Đã một năm từ khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Gần đây, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ cân nhắc lại quyết định nếu TPP được "cải thiện đáng kể".
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Trump nói trước nhiều lãnh đạo doanh nghiệp rằng ông "sẽ cân nhắc đàm phán với từng quốc gia hoặc theo nhóm nếu các nước đều quan tâm tới vấn đề này".
Phát biểu của ông Trump khiến 11 thành viên còn lại của TPP phải "vò đầu bứt tai". Tổng thống Mỹ có đang nghiêm túc? Điều gì đã dẫn đến sự thay đổi này? Có khi nào Hoa Kỳ thật sự quay lại hiệp định? Nếu vậy thì với điều kiện nào và thời gian nào?
Bà Wendy Cutler, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Xã hội châu Á, đã đưa ra bình luận về vấn đề này. Là người có kinh nghiệm làm việc với 4 đời Tổng thống Hoa Kỳ tại Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Cutler cho biết các vấn đề thương mại tương đối phức tạp và khó giải quyết.
Một điều khoản có thể có lợi cho nước này nhưng lại gây tổn hại cho nước khác. Đàm phán thương mại cần nhiều thời gian. Hơn nữa, các đối tác thương mại sẽ không đứng yên để chờ đợi Hoa Kỳ đánh giá lại chiến lược của mình.
Hoa Kỳ vẫn ưu tiên các hiệp định thương mại song phương theo cách "công bằng và tương xứng", nhưng đến nay nước này vẫn chưa có thêm đối tác nào. Thời gian tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang trôi qua. Một số ý kiến cho rằng các vòng đàm phán có thể kéo dài đến năm sau.
Theo báo cáo gần đây của Viện nghiên cứu Chính sách Xã hội châu Á, 11 thành viên của TPP khắp châu Á – Thái Bình Dương đã bận rộn trong suốt một năm qua để cứu vãn hiệp định TPP phiên bản không có Hoa Kỳ. Kết quả là họ đã đạt được thỏa thuận vào tuần trước tại Tokyo, đúng vào ngày kỷ niệm 1 năm Hoa Kỳ rút khỏi TPP.
Không nên chờ đợi
Bà Cutler cho rằng thái độ cởi mở của Tổng thống Trump thật đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, các nước còn lại không nên trì hoãn việc thông qua hiệp định chính thức. Thứ nhất, không rõ Hoa Kỳ nghiêm túc đến đâu đối với TPP.
Phát biểu của ông Trump ở Davos khá mơ hồ. Thứ hai, 11 thành viên hiện tại có thể không sẵn sàng "cải thiện" hiệp định như Hoa Kỳ mong muốn. Thứ ba, cơ hội đi đến thống nhất nhiều quy tắc trong các lĩnh vực như lao động, thương mại điện tử cuối cùng đã nằm trong tầm tay.
Ngoài ra, số phận của hiệp định NAFTA giữa Mỹ với Canada và Mexico chưa được định đoạt. Canada và Mexico cũng là hai thành viên của TPP.
Các vấn đề như quy định về nguồn gốc xuất xứ của ô tô, mua sắm công, giải quyết tranh chấp đều là những điểm quan trọng trong đàm phán TPP. Đặc biệt, ông Trump đã đề xuất cái gọi là "mệnh đề hoàng hôn". Theo đó NAFTA sẽ chấm dứt 5 năm một lần trừ khi cả ba nước đều đồng ý ký kết thêm 5 năm nữa.
Nói vậy không có nghĩa là Hoa Kỳ không có khả năng quay lại TPP. TPP-11 chào đón Hoa Kỳ và có các thủ tục giúp Mỹ nhanh chóng quay lại nếu nước này nghiêm túc. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi thời gian và công sức của Hoa Kỳ. Chính quyền của ông Trump cần lấy lại sự tin tưởng đối với 11 quốc gia của TPP.
Theo bà Cutler, lúc này, các nước thành viên của TPP không nên thụ động chờ đợi Hoa Kỳ. Thay vào đó, các nước nên có những bước đi cần thiết để hiệp định chính thức được thông qua, đồng thời làm việc thêm với Hoa Kỳ.