Sáng nay, hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 bế mạc. Trung ương nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hội nghị Trung ương 6 |
Trung ương yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đây là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm"
Theo đó, cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở đó xác định những công việc cần thiết và có thể triển khai thực hiện ngay.
Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; có chính sách phù hợp để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm".
Xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị.
Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn các đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; giảm tỉ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng.
Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương.
Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực
Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; xây dựng chế tài và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có vi phạm.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phục vụ lãnh đạo, điều hành; tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế.
Trung ương chỉ rõ, tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được nhất trí cao; còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn.
Ví dụ như việc kết thúc hoạt động của 3 Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ.
Đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành cho phù hợp.
Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế về chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp...