Khả năng Mỹ mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân

XUÂN PHONG |

Bản dự thảo Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân (NPR) do Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo bị rò rỉ mới đây đã tiết lộ khả năng Mỹ muốn mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình...

Theo tờ Bưu điện Washington, Trợ lý về vấn đề kiểm soát và cấm phổ biến vũ khí của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Jon Wolfsthal tiết lộ chính quyền Tổng thống Donald Trump dự định nới lỏng những hạn chế về sử dụng vũ khí hạt nhân và phát triển loại đầu đạn hạt nhân mới.

Ông Jon Wolfsthal được cho là người đã được xem qua bản thảo cuối cùng của NPR dự kiến sẽ được công bố sau khi Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu thường niên trước Quốc hội Mỹ vào cuối tháng này.

Bản dự thảo NPR cho biết, một số quan chức cấp cao Lầu Năm Góc không chỉ muốn hiện đại hóa lực lượng hạt nhân đang già cỗi mà còn phát triển các vũ khí mới.

Theo đó, Mỹ sẽ bắt đầu phát triển một loại tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ biển, có thể là bản cải tiến của Trident D5 phóng từ tàu ngầm hiện tại.

Theo Defense News, loại đầu đạn này có sức công phá lớn hơn lượng chất nổ đã san bằng hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

NPR cho rằng, đây là hành động nhằm đáp trả việc Nga vi phạm Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF) theo cáo buộc của Mỹ, bí mật triển khai tên lửa hành trình phóng từ mặt đất SSC-8 mà nước này đã âm thầm phát triển và thử nghiệm trong nhiều năm qua.

Loại vũ khí hạt nhân mới mà Mỹ dự định phát triển được gọi là “đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp” phóng từ tàu ngầm. NPR khẳng định sự cần thiết của các vũ khí hạt nhân nhỏ hơn do sự “xuống cấp của môi trường chiến lược”, được hiểu là sự thừa nhận tình trạng căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Nga.

Lầu Năm Góc cho rằng nhiều quốc gia đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân không thuộc quyền kiểm soát của các hiệp ước hiện nay, đòi hỏi Mỹ phải phát triển khí tài tương tự để đáp trả khi cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Jon Wolfsthal, ý kiến phát triển bản cải tiến của tên lửa Trident là hoàn toàn không cần thiết vì Mỹ đã có bom nhiệt hạch B61 và các tên lửa hành trình phóng từ máy bay.

Ông cũng đánh giá chuyện trang bị một vũ khí chiến thuật (tên lửa mang đầu đạn hạt nhân) cho tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo lớp Columbia là “ngu ngốc”, vì nó có thể làm lộ vị trí của tàu.

Theo ông Jon Wolfsthal, chính quyền Tổng thống Donald Trump có cơ sở vững chắc trong việc đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ kiềm chế việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng nay họ đã “đi chệch đường ray” khi khẳng định cần có các năng lực hạt nhân mới.

Bản dự thảo NPR còn tái xác định sự cần thiết sử dụng bộ ba vũ khí hạt nhân trên không, biển và đất liền vốn đã hình thành nên cốt lõi trong quan điểm của Mỹ trong suốt nhiều thập niên. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi phát triển loại tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp mới được phóng từ tàu ngầm (SLCM).

Trước đây, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã tìm cách hủy bỏ từng bước loại tên lửa tương tự trong bản NPR được công bố hồi năm 2010. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Mỹ ngày nay biện luận rằng tên lửa này đang cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Những loại tên lửa và đầu đạn hạt nhân mới được dự báo sẽ làm tăng chi phí hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân Mỹ, vốn đã trong biên chế hàng chục năm. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái ước tính Washington sẽ phải chi 1.200 tỷ USD trong 30 năm tới để chế tạo và bảo quản vũ khí hạt nhân thế hệ mới.

Ngoài ra, bản dự thảo NPR cũng mở rộng danh sách những tình huống, cách thức mà Mỹ có thể dùng đến kho vũ khí hạt nhân, trong đó bao gồm cả những cuộc tấn công phi hạt nhân gây mức độ thương vong lớn hoặc nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, các điểm kiểm soát và chỉ huy hạt nhân.

Bản dự thảo NPR cuối cùng đã bỏ đi các đề xuất phát triển một tên lửa hạt nhân gắn thiết bị lướt siêu thanh, và cũng bỏ đi cam kết với các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân rằng Mỹ sẽ không dùng loại vũ khí này chống lại họ.

Sau khi các thông tin bị rò rỉ, mặc dù không bác bỏ tính xác thực của bản dự thảo NPR, nhưng Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận về các nội dung trong đó. Lầu Năm Góc ra thông cáo khẳng định: “Hàng loạt bản thảo đã được đưa ra, nhưng NPR vẫn chưa hoàn thiện. Nó sẽ được Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng phê duyệt”.

Đầu năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis phải thẩm định tình trạng của kho vũ khí hiện hữu để ngăn chặn việc các đối thủ sẽ vượt lên Mỹ.

Hồi tháng 2-2017, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters, Tổng thống Donald Trump nói rằng, ông muốn thấy một thế giới không vũ khí hạt nhân nhưng vẫn lo ngại rằng Mỹ đang tụt hậu về năng lực hạt nhân.

“Sẽ là một giấc mơ tuyệt vời nếu không nước nào sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu các nước vẫn sở hữu, thì chúng ta (nước Mỹ) phải đứng hàng đầu”, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.

Chuyên gia phân tích về quốc phòng Michaela Dodge từ chối bình luận về tài liệu trên nhưng cho biết một số nhà phân tích hạt nhân lâu nay vẫn cho rằng việc bổ sung các cách thức mới để sử dụng vũ khí hạt nhân có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới. Theo bà Michaela: “Tôi có cảm tưởng rằng hiện đang diễn ra cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân”.

Một số chuyên gia cho rằng, Mỹ không nên tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân mới. Ông Jon Wolfsthal nhận định chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng Washington sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết. Tuy nhiên, họ đã đi quá giới hạn khi cho rằng Mỹ cần bổ sung những vũ khí thế hệ mới.

Ông Daryl Kimball, người đứng đầu Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ (ACA) cho rằng, ý tưởng phát triển một vũ khí mới cho kho vũ khí hạt nhân của Mỹ là “tư tưởng Chiến tranh lạnh, nguy hiểm”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại