Kết quả không khớp, Thái Lan kiểm phiếu và bầu cử lại tại nhiều đơn vị bầu cử

Thảo Nguyên |

Thái Lan quyết định tiến hành kiểm phiếu lại tại 2 đơn vị bầu cử và tổ chức bầu cử lại tại 6 đơn vị khác do kết quả kiểm phiếu không khớp với số cử tri và phiếu bầu.

Ngày 4/4, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử quốc gia (EC) Thái Lan Saweng Bunmi cho biết, EC đã có cuộc họp thống nhất tổ chức kiểm phiếu lại tại 2 đơn vị bầu cử và tổ chức bầu cử lại ở 6 đơn vị bầu cử khác, do kết quả kiểm phiếu không khớp với số lượng cử tri và số lượng phiếu bầu; ngày bầu cử lại sẽ được thông báo sau Tết Cổ truyền Thái Lan (sau ngày 15/4/2019), tuy nhiên kết quả bầu cử phải vẫn đảm bảo kịp công bố muộn nhất đến ngày 9/5/2019.

Hai đơn vị phải tiến hành kiểm phiếu lại đều xảy ra tại huyện Nam Phong, tỉnh Khon Kaen (đông-bắc Thái Lan). 

Trong khi đó, 6 đơn vị phải tổ chức bầu cử lại do kết quả kiểm phiếu không khớp với số lượng phiếu bầu gồm: Đơn vị bầu cử số 3 và 6, Khu vực bầu cử số 4, tỉnh miền bắc Lampang; Đơn vị bầu cử số 6, Khu vực bầu cử số 2, tỉnh Yasothon (đông-bắc Thái Lan); Đơn vị bầu cử số 12, Khu vực bầu cử số 1, tỉnh Phetchabun (miền Bắc); Đơn vị bầu cử số 6, Khu vực bầu cử số 2, tỉnh Phitsanulok (miền Bắc) và Đơn vị bầu cử số 32, Khu vực bầu cử số 13, thành phố Bangkok.

Ngoài ra, hiện còn nhiều trường hợp khiếu nại tình trạng gian lận bầu cử ở các tỉnh Chieng Rai, Prachuap Khiri Khan và một số khu vực bầu cử khác vẫn chưa được EC trả lời thỏa đáng.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ do EC công bố ngày 28/3/2019, đảng Vì nước Thái ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn đứng đầu với 137 ghế trong Hạ viện, tiếp đến là đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân ủng hộ đương kim Thủ tướng Prayut Chan-ocha được 118 ghế. 

Theo kết quả nói trên, trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3 tại Thái Lan không có đảng nào đủ số ghế quá bán (251/500 ghế Hạ viện) để giành quyền đứng ra thành lập chính phủ mới, do đó bắt buộc các đảng phải tìm kiếm liên minh mới có đủ điều kiện thành lập chính phủ. Hiện, dư luận Thái Lan, đặc biệt những người ủng hộ dân chủ bày tỏ bất bình về cách làm việc "mờ ám" của EC trong cuộc bầu cử lần này nhằm tăng điểm cho các đảng phe ủng hộ Thủ tướng Prayut; một chiến dịch thu thập chữ ký để yêu cầu giải tán EC cũng đang diễn ra rầm rộ tại nước này.

Giới chuyên gia nhận định, cuộc tổng tuyển cử sau 5 năm cầm quyền của chính quyền quân sự Thái Lan khó có thể giúp cho chính trường Thái Lan đi vào ổn định, bởi những mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội vẫn chưa tìm được lối thoát mang tính vững chắc. Dù đảng nào lên cầm quyền sau bầu cử, tình hình Thái Lan vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại