1. Trong bóng đá, thời gian và không gian ngày càng mang một ý nghĩa sống còn. Man Xanh đang tàn sát các đối thủ bởi vì họ luôn biết cách tìm ra những khoảng trống. Để làm được việc này, cầu thủ của họ phải nâng cao tốc độ xử lý bóng của mình lên. Và De Bruyne là một bậc thầy về tốc độ xử lý bóng.
Những siêu sao trong các môn thể thao đều nhanh hơn đối thủ một bậc. Cú đấm trong quyền Anh nhanh và mạnh biết bao, vậy mà Floyd Mayweather luôn lắc được cái đầu của anh thoát qua nắm đấm của đối thủ. Roger Federer luôn đủ nhanh để trả lại cú giao bóng sấm sét của đối phương. Hay Ayrton Senna vẫn có thời gian trao đổi qua radio dù đang bo một khúc cua với tốc độ cực đại.
De Bruyne là một bậc thầy về thời gian như thế trên sân cỏ Premier League. Đối thủ có thể đạp vào mắt cá của anh, như cách Dele Alli đã làm vào đêm thứ Bảy, các HLV có thể bố trí người theo sát anh, như cách Jose Mourinho đã làm ở derby Manchester, nhưng vô hiệu hóa anh trong suốt 90 phút là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi vì De Bruyne luôn tìm thấy đủ thời gian để tung ra một pha xử lý đẳng cấp thế giới.
Ở mỗi đội bóng mà Pep Guardiola đi qua, ông luôn nhìn thấy một cầu thủ làm trung tâm cho quỹ đạo của đội bóng. "Iniesta là một ví dụ hoàn hảo", Pep nói trong quyển sách về mình do người bạn thân Martí Perarnau chấp bút. "Anh ấy nhận bóng và chúng ta có cảm giác thời gian trôi chậm lại, và mọi thứ gần như xoay quanh anh ấy".
De Bruyne chính là một Iniesta của Man Xanh. Bởi vì những như Federer, Mayweather hay các VĐV thể thao hàng đầu khác, De Bruyne luôn "đọc" được đối thủ. Anh biết trước đối phương chuẩn bị làm gì để đưa ra phương án xử lý trước. Tiên hạ thủ vi cường, đấy là cách nói quen thuộc trong kiếm hiệp.
2. Janet Starkes, giáo sư danh dự của Đại học McMaster (Canada) chuyên ngành hành vi tâm thần vận động, cho biết: "Khi nghiên cứu về nghịch lý thời gian, chúng tôi nhận ra những VĐV thể thao đỉnh cao dường như có nhiều thời gian hơn những người khác. Với cùng một tình huống ấy, nhưng họ dường như có nhiều thông tin hơn, từ đó đưa ra những phương án xử lý nhanh hơn".
Kevin de Bruyne luôn có thời gian cho một pha xử lý bóng tinh tế trước đối thủ.
Khi quan sát những đường chuyền của De Bruyne trong mùa bóng này, người ta có cảm giác anh không cần nhìn vẫn có thể đưa quả bóng đến vị trí chính xác của người đồng đội đang đứng.
Lấy trận đấu với Tottenham mới đây làm ví dụ. Trong hiệp 1, Nicolas Otamendi tung ra một đường chuyền dài từ rìa vòng cấm đội nhà. Bóng đi rất nhanh, và cầu thủ phải có kỹ thuật cá nhân cao mới có thể xử lý. Khi quả bóng đi được nửa đường, De Bruyne thực hiện một động tác quay đầu ra sau lưng cực nhanh.
Rồi khi hãm được quả bóng, anh lập tức chuyền cho Sergio Aguero đang lao lên thật nhanh sau lưng mình. Jan Vertonghen lao lên chặn đường chuyền, De Bruyne lập tức đón quả bóng bật ra để chuyền tiếp cho Raheem Sterling ở góc sân bên kia. BLV của Sky Sports phải hô lên: "Anh ta có mắt ở sau lưng".
Tất nhiên mắt của De Bruyne đều ở trên lỗ mũi, nhưng cái quay đầu cực nhanh trước đó đã cho anh một hình ảnh đầy đủ và toàn vẹn vị trí của các đồng đội trên sân.
Cái hay là anh làm việc ấy chỉ trong một tích tắc. Và khi chuyền bóng, anh không nhất thiết phải ngẩng đầu lên quan sát. Và khi De Bruyne không nhìn mà vẫn chuyền, đối thủ không tài nào bắt bài anh được.
Trước đây, Ronaldinho ở thời đỉnh cao có biệt tài "lườm rau gắp thịt". Anh nhìn về một hướng, nhưng lại chuyền bóng đi ở hướng ngược lại. Tất nhiên Ronaldinho cũng không có mắt ở sau lưng hay bên hông. Chẳng qua anh đã quan sát mọi thứ từ trước, và cố tình đánh lừa đối thủ bằng hướng nhìn của mình.
Cũng như De Bruyne, Ronaldinho đã lưu toàn bộ hình ảnh trong khoảnh khắc quan sát trước đó vào trong bộ nhớ tạm.
Sau khi lưu hình ảnh, bộ não của Ronaldinho và De Bruyne còn... phân tích nó. Ta thấy De Bruyne gần như thông thạo ở mọi kỹ năng chuyền bóng: chuyền sệt, chuyền bổng, chuyền ngắn, chuyền dài, lật cánh, căng ngang. Và khi quả bóng đến chân, anh đã biết mình cần phải chọn phương án chuyền nào cho phù hợp nhất.
Nói cách khác, kể từ giây phút anh quan sát các đồng đội qua đôi mắt cú vọ của mình, anh cũng đồng thời phân tích để đưa ra quyết định. Và bóng đến chân, phần việc còn lại chỉ là thực thi dự định ấy. Đấy là cách Andrea Pirlo từng viết trong tự truyện: "Đá bóng là công việc của bộ não, còn chân chỉ là công cụ".
De Bruyne làm gợi nhớ đến Paul Scholes thời đỉnh cao, cũng là một bậc thầy về không gian và thời gian. Vấn đề là Scholes đã luyện được khả năng ấy từ khi còn rất trẻ. Còn De Bruyne chỉ thuần thục khả năng này sau khi Pep Guardiola đến đây.
Một lần nữa, Pep cần được vinh danh vì đã khai phá hết khả năng của De Bruyne, dù anh vốn đã là một tiền vệ tài năng trước khi ông đến. Nhờ đó, De Bruyne là cầu thủ đáng xem nhất, giữa một dàn hảo thủ của Man Xanh.