Hệ thống phòng không SAMP/T phóng hỏa lực vào năm 2015. Ảnh: Defensenews
Theo trang Defense News, Rome đang chuẩn bị cho đợt điều động vũ khí thứ sáu tới Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2.
Cho đến nay, Italy vẫn rất kín tiếng về những gì họ đã cung cấp cho Kiev. Tuy nhiên, tên lửa đất đối không Stinger, súng cối và vũ khí chống tăng Milan hoặc Panzerfaust được cho là nằm trong các lô hàng đã chuyển giao.
Bên cạnh đó còn có súng máy hạng nặng Browning, súng máy hạng nhẹ loại MG và các hệ thống chống thiết bị nổ ứng biến. Italy cũng được cho là đã gửi nhiều hệ thống tên lửa phóng loạt, lựu pháo PzH 2000 và các phương tiện quân sự.
Trước việc Nga sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất để đánh sập các cơ sở hạ tầng quan trọng, Kiev đã kêu gọi tăng cường hệ thống phòng không. Tháng trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với tờ báo Italy, Corriere della Sera rằng ông đặc biệt yêu cầu Rome viện trợ các năng lực phòng không do nước này sản xuất.
Cuộc phỏng vấn đó làm gia tăng suy đoán rằng các khẩu đội tên lửa phòng không SAMP / T do Italy và Pháp chế tạo, có thể đang trên đường ra tiền tuyến.
Được đưa vào trang bị cho quân đội Italy vào năm 2013, SAMP/T là một hệ thống chống tên lửa chiến thuật đặt trên xe tải được thiết kế để chống lại tên lửa hành trình, máy bay có người lái và không người lái cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Năm 2016, Italy đã gửi một khẩu đội SAMP/T đến Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ hoạt động của NATO nhằm bảo vệ thành phố Kahramanmaras trước mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng tên lửa của Syria.
Tuy nhiên, một nhà phân tích người Italy nói với Defense News rằng có hai vấn đề liên quan đến việc gửi SAMP / T. "Đó là một hệ thống phức tạp và cần đào tạo kỹ càng, Italy không chỉ đơn giản là có nhiều khẩu đội để gửi đi”, nhà phân tích giấu tên này nói.
Theo quân đội Italy, họ hiện có 5 khẩu đội SAMP/T trong biên chế. Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng Italy sẽ cung cấp cho Kiev hệ thống tên lửa phòng không Skyguard-Aspide cũ hơn và có nhiều hơn - do công ty MBDA (Italy) và Rheinmetall của Đức chế tạo.
Các chuyến hàng vũ khí đầu tiên của Italy tới Ukraine được chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi khi đó ủy quyền. Sau cuộc bầu cử vào tháng trước, ông Draghi đã được thay thế bởi nhà lãnh đạo cực hữu Giorgia Meloni. Nữ Thủ tướng Meloni dẫn đầu một liên minh với lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini và cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.
Cả hai ông Salvini và Berlusconi đều là những người từng rất ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong quá khứ và cả hai đều ủng hộ việc sáp nhập Crimea vào năm 2014, làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền mới của Italy có thể phản đối việc tiếp tục vận chuyển vũ khí tới Ukraine.
Tuy nhiên, Thủ tướng Meloni đã nhiều lần cam kết ủng hộ Kiev và tuyên bố các hoạt động viện trợ quân sự sẽ tiếp diễn không bị gián đoạn.
Dù vậy, bà Meloni cũng phải đối mặt với một số lượng lớn cử tri phản đối việc cung cấp vũ khí. Cuối tuần trước, ít nhất 40.000 người biểu tình đã xuống đường ở Rome để kêu gọi hòa bình ở Ukraine, với nhiều người phản đối viện trợ vũ khí và mang theo biểu ngữ lên án NATO.
Giuseppe Conte, thủ lĩnh của đảng Năm Sao, đã thách thức chính phủ tổ chức một cuộc tranh luận về lô hàng viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine tại Quốc hội.