Binh sĩ Đức được triển khai tới Karmelava, CH Litva để tham gia sứ mệnh của NATO. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây ở Vilnius, Tổng thống Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố đất nước của ông sẽ cử 700 quân tới Slovakia và thêm 250 quân nhân khác để cử tới Romania - hai quốc gia có chung biên giới với Ukraine - như một phần trong nỗ lực củng cố sườn phía Đông của liên minh.
"Là một thành viên như đã cam kết, Tây Ban Nha tuyên bố sẽ triển khai lực lượng Tây Ban Nha ở Slovakia để củng cố mặt trận phía Đông và chúng tôi sẽ củng cố sự hiện diện của mình ở Romania với số lượng quân lớn hơn”, Tổng thống Sanchez nói và cho biết thêm đất nước của ông sẽ " tiếp tục đóng góp vào nỗ lực của liên minh để đạt được hòa bình công bằng và lâu dài”.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích quân sự Juan A. Aguilar - giám đốc cổng thông tin nghiên cứu chiến lược Geoesstrategia.es, kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu của NATO sẽ gặp phải những vấn đề "nghiêm trọng" vì hầu như không quốc gia nào có thể tập hợp quân với số lượng đáng kể. Tây Ban Nha cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Vị chuyên gia này chỉ ra rằng Tây Ban Nha sẽ chỉ có thể gửi một số lượng binh sĩ có hạn để củng cố khu vực sườn Đông của NATO bao gồm Slovakia và Romania. Trên thực tế, tác động truyền thông của thông báo gần đây mà Tổng thống Tây Ban Nha đưa ra lớn hơn nhiều so với quy mô thực tế của các lực lượng sẽ được triển khai.
"Tôi không nghĩ rằng số quân triển khai trong 3 đợt luân chuyển hàng năm sẽ vượt quá 300 binh sĩ hay tổng cộng là 1.000 người, một tiểu đoàn. Tây Ban Nha không còn nhiều binh sĩ, trừ khi họ rút lực lượng khỏi các khu vực khác", nhà phân tích quân sự lý giải.
Ông cho biết mặc dù trên văn bản, Tây Ban Nha có khoảng 150.000 binh sĩ, nhưng không phải tất cả bọ họ đều sẵn sàng được triển khai đến Đông Âu.
"Trong số 150.000 người, chúng tôi phải trừ những người đang phục vụ Quân đoàn chung, Bộ chỉ huy, Hậu cần, Hải quân và Không quân ... Sau đó, là những người thuộc các đơn vị đặc biệt (NBC, UME, Phòng không) và, tất nhiên, quân đồn trú được triển khai ở Quần đảo Canary, Ceuta và Melilla”, ông Aguilar giải thích.
"Thế còn lại bao nhiêu đâu? Ba lữ đoàn hạng nhẹ và ba lữ đoàn cơ giới hóa bọc thép có quân số khoảng 18.000 binh sĩ. Phải có một đơn vị đồn trú tại thủ đô. Có quân đội được triển khai ở Lebanon, Iraq, Mali, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước vùng Baltic ... Ít nhất ba lần luân chuyển một năm”.
NATO đã tăng cường hiện diện quân sự dọc theo sườn phía Đông của liên minh, tại các quốc gia có chung đường biên giới trên bộ với Ukraine - nơi Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Các nhóm chiến đấu đa quốc gia của NATO hiện đóng quân ở Estonia, Latvia, Litva, Bulgaria, Ba Lan, Hungary, Romania và Slovakia. Ngày 13/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn một sắc lệnh hành pháp cho phép 3.000 quân nhân dự bị tăng cường cho Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương, triển khai luân phiên các lực lượng đáng tin cậy trong chiến đấu tới châu Âu như một phần trong cam kết của Mỹ với NATO.
Sau các quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, các đồng minh đã gửi hàng chục tỷ USD vũ khí cho Kiev, tuyên bố sẽ duy trì 300.000 quân trong "trạng thái sẵn sàng cao", như một phần của Lực lượng Phản ứng NATO.
"NATO muốn triển khai 300.000 quân ở Đông Âu. Mỹ sẽ đưa 100.000 quân, nhưng các quốc gia còn lại phải cung cấp tổng cộng 200.000. Nếu họ thực hiện 4 đợt luân chuyển mỗi năm, thì cần 800.000 quân. Đây là những con số mà, trừ khi họ huy động toàn lực, thì không có khả năng cung cấp được”, chuyên gia Aguilar đánh giá.
Tuy nhiên, những cam kết được đưa ra trong bối cảnh nhiều thành viên khối liên minh đang lo lắng về kho dự trữ đạn dược không đủ của họ, bị cạn kiệt bởi cuộc xung đột Ukraine. Các cường quốc lớn của NATO ở châu Âu như Đức, Italy và Anh đều thừa nhận rằng sau khi viện trợ cho Ukraine, quân đội của chính họ đang bị “rỗng ruột” vũ khí.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo về hậu quả của những hành động này đối với an ninh khu vực và toàn cầu, chỉ làm tăng thêm ngọn lửa cho cuộc xung đột ở Ukraine.