Liên quan đến vụ việc Hoàng Duy Khương (SN 2002, trú tại xã Tràng Phái, Văn Quan, Lạng Sơn) sát hại mẹ ruột rồi giấu xác trong nhà gây chấn động dư luận những ngày vừa qua, chiều 16/1, Đại tá Vũ Hồng Quang – Phó giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, hành vi phạm tội của Khương đã rõ ràng, hiện tại cơ quan CSĐT đã hoàn thiện hồ sơ, khởi tố vụ án.
Hành vi của Hoàng Duy Khương là vô cùng dã man, độc ác khi ra tay sát hại chính mẹ đẻ của mình.
Không chỉ thế, Khương còn giấu xác ở ngay trong nhà như chưa hề có chuyện gì xảy ra mặc dù Khương mới chỉ 15 tuổi.
PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về vụ việc trên.
Theo Luật sư Thơm, người từ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về những tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng mà mình gây ra.
"Hành vi của Hoàng Duy Khương khi đã 15 tuổi sẽ bị khởi tố về tội giết người theo điều 93 Bộ luật Hình sự. Hành vi giết người của Hoàng Duy Khương mang tinh chất côn đồ.
Tuy nhiên, Hoàng Duy Khương phạm tội khi dưới 16 tuổi nên theo khoản 1 điều 74 bộ Luật hình sự thì mức hình phạt tổng hợp các tội không quá 12 năm.
Do còn là trẻ em, tâm sinh lý chưa hoàn thiện nên khi phạm tội, Pháp luật Việt Nam có tính nhân đạo và sẽ được giảm nhẹ về hình phạt", Luật sư Thơm nói.
Cũng theo Luật sư Thơm, hình phạt tù 12 năm đối với trẻ em như là hình phạt tử hình đối với người đã trưởng thành.
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Điều 74. Tù có thời hạn
Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định sau đây:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.