img

hấm thoắt đã một năm trôi qua tính từ ngày mất của Johan Cruyff, người ta sững sờ nhận ra thời gian đã trôi qua nhanh đến như thế nào, và Barcelona vẫn còn tôn thờ người đàn ông vĩ đại ấy ra sao.

Khi Luis Enrique tuyên bố không ký tiếp hợp đồng với Barcelona vào cuối mùa bóng này, các cule chỉ còn thiếu điều mở tiệc ăn mừng. Họ đã trưng băng rôn phản ứng HLV người Asturia, họ đã huýt sáo phản đối ông, truyền thông Catalan thì dập bài chỉ trích ông tơi bời.

Nhìn cách mà Barcelona đối xử với Enrique, không ai tin được đấy là người đã mang về 8/10 danh hiệu gần nhất cho CLB, trong đó có cú ăn ba lịch sử ngay mùa đầu tiên. "Trước khi Enrique đến, chúng tôi còn ngập trong đống phân", hậu vệ Gerard Pique nói. Vậy mà các cule vẫn ghét Enrique, chỉ vì ông đã phản bội lại di sản của Cruyff. Ông cầm bóng quá ít và chơi phản công quá nhiều.

Trước khi mất, Cruyff cũng đã kịp hoàn thành những chương cuối cùng của cuốn tự truyện, đã được dịch sang tiếng Anh một cách tuyệt vời là "My Turn".

Turn ở đây tức là cú ngoặt bóng thần thánh của ông, đã được phát đi phát lại hàng triệu lần trên các đài truyền hình và và mạng xã hội từ ngày ông mất.

"Turn" ở đây cũng có nghĩa là khúc cua lịch sử. Lịch sử Barcelona và thậm chí là cả lịch sử bóng đá thế giới hoàn toàn có thể chia ra làm hai cột mốc: trước Cruyff và sau Cruyff.

Johan Cruyff: Chỉ thành công thôi là chưa đủ! - Ảnh 3.

Nếu nói về tài nghệ và thành tích, Cruyff có thể chỉ ngang hàng hoặc suýt soát với những Pele, Diego Maradona, Lionel Messi. Nhưng nói về di sản, không một ai có thể vươn lên được tầm Cruyff. Vì Cruyff làm thay đổi cách ta xem và hiểu bóng đá. Như lời Pep Guardiola nói: "Tôi chả biết gì về bóng đá cho tới khi gặp Cruyff".

Cuộc đời của Cruyff là cuộc đời bóng đá. Những châm ngôn hay nhất của ông cũng đều quy về bóng đá. Ông đã làm cầu thủ, HLV, giám đốc kỹ thuật, cố vấn và viết báo bóng đá. Cruyff chưa từng được học hành chính quy. Tất cả những kiến thức ông có được đều đến từ sân cỏ.

Bố ông mất khi ông mới 12 tuổi, ông trưởng thành nhờ sự dạy bảo của người cha nuôi, cũng là một nhân viên chăm sóc mặt cỏ ở Ajax Amsterdam. Sau đó, hai người HLV đầu tiên của Cruyff - Jany van der Veen và Rinus Michels - là những người có ảnh hưởng lớn tiếp theo. Bóng đá và Ajax, theo lời Cruyff viết trong phần mở đầu tự truyện, đã dạy cho ông nên người.

Cruyff mang tài năng và trí tuệ của mình để phục vụ cho Ajax, nhưng CLB tôn ông làm vị Thánh lại chính là Barcelona. Ở đây, ông thay đổi lịch sử CLB không những một, mà tới hai lần. Lần đầu tiên trên tư cách cầu thủ, Cruyff mang Barca đến danh hiệu vô địch Tây Ban Nha đầu tiên sau 14 năm.

Johan Cruyff: Chỉ thành công thôi là chưa đủ! - Ảnh 4.

Trên tư cách là HLV, ông mang CLB đến chiếc Cúp C1 lần đầu tiên trong lịch sử. Và di sản mà ông để lại là cả một kho tàng triết lý mà Barca xem như kim chỉ nam. Pep Guardiola được tôn sùng vì đi theo con đường ấy, Enrique bị ghẻ lạnh vì dám tự mình vạch ra một ngã rẽ.

Ngã rẽ ấy mang đến thành công, nhưng ở Barca, thành công thôi là chưa đủ. Vì như lời Cruyff nói: "Tấn công mà không thắng thì là tấn công vô nghĩa. Thắng mà không tấn công thì tẻ nhạt. Bao giờ cũng phải kết hợp cả hai".

"Johan Cruyff không biết sợ hãi là gì cả", Txiki Begiristain, cựu GĐTT Barca và nay làm chức vụ ấy tại Man City, nhớ lại. "Mỗi khi gặp khó khăn, người ta thường lùi xuống, Cruyff thì lại tiến lên. Cứ phải tấn công mới được. Bốn hậu vệ nhiều quá ông ta chuyển sang sơ đồ ba hậu vệ, các hậu vệ biên thì đá như tiền vệ. Luôn phải chủ động, lúc nào cũng tấn công. Chúng tôi đã từng nghĩ: phải chăng người đàn ông này bị điên?"

Johan Cruyff: Chỉ thành công thôi là chưa đủ! - Ảnh 5.

Cruyff đặt Barcelona lên bàn đồ bóng đá châu Âu. Lịch sử thế giới có trước và sau Công nguyên, lịch sử Barca có trước và sau Cruyff. Trước năm 1990, Barca có 10 chức vô địch La Liga và không có Cúp C1. Sau khi Cruyff xuất hiện trên vai trò quản lý, Barca giành thêm 13 danh hiệu Liga và có 5 Champions League.

Pep nói: "Tôi học được ở ông ấy sự mạnh dạn thử nghiệm, không ngại ngần thất bại". Cruyff quả đã từng dạy thế. Sinh thời ông nói: "Tôi luôn bảo các cầu thủ chớ lo ngại gì. Nếu có ý tưởng, hãy thử. Nếu thất bại, chả sao cả".

Trên tư cách là cầu thủ 3 lần vô địch Cúp C1, là cầu thủ hay nhất hành tinh đương thời và là đại diện hoàn hảo nhất của bóng đá tổng lực, Cruyff đã có thể ký hợp đồng với Real Madrid vào mùa hè 1973. Nhưng ông đã cự tuyệt quyết định chuyển nhượng của Ajax.

Johan Cruyff: Chỉ thành công thôi là chưa đủ! - Ảnh 6.

Đã nhận lời hứa với Rinus Michels là sẽ sang Barca, Cruyff dọa sẽ giải nghệ nếu Ajax không để ông chuyển sang Barcelona. Rốt cục Ajax phải ưng thuận. Cruyff sang Barcelona với bản hợp đồng có giá trị kỷ lục vào lúc ấy. Nhưng đấy là vụ đầu tư hời nhất của CLB Catalan.

Sau khi lệnh cấm các cầu thủ nước ngoài được gỡ bỏ, Cruyff mới đá trận đấu tiên cho Barca, với Granada vào tháng 10/1973. Lúc ấy, Barca đang đứng thứ tư trên BXH, mới thắng được 2/7 vòng đấu đầu tiên và đã bị loại khỏi Cúp UEFA.

Trước lúc Cruyff chuẩn bị đá trận đầu tiên, một tờ tạp chí đã đưa hình ông lên bìa với hàng tít: "Cruyff, hy vọng duy nhất của chúng ta trong giông bão". Thật vậy. Carles Rexach, người đã có công mang Lionel Messi về Barcelona sau này, nhớ lại: "Chúng tôi đã trải qua 14 năm không vô địch La Liga và các cule đã thật sự tuyệt vọng. Và Cruyff xuất hiện".

Cuối mùa bóng đầu tiên của Cruyff tại Catalan, Barca vô địch Liga lần đầu tiên kể từ năm 1960. Khi Cruyff ra sân, Barca không biết thua là gì cho đến khi đã vô địch trước 2 vòng đấu cuối.

Đồng đội của Cruyff ngày ấy, Juan Manuel Asensi, gọi đấy là chức vô địch của Cruyff bởi ông thay đổi hoàn toàn tư duy yếm thế của Barca lúc ấy. Và nào chỉ bóng đá, ông còn tạo ra một phong trào cách tân rộng khắp ở Barcelona. Cruyff mang trong mình khí thể đổi thay hừng hực của thế hệ.

Sinh năm 1947, tức hai năm sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, Cruyff mang cảm hứng từ The Beatles trong âm nhạc áp vào bóng đá. Ông luôn muốn thử những điều mới mẻ, hào hứng, khác biệt.

Johan Cruyff: Chỉ thành công thôi là chưa đủ! - Ảnh 7.

Joan Laporta, Chủ tịch Barca sau này, 11 tuổi khi bị Cruyff hoàn toàn hớp hồn trên sân cỏ. Ông cắt tóc theo Cruyff, học cú ngoặt bóng kiểu Cruyff. "Nếu được tái sinh, tôi muốn mình trở thành Pep Guardiola", Laporta nói. "Tôi nói thế vì không dám phạm thượng nói mình muốn trở thành Johan Cruyff".

Ở Cruyff toát ra một sức hút thật khó cưỡng: đầy nghệ sĩ tính, pha chất hoang dã Bohemian nhưng lại cực kỳ thông tuệ, những phẩm chất mà ta ít khi thấy hội tụ ở cùng một người. Bác sĩ của Barca, Ángel Mur nhấn mạnh: "Cruyff là một nghệ sĩ. Bởi vì ngay cả những người không thích bóng đá cũng phải dừng lại để ngắm nhìn ông ấy".

