Kẻ bạo hành bé 4 tuổi đến tử vong đối mặt mức án nào?

Hoàng Nam |

Luật sư có những nhận định xung quanh vụ án bé gái 4 tuổi nghi bị bạn của bố bạo hành đến tử vong...

Liên quan đến vụ việc bé gái 4 tuổi nghi bị bạn của bố bạo hành đến tử vong ở thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long xảy ra những ngày qua khiến dư luận xôn xao, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) để làm rõ một số vấn đề liên quan tới vụ án nói trên.

Theo Luật sư Cường, dựa vào thông tin từ cơ quan công an Vĩnh Long cung cấp: "Bước đầu, nam thanh niên giữ bé gái thừa nhận có đánh, dạy dỗ nhưng quá tay" đồng thời kết quả khám nghiệm ban đầu cho thấy cơ thể cháu bé có nhiều vết thương nghi bị bạo hành.

Kẻ bạo hành bé 4 tuổi đến tử vong đối mặt mức án nào? - Ảnh 1.

Thạc sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp)

"Như vậy, nếu kết quả điều tra cho thấy thông tin ở trên là đúng thì nghi phạm sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 5, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, hình phạt có thể đối diện với mức án tới 15 năm tù", ông Cường cho hay.

Tuy nhiên, vị luật sư cũng nhận định, trong vụ việc này vẫn còn nhiều nội dung cần làm rõ như: Nguyên nhân chết? Nếu bị tác động ngoại lực từ bên ngoài thì ai tác động, tác động vào đâu, bằng hung khí gì, những tác động trực tiếp nào khiến đứa trẻ thiệt mạng? Nguyên nhân, động cơ nào khiến hung thủ thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân? Mục đích của đối tượng gây án là cố ý gây thương tích hay muốn tước đoạt tính mạng của cháu bé.

Nếu kết quả điều tra cho thấy đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân và mong muốn tước đoạt tính mạng của nạn nhân hoặc đối tượng cố ý thực hiện hành vi xâm hại tới nạn nhân, biết rõ hành vi của mình là có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân, tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì đối tượng này sẽ bị xử lý về tội "Giết người" chứ không còn là tội "Cố ý gây thương tích", khi đó hình phạt có thể đối diện với mức cao nhất là tử hình chứ không phải là mức án tù có thời hạn.

Nếu hành vi của đối tượng là không cố ý xâm hại tới tính mạng, sức khỏe của nạn nhân mà chỉ vô ý gây thiệt mạng cho nạn nhân thì có thể chỉ bị xử lý về tội "Vô ý làm chết người".

Bởi vậy, vụ việc này cần làm rõ nguyên nhân, động cơ và hành vi cụ thể để xác định đúng trách nhiệm pháp lý.

Ngoài ra, nếu phát hiện nạn nhân bị xâm hại tình dục thì cần phải làm rõ hành vi xâm hại, đối tượng xâm hại để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.

Đánh giá xoay quanh vụ việc thương tâm trên, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm, hiện nay, nhiều vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khiến không ít phụ huynh và xã hội lo lắng.

Bởi vậy, các ông bố, bà mẹ cần quan tâm, giám sát, quản lý con em mình tốt hơn. Không giao con mình cho những người không đáng tin cậy, không có khả năng, điều kiện trông giữ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Kịp thời phát hiện những đối tượng có biểu hiện bất thường về tâm sinh lý, không để những đối tượng đó có cơ hội tiếp xúc, gần gũi trẻ em để tránh nguy cơ bị xâm hại.

"Mọi hành vi bạo hành, tấn công trẻ em cần được phát hiện và xử lý nghiêm minh trước pháp luật thì mới có thể bảo vệ quyền trẻ em một cách tốt nhất theo quy định pháp luật", ông Cường khẳng định.


Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;”

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại