89 binh sĩ Nga thiệt mạng vì dùng điện thoại di động
Ngày 2/1, giới chức Moscow công bố thông tin 63 quân nhân nước này đã thiệt mạng trong một vụ tấn công của các lực lượng vũ trang Ukraine hôm 1/1 vào khu vực triển khai tạm thời của quân đội Nga tại thị trấn Makeevka (Makiivka), thuộc vùng lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR, mới được Nga sáp nhập vào lãnh thổ của mình hồi tháng 9/2022).
Thông tin cho biết, cuộc pháo kích được thực hiện từ hệ thống tên lửa phóng loạt M142 HIMARS - loại vũ khí được coi là hiện đại nhất mà Mỹ cung cấp cho quân đội Ukraine, đã gây ra khá nhiều thương vong cho quân Nga và phá hủy không ít cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông trong các vùng mà quân Nga đang kiểm soát.
Theo mô tả, Quân đội Ukraine đã phóng một loạt 6 tên lửa, có khả năng là từ cùng 1 xe chở-phóng, 2 trong số đó đã bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ, nhưng 4 quả tên lửa mang đầu đạn nổ mạnh đã đánh trúng điểm triển khai quân tạm thời, khiến 63 quân nhân Nga thiệt mạng.
Đáp trả lại, Nga đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào một điểm tập trung hỏa lực của Ukraine gần ga đường sắt Druzhkivka ở Donetsk, khiến khoảng 200 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, đồng thời phá hủy bốn bệ phóng HIMARS và hơn 800 quả đạn.
Mặc dù như vậy, nỗi đau của người Nga vẫn không thể nguôi ngoai khi con số thương vong ngày một tăng cao, đồng thời nguyên nhân gây ra thảm họa được công bố càng khiến dư luận nước này càng ngày càng phẫn nộ.
Đến ngày 4/1, Bộ Quốc phòng Nga thông báo công tác thu dọn đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy đã cho thấy có tới 89 binh sĩ đã thiệt mạng, đồng thời công bố nguyên nhân xảy ra sự việc là do binh sĩ Nga đã sử dụng điện thoại di động trái quy định vào đêm giao thừa.
Vào thời khắc đầu năm mới, các binh sĩ Nga đã bất chấp lệnh cấm, ồ ạt bật và sử dụng điện thoại di động, khiến Ukraine đã theo dõi được và xác định chính xác vị trí điểm trú quân của Nga đặt tại một trường cao đẳng dạy nghề bỏ trống, để tung ra đòn đánh thảm khốc bằng hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS.
89 binh sĩ Nga có thiệt mạng chỉ vì sử dụng điện thoại?
Các dòng điện thoại di động hiện nay đều có các chức năng tối tân như chụp ảnh, quay video và đăng tải lên mạng xã hội; gọi điện thoại vệ tinh hoặc gọi điện thoại thông qua các ứng dụng phổ biến như Facebook, Zalo, Twitter, Instagram…, đặc biệt là chức năng hiển thị vị trí của thiết bị.
Những ứng dụng này thường được quảng cáo là có tính bảo mật cao nhưng thực sự nó chỉ mang tính chất trấn an người sử dụng, còn trên thực tế, các cơ quan tình báo trên thế giới hoàn toàn có đủ khả năng truy cập vào đường truyền và kho dữ liệu của các trang mạng hay ứng dụng mạng xã hội.
Rõ ràng là vào đêm đầu năm mới, việc các binh sĩ Nga ồ ạt bật điện thoại để gọi về cho người thân là một sai lầm nghiêm trọng, khiến họ phải trả giá rất đắt, bởi việc họ sử dụng điện thoại đã giúp đối phương có rất nhiều cách để xác định được vị trí của nhóm quân Nga.
Thứ nhất là các loại điện thoại di động sẽ có một dải tần số phát nhất định và dải tần này luôn nằm trong phạm vi giám sát của những phương tiện chặn thu vô tuyến điện.
Sự phát sinh một số lượng lớn các cuộc gọi thoại hay video bằng tiếng Nga vào lúc nửa đêm sẽ ngay lập tức bị chú ý và nghe lén.
Thứ hai là vào thời điểm chuyển giao giữa hai năm, tự nhiên phát sinh một nguồn tín hiệu phát xạ vô tuyến rất lớn, tại một thời điểm rất ngắn, từ một khu vực có phạm vi rất nhỏ trên chiến trường, sẽ gây ra sự chú ý của các phương tiện chuyên trinh sát tín hiệu.
Đơn giản nhất là việc điện thoại thông minh của binh sĩ Nga bật chế độ hiển thị vị trí thiết bị thì đối phương có thể dễ dàng xác định được vị trí trú đóng của nhóm quân Nga.
Nếu binh sĩ Nga chụp ảnh, gọi video về nhà, đăng tải trên mạng xã hội…, thì những hình ảnh về tòa nhà trú quân có thể dễ dàng bị các phương tiện trinh sát quét tìm ra, nhanh chóng xác định chính xác địa điểm và ngay lập tức thông báo tọa độ về cho sở chỉ huy tác chiến chỉ sau vài giây.
Chiếc điện thoại di động thông minh (Smartphone) với các chức năng chụp, chia sẻ hình ảnh, video; gọi miễn phí, chế độ hiển thị vị trí thiết bị…, đã từ một phương tiện liên lạc, kết nối những binh sĩ Nga với người thân của họ, biến thành một “Kẻ giết người thầm lặng” không ai ngờ tới.
Thậm chí, nếu binh sĩ Nga gọi điện thoại thông thường, điện thoại vệ tinh hoặc gọi bằng các ứng dụng miễn phí thì đối phương đều có thể chặn thu tín hiệu điện thoại và định vị tọa độ của nguồn tín hiệu phát xạ, để xác định địa điểm phát sinh cuộc gọi.
Như vậy, bất cứ khi nào binh sĩ Nga sử dụng điện thoại thì dù đó là một chiếc di động thông minh (Smartphone) hay một chiếc di động dạng "cục gạch" thì đối phương vẫn có nhiều cách thu thập thông tin, khiến họ phải trả giá rất đắt. Do đó, việc sử dụng điện thoại cần có những quy định hết sức chặt chẽ.
Trên thực tế, các cơ quan tình báo nước ngoài, đặc biệt là Nga, Mỹ, Israel…, đã nhiều lần lợi dụng các cuộc gọi điện thoại để lần tìm ra các đối tượng khủng bố cần truy nã và tiêu diệt.
Về những sự kiện này, chúng ta có thể tìm hiểu trong các bài viết sau.