Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz trong bối cảnh Mỹ tái áp đặt vòng trừng phạt tài chính đầu tiên đối với Iran ngày 6/8 và cảnh báo thực thi thêm nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của quốc gia này vào tháng 11/2018.
Lệnh cấm vận quy mô lớn của Mỹ là một phần trong chiến dịch mới nhằm gây sức ép đối với quốc gia Hồi giáo này, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JPCOA) vào tháng 5/2018.
Eo biển Hormuz có vai trò quan trọng như thế nào?
Eo biển Hormuz là một tuyến đường hàng hải hẹp nằm giữa Iran và Oman, kết nối Vịnh Persian với Vịnh Oman, Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương.
Vịnh Persian được bao quanh bởi một số quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới gồm Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Tất cả tàu chở dầu của những quốc gia này đều phải đi qua Eo biển Hormuz.
Eo biển Hormuz. Ảnh: PressTV.
Cũng theo cơ quan này, tính riêng năm 2016, Eo biển Hormuz đã ghi nhận mức kỷ lục với khoảng 18,5 triệu thùng dầu thô vận chuyển qua đây mỗi ngày. Bên cạnh dầu thô, eo biển Hormuz cũng là con đường giao thương quan trọng đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Qatar – nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới đã đáp ứng 30% nhu cầu LNG của thế giới thông qua Eo biển Hormuz trong năm 2016.Ước tính, khoảng 1/3 sản lượng dầu mỏ của thế giới được lưu thông qua Eo biển Hormuz hàng năm, khiến nơi đây trở thành cửa ngõ quan trọng nhất đối với việc trung chuyển dầu mỏ.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong năm 2015, khoảng 30% sản lượng dầu thô trên thế giới và nhiều loại nhiên liệu khác được vận chuyển qua eo biển Hormuz.
Điểm đến hàng đầu của dầu thô được vận chuyển qua Eo biển Hormuz là các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, trong năm 2016, Châu Á tiếp nhận khoảng 80% lượng dầu mỏ thông qua eo biển này.
Do đóng vai trò thiết yếu như vậy nên bất cứ sự phong tỏa hay tắc nghẽn nào tại Eo biển Hormuz sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới.
Hãng tin VOX dẫn lời các chuyên gia Cordesman và Toukan cho biết, Iran có thể sử dụng mìn, tàu ngầm, máy bay không người lái, tên lửa chống tàu hoặc các đơn vị tác chiến ở bất cứ nơi nào trong vùng Vịnh để ngăn chặn việc xuất khẩu dầu.
“Bất cứ sự gián đoạn lớn nào trong hoạt động cung cấp dầu mỏ cũng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Châu Á, tác động đến giá dầu thế giới. Điều này có thể dẫn đến tâm lý khủng hoảng và gia tăng động thái đầu cơ, tích trữ dầu mỏ trên toàn cầu”, hai chuyên gia trên cho biết.
Lời đe dọa không mới?
Bởi vị trí địa lý đặc biệt quan trọng nên Eo biển Hormuz đã trở thành tâm điểm của cuộc cuộc tranh cãi giữa Iran và Mỹ trong thời gian gần đây.
Tháng 7 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết: “Người Mỹ từng tuyên bố rằng họ muốn ngừng hoàn toàn việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Nhưng họ không hiểu ý nghĩa của tuyên bố này bởi sẽ chẳng có lý gì khi Iran không được xuất khẩu dầu trong khi các nước khác trong khu vực lại được quyền đó”.
Theo phân tích của John Kilduff, thành viên sáng lập quỹ đầu tư năng lượng Again Capital, ý của Tổng thống Rouhani có nghĩa là Iran sẽ không ngồi yên trong khi các tàu chở dầu của Saudi Arabia đi qua Eo biển Hormuz.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Tasnim, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari nêu rõ: “Chúng tôi sẽ khiến cho các bên đối đầu hiểu rằng hoặc tất cả có thể sử dụng Eo biển Hormuz, hoặc không ai hết”.
Lời đe dọa của Iran không phải là mới. Trước đó vào năm 2008, do lo ngại cuộc tấn công của Mỹ và Israel, Iran đã đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz. Gần đây nhất Iran đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz là vào năm 2011 và 2012, khi Tổng thống Barack Obama ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran với cáo buộc nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, việc đóng cửa đã không xảy ra, vì cả Mỹ và Iran cùng thỏa hiệp thành công với thỏa thuận hạt nhân JCPOA vào năm 2015.
Điều gì xảy ra nếu Iran đóng cửa Eo biển Hormuz?
Iran sẽ không điều động lực lượng hải quân để chiếm hữu các đường thủy theo cách thông thường. Thay vì đó nước này sẽ sử dụng chiến lược “Chống tiếp cận/Chống xâm nhập” (viết tắt là A2/AD).
Trọng tâm của chiến lược này là sử dụng thủy lôi để khiến Eo biển Hormuz thành một khu vực không thể đi vào.
Sau đó, Iran có thể sử dụng tên lửa chống hạm phóng từ mặt đất để ngăn chặn hoạt động rà phá thủy lôi hoặc tấn công trực tiếp vào tàu chiến của đối phương hay tàu dân sự. Ở cấp độ cao hơn, Iran có thể tấn công vào các cơ sở quân sự của Mỹ và đồng minh trong khu vực bằng tên lửa đạn đạo.
Trong trường hợp này Mỹ và các đồng minh sẽ mở cửa trở lại Eo biển Hormuz như thế nào? Một khi nhận được cảnh báo, các lực lượng thuộc Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ (CENTCOM) và lực lượng hải quân, cùng với đội hình tàu sân bay sẽ được điều động tới khu vực, buộc Iran phải thay đổi kế hoạch hoặc can thiệp sớm trước khi nước này đạt được tiến triển trong việc phong tỏa Eo biển Hormuz.
Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh cũng cần phải lường đến chi phí “cắt cổ” cho chiến dịch này.
Trong cuốn “Chiến tranh với Iran: Hậu quả về Chính trị, Quân sự và Kinh tế”, đồng tác giả John Allen Gay và Geoffrey Kemp cho biết, chi phí cho hoạt động rà phá thủy lôi vào khoảng hơn 230 triệu USD. Trong khi chi phí để duy trì hoạt động của hai đội hình tàu sân bay trong vòng 1 tuần vào khoảng 106 triệu USD. Đó là còn chưa kể đến thiệt hại về người.
Chiến thuật của Iran có thực sự phát huy tác dụng?
Giới quan sát cho rằng, việc dọa đóng cửa Eo biển Hormuz của Iran là một phương thức quản lý khủng hoảng hoặc đòn chiến tranh tâm lý. Bởi giải pháp này không khiến Iran có được cách giải quyết vấn đề tốt nhất, mặt khác còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của chính Iran. Hơn nữa, đóng cửa Eo biển Hormuz có nghĩa là châm ngòi cho một cuộc chiến tranh khu vực.
Hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên gia về an ninh và đối ngoại quốc tế Mark Sleboda cho biết, khả năng Tổng thống Rouhani đóng cửa Eo biển này là rất thấp.
“Điều đó sẽ tạo ra một chiến dịch quân sự quy mô lớn chống lại Iran. Không những vậy, nó sẽ ngăn cản Iran giao dịch dầu mỏ với nhiều quốc gia không tuân thủ các yêu cầu của Mỹ như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là những nước phụ thuộc vào nguồn dầu của Iran”.
Nhà phân tích Mark Sleboda nhấn mạnh, đóng cửa Eo biển Hormuz chẳng khác nào việc Iran tự “chặt chân mình” và Iran chỉ thực sự làm điều này khi Mỹ cố gắng tiến hành một cuộc tấn công nhằm thay đổi chế độ đối với Iran.
Ông Mark Sleboda nhìn nhận lời đe dọa của Iran giống như một nước cờ chính trị bởi Tổng thống Rouhani hiện giờ đang ở “vị thế yếu” và đang cố gắng “thể hiện sự mạnh mẽ”.
Cùng chung quan điểm này, nhà phân tích người Iran Mazzda Majidi nhấn mạnh, Tổng thống Iran Rouhani đang ở vị thế yếu bởi quan điểm ôn hòa của ông, trong đó cam kết cải thiện nền kinh tế và để ngỏ đối thoại với các chính phủ phương Tây.
“Sở dĩ ông Rouhani tái đắc cử vào tháng 5/2017 phần lớn là do thành công của ông trong việc đàm phán JPCOA. Vấn đề hiện nay là khi Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện, ông Rouhani sẽ không có nhiều cơ hội để thể hiện cách tiếp cận theo hướng đàm phán với Mỹ”.
Còn hai tác giả John Allen Gay và Geoffrey Kemp nhận định, 85% hàng hóa nhập khẩu và phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Iran đều qua Eo biển Hormuz. Iran sẽ tự cắt đứt nguồn sống của mình nếu đóng cửa Eo biển này. Thêm vào đó, động thái này có thể khiến Iran bị cô lập, thậm chí khiến nước láng giềng thù địch tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ của Iran./.