đoạn nào đó. Đôi khi có những chiếc xe bọc thép nặng 70 hay 80 tấn thì việc vận chuyển qua cầu chính là một vấn đề".

Ngoài ra, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quyền quyết định đối với các cuộc tập trận của NATO đã chuyển từ các chỉ huy quân sự sang Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (Hội đồng NATO) dân sự, hoạt động với tốc độ "phi quân sự".

Các chỉ huy quân sự từ lâu đã ý thức được những vấn đề gây ra bởi quy trình ra quyết định chậm chạp này, song những người ra quyết định chính trị lại luôn né tránh. Chỉ có trao thêm quyền lực cho các chỉ huy quân sự đối với các cuộc tập trận mới làm cho NATO hoạt động hiệu quả hơn.

"Hiện đã có sự thay đổi thế nhưng liệu rằng sự thay đổi ấy có đủ nhanh?"- I. Brê-din-xki đặt nghi vấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại