Tờ Financial Times (Anh) đưa tin hồi cuối tháng 2 cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang điều tra về tính khả thi tài chính của dự án xây dựng tuyết đường sắt Belgrade-Budapest, một phần trong trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường" mà Trung Quốc triển khai tại châu Âu.
Đồng thời, ủy ban này cũng sẽ xem xét liệu dự án của Trung Quốc có vi phạm vào điều khoản liên quan đến "Dự án giáo thông lớn bắt buộc đấu thầu công khai" theo luật của EU hay không.
FT cho hay, động thái này rất có thể sẽ gây ra mâu thuẫn giữa EU và Trung Quốc.
Tháng 11/2013, Thủ tướng ba nước Trung Quốc, Hungary và Serbia nhất trí cùng hợp tác xây dựng tuyết đường sắt Hungary – Serbia và lập tức thành lập một tổ công tác để thúc đẩy hoàn thành dự án trong thời gian ngắn nhất.
Đường sắt từ thủ đô Budapest của Hungary đến thủ đô Belgrade của Serbia có tổng chiều dài 350km, trong đó 166km ở Hungary và 184km ở Serbia.
Sau khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường này sẽ giảm thời gian di chuyển giữa hai địa điểm từ 8 tiếng xuống còn 3 tiếng.
Vi phạm luật EU?
Trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc Thôi Hồng Kiện cho rằng, EU hiện đang trong giai đoạn tương đối khó khăn, họ muốn khẳng định sự tồn tại của mình thông qua cuộc điều tra này.
Theo ông Thôi, EU đang tập trung vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng thái độ của khối này khá mâu thuẫn khi có sự xuất hiện của Trung Quốc.
FT dẫn lời các quan chức EU tiết lộ, cuộc điều tra sẽ đánh giá khả năng tài chính của dự án trị giá 2,89 tỷ USD, cũng như xem xét việc Bắc Kinh có vi phạm quy định về luật đấu thầu công khai do EU đặt ra không.
Một phát ngôn viên của EC cho biết: "Ủy ban này đang đánh giá dự án có tuân thủ luật pháp châu Âu hay không. Một cuộc đối thoại đang diễn ra giữa các chính phủ của các nước liên quan".
FT cho biết, điều tra của EU bao gồm cả những hiệp định Trung Quốc ký riêng với Hungary và Serbia, nhưng chủ yếu vẫn là Hungary do nước này là thành viên của EU, cần nghiêm túc thi hành luật pháp chung của khối.
Tờ Magyar Hírlap (Hungary) cho biết, ngày 26/5/2016, EU đã tiến hành bước điều tra đầu tiên về tuyến đường sắt trên. Trong giai đoạn này, các bên đều phải làm rõ vấn đề thông qua đàm phán. Nếu không đạt được thỏa thuận, Brussels sẽ chính thức khởi động tiến trình điều tra những vi phạm.
Đến tháng 8/2016, chính phủ Hungary đã trình thư giải thích những nghi vấn xung quanh dự án lên EC và cho rằng, dự án với Trung Quốc không tồn tại mâu thuẫn với các quy định của EU.
Một chuyên gia quan sát EU tại Brussels trả lời Thời báo Hoàn cầu rằng, EC luôn quan sát dự án của Trung Quốc nên nếu chịu tác động từ ủy ban này, tiến trình hoàn thành của dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Theo chuyên gia này, dù Trung Quốc, Hungary và Serbia ủng hộ dự án thì trở ngại lớn nhất đều đến từ EU.
Bên cạnh đó, sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc hiện nay tuy nhận được sự đón nhận của các nước Đông Âu nhưng các nước Tây Âu lại có những động thái thận trọng hơn về mặt chính trị.
Từ trái qua phải: Thủ tướng Serbia Ivica Dacic - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường - Thủ tướng Hungary Orbán Viktor kết ký Biên bản Ghi nhớ về việc xây dựng tuyến đường sắt Hungary-Serbia tháng 11/2013. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Rào cản với "Giấc mộng Trung Hoa"
FT cho biết, cuộc điều tra của EU đối với Hungary không phải chưa từng có tiền lệ.
Năm 2014, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kí một thỏa thuận, trong đó Nga sẽ cung cấp cho Hungary 80% vốn đầu tư cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Dự án với số vốn đầu tư lên tới 12 tỷ euro nhưng chưa qua đấu thầu công khai này đã dẫn đến cuộc điều tra của EC. Ủy ban châu Âu kiện Chính phủ Hungary cũng với lý do nghi ngờ dự án vi phạm quy tắc thị trường EU.
Vụ điều tra sau đó đã chấm dứt việc điều tra vào cuối tháng 12/2016, chấp nhận lí do Hungary đưa ra: "Chỉ có các nhà thầu của Nga mới có thể cung cấp các công nghệ kĩ thuật cụ thể".
Theo ông Thôi Hồng Kiện, EU có rất nhiều ý kiến mâu thuẫn với việc đầu tư của Trung Quốc. Một mặt EU muốn Trung Quốc hợp tác trong các vấn đề nguồn vốn, xây dựng, mặt khác lại lo sợ sự tác động của Bắc Kinh đối với quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng.
Giới phân tích nhận định, nếu không có tuyến đường sắt này, Bắc Kinh sẽ khó hiện thực hóa kế hoạch vận chuyển hàng đến cảng Piraeus, Hy Lạp - hiện do doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu - bằng đường sắt rồi từ đó vận chuyển bằng đường biển đến châu Âu, châu Phi và những nơi khác. Theo đó, "Giấc mộng Trung Hoa" - tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc sẽ gặp trở ngại.