Chính thức xây dựng từ năm 1999 và mãi đến gần 10 năm sau mới đi vào hoạt động, có thể nói rằng Đại Nam là một trong những niềm tự hào to lớn không chỉ đối với gia đình bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng mà còn của cả người dân Bình Dương nói chung.
Với kinh phí xây dựng lên đến 6000 tỷ đồng, đến nay khu du lịch (KDL) đình đám này nắm giữ vô số kỷ lục gây tiếng vang cả trong nước lẫn quốc tế.
Đến ngày 6/5/2021, cũng như bao địa điểm du lịch khác tại Việt Nam, Đại Nam thông báo tạm ngừng hoạt động nhằm chung tay phòng chống dịch Covid-19. Dù đã ngưng đón khách nhưng khu du lịch này vẫn là tâm điểm chú ý trên MXH vì biết bao lần được bà Phương Hằng lẫn netizen nhắc tên.
KDL Đại Nam thông báo ngưng đón khách từ ngày 6/5, cả bảng hiệu mừng xuân Tân Sửu đến nay cũng chưa được tháo xuống
Gây sốc nhất có lẽ là tin đồn KDL 6000 tỷ bị "rao bán" và giải thể. Ngay sau đó, ông bà chủ của Đại Nam cũng lên sóng xác nhận chuyện không bán Đại Nam cho bất cứ bên nào. CEO của Đại Nam cũng treo thưởng cho ai dám khẳng định, đưa ra bằng chứng về việc bà rao bán KDL này với giá tiền lên đến 20 tỷ.
Khu vực cổng sau Đại Nam bỗng xuất hiện rào chắn lớn vào giữa tháng 9 vừa qua
Gần đây nhất, bà Nguyễn Phương Hằng từng phát ngôn ẩn ý chuyện sẽ mở cửa Đại Nam đón khách trở lại. Theo đó, bà nói nếu Bình Dương nới lỏng giãn cách, bà sẽ cho mở cửa miễn phí vé cổng để vào tham quan KDL Đại Nam. Trong một livestream khác, nữ streamer 50 tuổi chia sẻ: "Nếu Đại Nam cho mở cửa, tôi sẽ tiếp đón mọi người. Nếu mọi người quen với tôi, tôi sẽ mời đàng hoàng, đăng ký giúp tôi, cho tôi số chứng minh nhân dân, tấm hình. Tôi sẽ có khu vực riêng để tiếp mọi người".
Cổng trước Đại Nam hiện tại vẫn là khu vực tấp nập người qua lại, chủ yếu là công nhân các khu xí nghiệp gần đó
Sau bao phen sóng gió, theo ghi nhận đến hiện tại, Đại Nam vẫn đóng cửa im ỉm và chưa có dấu hiệu mở lại. Chạy ngang cổng chính trên đường Quốc lộ 13 (phường Tân Định, TX. Bến Cát) và cổng phụ trên đường Mai Chí Dân (phường Hiệp An, TP. Thủ Dầu Một), dễ thấy cảnh bên trong vẫn có bảo vệ ngồi chốt nhưng cửa cổng thì vẫn đóng kín mít.
Cảnh "cửa đóng then cài" quá quen thuộc với người dân nơi đây
Khu vực cổng sau thuộc địa phận TP. Thủ Dầu Một cũng tương tự
Bên ngoài khu vực cổng sau rộng rãi hơn rất nhiều, chủ yếu trang trí những biểu tượng quảng cáo cho khu trường đua rộng lớn bên trong
Bình thường, người dân sinh sống xung quanh khu vực Đại Nam vẫn thường sử dụng con đường nối giữa cổng chính và cổng phụ của KDL như một "lối tắt" để đi nhanh hơn. Hiện tại, tình trạng đó đã không còn xảy ra nữa.
Chắc ít ai biết, lúc chưa bùng dịch, con đường dẫn từ cổng trước sang cổng sau Đại Nam được xem là "lối tắt" của rất nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này
Theo ghi nhận vào chiều ngày 24/10, khu vực cổng sau Đại Nam (TP. Thủ Dầu Một) có khá đông xe hơi, xe máy tụ tập. Hỏi ra mới biết khu trường đua ở bên trong vẫn được vợ chồng bà Hằng tận dụng làm khu cách ly dã chiến cho người nhiễm Covid. Trong đó, khu cổng sau là nơi người thân của các F0 thường lui tới để đưa đồ đạc nếu cần.
Chiều 24/10, khá đông người tụ tập ở khu vực cổng sau
Nhiều người tranh thủ gửi đồ đạc cho người thân là F0 đang cách ly trong khu trường đua Đại Nam
Đứng từ phía ngoài vẫn dễ nghe thấy tiếng động cơ mô tô rất lớn, liệu có phải là các tay đua đang tập dượt ở bên trong?
Hiện tại, website chính thức của Đại Nam vẫn biến mất hoàn toàn trên Google. "Số phận" KDL 6000 tỷ của ông Dũng, bà Hằng vẫn chưa được định đoạt, nhất là trong thời điểm Bình Dương và nhiều địa phương khắp cả nước đang bước vào giai đoạn bình thường mới và kích cầu du lịch như hiện tại.