Rexach nhớ lại: "Tôi nhớ mình đến những nơi như Santander, Burgos hay Granada. Thỉnh thoảng CĐV những nơi này huýt sáo chửi cầu thủ của chính họ khi người này phạm lỗi với Cruyff. Bởi vì đấy là lần đầu tiên họ được chiêm ngưỡng Cruyff bằng xương bằng thịt. Và họ không muốn gã trung vệ của mình làm hỏng màn trình diễn của Cruyff".

Johan Cruyff: Chỉ thành công thôi là chưa đủ! - Ảnh 8.

Rexach gọi chiến thắng 5-0 trước Real Madrid vào tháng 2/1974 là "khoảnh khắc lịch sử". Nó là khởi nguồn cho một Barcelona theo mô hình mới.

Trên khán đài hôm ấy là Emilio Butragueño, một cậu bé fan Real và sau này sẽ là một huyền thoại ở Bernabeu. Chính Butragueño sau này cũng phải thừa nhận thần tượng của ông là Cruyff. Và ông đến xem trận El Clasico năm 1974 ấy chỉ để chiêm ngưỡng Cruyff.

Cruyff thống trị trận đấu ấy hoàn toàn. Và từ vị thế của một siêu sao sân cỏ, ông vươn lên tầm một biểu tượng của chính trị, xã hội. Bởi vì Cruyff buộc chặt vận mệnh của mình với Barcelona, ông đặt tên con trai là Jordi, theo tên vị thánh bảo hộ của xứ Catalonia, bất chấp sự ngăn cản của phòng đăng ký khai sinh.

"Tôi thích cái tên ấy, chỉ duy nhất cái tên ấy mà thôi", Cruyff nhớ lại. Người nhân viên đăng ký bảo tên này ở Catalan bị cấm. Cruyff đáp: "Tôi là người Hà Lan. Người Hà Lan quyết định tên cho con mình".

Cruyff quyết định, luôn là như thế. Và quyết định của ông đa phần là khác biệt. Triết lý của ông: thà thất bại với quyết định của mình hơn là của người khác.

Khi Cruyff trở lại Barcelona trên vai trò HLV năm 1988, Barca rơi vào một cơn khủng hoảng mới, cả thể thao lẫn tài chính. Kết quả tệ hại, lối chơi nghèo nàn, không khí u ám và lượng khán giả thì tụt dốc không phanh. Chủ tịch Barca, Josep Lluís Núñez, thậm chí còn mâu thuẫn với lãnh đạo của xứ Catalan Jordi Pujol. Và Cruyff tới, bầu trời bỗng xanh trở lại.

Michael Laudrup nhớ lại: "Ông ấy mang đến một ý tưởng hoàn toàn khác biệt, một cách nhìn hoàn toàn mới về bóng đá. Cruyff là HLV nói ra những kiến thức chiến thuật mà bạn chưa từng nghe ở đâu. Bạn chỉ ngồi đó mà vỡ lẽ: sao lại hợp lý thế kia, mà đạo lý đơn giản ấy sao chả thấy HLV nào nói được".

Cùng với Cruyff trên vai trò HLV, Barca vô địch La Liga 4 năm liên tiếp. Họ cũng vô địch Cúp C1 lần đầu tiên, sau khi hạ Sampdoria ở Wembley vào tháng 5/1992. Rexach, khi ấy chưa mâu thuẫn với Cruyff, đã gọi chiến thắng ấy là "một cuộc giải phóng".

Chỗ đứng của Barca trong lịch sử đã được khẳng định. Gánh nặng ngàn cân trên vai Barca đã được gỡ bỏ để họ lại bước vào một kỷ nguyên mới. Và Cruyff đã nói gì trong cái đêm Wembley ấy, trước khi các cầu thủ Barca bước vào sân?

"Salid y disfrutad!"

Tức là "Vào sân và tận hưởng đi".

Phải hiểu vị thế của Cruyff trong lịch sử Barcelona, với việc ông đã khai sáng cho La Masia, mới hiểu được ngọn nguồn lý do vì sao Enrique bị ghét đến thế dù là một trong những HLV có thành tích tốt nhất lịch sử CLB.

Vì Cruyff còn hơn là một biểu tượng, ông là một triết gia và là một vị Thánh ở Barcelona. Và Enrique là kẻ ngoại đạo đã khước từ nghi lễ. Ông mãi bị xem là một kẻ bất kính, dù rất thành công.

Johan Cruyff: Chỉ thành công thôi là chưa đủ! - Ảnh 10.

Quế Nam
JC Nguyen                                            
Theo Trí Thức Trẻ31/03/2017