Nga đang đẩy mạnh phá hủy hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Trong tuần này, 30 thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ công khai thúc giục chính quyền Biden theo đuổi các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga để sớm chấm dứt chiến sự Nga- Ukraine .
Trên thực tế, Mỹ và các thành viên khác của G7 đã đề xuất một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine với các điều khoản: Ukraine giành lại tất cả lãnh thổ, nhận khoản bồi thường từ Nga và buộc Nga ký các thỏa thuận an ninh với phương Tây. Một kết quả như vậy được đánh giá là khá lý tưởng khi khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với lãnh thổ, củng cố trật tự quốc tế. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà hoạch định chính sách, sẽ là quá sớm để thúc đẩy bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, nhưng việc đặt nền móng cho các cuộc đàm phán cần bắt đầu ngay.
Vào ngày 11/10 vừa qua, sau khi Nga thực hiện các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự trên khắp Ukraine, Mỹ và các đồng minh G7 đã đưa ra tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao, pháp lý và sẽ sát cánh cùng Ukraine, đồng thời cho biết Ukraine có quyền giành lại toàn bộ quyền kiểm soát của mình đối với lãnh thổ bên trong các biên giới được quốc tế công nhận”.
Bà Miranda Priebe, Giám đốc phân tích chiến lược Mỹ của Rand Corporation, cho rằng chiến sự Nga-Ukraine sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, Nga có thể chọn leo thang, thay vì nhượng bộ trên chiến trường ở Ukraine. Nếu các lực lượng thông thường của Nga tiếp tục không phát huy tác dụng, ông Putin có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình để chống lại Ukraine. Ngay cả trong trường hợp không xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân, Nga có thể tìm cách lật ngược tình thế chiến sự bằng cách cố gắng ngăn chặn dòng vũ khí của phương Tây giúp Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu.
Thứ hai, tuyên bố của G7 dường như cho rằng Nga sẽ không thể phục hồi sau những thất bại quân sự của mình. Xét cho cùng, điều đó không hoàn toàn phi lý khi Ukraine đã đạt được những thành tựu đáng kể trong hai tháng qua, quân đội Nga đã chật vật với nhiều hoạt động. Hơn nữa, Nga vẫn phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề, khiến chiến sự khó duy trì trong thời gian dài. Tuy nhiên, không thể chắc chắn rằng Ukraine có thể chiếm lại toàn bộ lãnh thổ được quốc tế công nhận. Bởi việc huy động lực lượng của Nga tuy hỗn độn, nhưng có ưu điểm chính là quân số. Một lực lượng chiến đấu lớn hơn của Nga có thể buộc Ukraine phải tăng cường các nỗ lực huy động.
Mỹ vẫn cam kết sẽ tích cực hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.
Thứ ba, Nga có thể sẽ không bỏ cuộc ngay cả khi nước này buộc phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine. Mỹ và G7 cho rằng việc mất lãnh thổ đã chiếm được từ Ukraine sẽ khiến ông Putin từ bỏ các mục tiêu. Tuy nhiên, một chiến thắng của Ukraine cũng không thể loại bỏ tất cả khả năng quân sự của Nga. Một chiến thắng như vậy có thể sẽ tàn phá lực lượng mặt đất của Nga, nhưng nước này vẫn còn kho tên lửa, pháo dồi dào, và các khí tài không quân và hải quân đáng gờm. Nga có đủ thời gian để tái vũ trang và tập hợp lại quân đội để đánh chiếm Ukraine một lần nữa.
Chiến sự Nga- Ukraine kéo dài có thể có lợi cho Mỹ, bởi điều này sẽ khiến Nga suy yếu và buộc nước này phải từ bỏ tham vọng của mình ở những nơi khác. Nhưng một cuộc chiến tranh kéo dài cũng sẽ có những mặt trái đáng kể đối với Mỹ, ví dụ như ngốn nguồn lực quân sự và tài chính cũng như thời gian và sức lực của các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, làm giảm khả năng của Washington trong việc ưu tiên cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc.
Hơn nữa, chiến sự Nga- Ukraine kéo dài có thể cũng sẽ duy trì sự đóng băng sâu sắc trong quan hệ Mỹ- Nga, có khả năng gây nguy hiểm cho sự hợp tác giữa Washington và Moscow trong các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu. Một cuộc chiến tranh kéo dài cũng sẽ phá vỡ nền kinh tế toàn cầu. Các đối tác thương mại và đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chủ yếu là do giá năng lượng cao hơn. Và tất nhiên, quốc gia sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất - về số người bị mất, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và sự tàn phá kinh tế - là Ukraine.
Khi Ukraine đã giành được ưu thế trên chiến trường, Mỹ đã thống nhất lại quan điểm rằng họ nên để cuộc chiến diễn ra vì có thể kiểm soát rủi ro leo thang, Ukraine sẽ tiếp tục chiến thắng và Nga cuối cùng sẽ buộc phải chấp nhận thất bại. Theo quan điểm này, hỗ trợ quân sự của Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục để Ukraine có thể lấy lại lãnh thổ của mình và làm thất bại các nỗ lực của Nga. Rất có thể viễn cảnh lạc quan này sẽ thành hiện thực nếu Mỹ và phương Tây còn viện trợ Ukraine trong dài hạn. Nếu không, kết quả sẽ là một cuộc xung đột kéo dài và tệ nhất là một sự leo thang thảm khốc.