Hậu Giang đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp, logistics
Hậu Giang là đơn vị hành chính cấp tỉnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thuộc tiểu vùng Tây sông Hậu, có diện tích tự nhiên 1.602 km2. Toàn tỉnh có 8 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 5 huyện. Với 76 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 12 phường, 10 thị trấn và 54 xã.
Hậu Giang là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ. Tỉnh có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại, có nguồn thủy sản phong phú, chủ yếu tôm cá nước ngọt và chăn nuôi gia súc.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Về phương hướng phát triển các ngành trọng điểm, Hậu Giang sẽ phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh, hình thành hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung, hiện đại, quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư các ngành: Công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ; dược, mỹ phẩm; chế biến nông sản; logistics.
Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực: cây ăn trái - lúa - thủy sản. Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái, chăn nuôi tập trung, công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước.
Phát triển thuỷ sản với sản phẩm chủ lực là cá tra, cá thát lát, lươn; gắn chế biến với mở rộng thị trường; khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi. Phát triển lâm nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế rừng sản xuất kết hợp với phát triển du lịch.
Hậu Giang phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, hiện đại, có giá trị gia tăng lớn; trở thành tỉnh có ngành thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu Việt Nam
Theo số liệu do Tổng Cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 của tỉnh Hậu Giang ước đạt 13,30%. Với con số này, Hậu Giang dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế; xếp thứ 2 là tỉnh Bắc Giang với 12,25% và thứ 3 là TP Hải Phòng với 10,08%...
Trong Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Hậu Giang về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2023 và một số nhiệm vụ tháng 11 năm 2023 có thể thấy, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong kinh tế - xã hội.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ. Chỉ số IIP ước 10 tháng tăng 10,95% so với cùng kỳ.
Tỉnh đã đón 472.950 lượt khách tham quan du lịch (18.520 lượt khách quốc tế, 454.430 lượt khách nội địa) trong 10 tháng đầu năm 2023, đạt 94,59% kế hoạch, tăng 45,3% so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch được 209,3 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch, tăng 40,47% so với cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng năm 2023, tỉnh cấp mới 15 chủ trương đầu tư ngoài khu công nghiệp với số vốn 2.365,26 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 326 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 186.028,3 tỷ đồng, trong đó: có 261 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn là 36.836,9 tỷ đồng và 62 dự án trong khu công nghiệp với tổng số vốn là 148.905,5 tỷ đồng, 03 dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với tổng số vốn là 289,9 tỷ đồng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh cấp mới1 dự án FDI với số vốn là 23,620 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có 25 dự án FDI (trong khu công nghiệp là 6 dự án, ngoài khu công nghiệp 19 dự án), với tổng số vốn đăng ký 1.103,02 triệu USD.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, ủy thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 1.033,636 triệu USD, bằng 98,99% so với cùng kỳ và đạt 90,64% kế hoạch.
Công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 12.169 tỷ đồng, đạt 113,72% dự toán Trung ương, đạt 84,04% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó: thu ngân sách trên địa bàn là 605,5 tỷ đồng, lũy kế được 4.684 tỷ đồng, đạt 75,94% dự toán Trung ương, đạt 71,86% dự toán HĐND tỉnh giao.