Mỗi buổi sáng, khi đi qua trạm kiểm soát của khu dân cư ở Bắc Kinh, Wang Yimeng thường hỏi một câu hỏi tương tự với những người làm việc tại đó: "Khi nào trạm kiểm soát sẽ được dỡ bỏ? Khi nào tôi có thể bán đồ ăn sáng trở lại?".
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), giống như hàng nghìn người dân ở thủ đô Trung Quốc, người phụ nữ 64 tuổi này kiếm sống bằng nghề bán hàng trên phố. Tuy nhiên, dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới (Covid-19) đã làm thay đổi thói quen của nhiều người và đảo lộn cuộc sống của bà.
Ít nhất vẫn còn sống
Kể từ đầu tháng trước, tất cả các cổng vào khu dân cư nơi bà bán hàng đã bị đóng cửa. Các điểm ra vào được quản lý chặt chẽ và bà Wang được cho biết, bà không thể bán hàng ở đó nữa.
"Họ nói với tôi rằng, tôi không nên cản trở công việc kiểm soát dịch bệnh của chính phủ", bà nói. "Các cán bộ yêu cầu tôi hợp tác nếu không sẽ bị phạt".
Trước khi các biện pháp kiểm soát được tiến hành, bà kiếm được khoảng 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng, đủ để mua thức ăn và các loại thuốc cho người chồng đang ngồi xe lăn.
"Tôi không phàn nàn, bởi vì chúng tôi vẫn còn may mắn so với những người đã qua đời vì căn bệnh này", bà nói.
"Tôi chỉ mong cuộc sống trở lại bình thường càng sớm càng tốt."
Kể từ sau khi dịch bệnh bùng phát ở tâm dịch Vũ Hán, giống như nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc, Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp để cố gắng ngăn chặn dịch bệnh, bao gồm đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh, đồng thời hạn chế đi lại. Tác động kinh tế là rất lớn nhưng nhịp sống thành phố đang dần trở lại bình thường.
Bắc Kinh đang dần trở lại bình thường nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: Bloomberg
Vấn đề bây giờ là mặc dù số số ca nhiễm ở Trung Quốc đã giảm, không có ca nhiễm mới trong nước nhưng lại xuất hiện những ca nhiễm từ dòng người ở nước ngoài đổ về.
Đối với những người kinh doanh tự do và những người có thu nhập thấp, đó là một viên thuốc khó nuốt, nhưng mọi người quyết tâm chiến đấu, SCMP nhận định.
Đầu tuần này, Li Zi được cho biết anh có thể trở lại làm việc tại một tiệm làm tóc ở Bắc Kinh, vốn đã bị đóng cửa trong hai tháng qua.
Sau khi được các quan chức từ bảy cơ quan chính phủ đến kiểm tra, ông chủ của Li được thông báo có thể mở lại cửa hàng miễn là không bao giờ có quá năm người - bao gồm cả nhân viên - trong không gian rộng 60m2 và tất cả khách hàng đều được đo thân nhiệt.
"Kinh doanh khá chậm," Li nói. "Tôi đoán nhiều khách hàng vẫn rất thận trọng vì cắt tóc rất liên quan đến sự tiếp xúc gần".
Mặc dù vắng khách nhưng Li cho biết, điều này vẫn tốt hơn khi được ra khỏi nhà và có thời gian cho đồng nghiệp.
"Vợ tôi và tôi đã bị mắc kẹt trong một căn hộ nhỏ trong hai tháng qua, không có gì ngoài mì ăn liền", anh nói. "Tôi không có tiền tiết kiệm. Vì vậy, ít nhất giờ đây tôi có cảm giác an toàn hơn và hy vọng tôi có thể nhận được một khoản lương vào cuối tháng này."
Mới khoảng 20 tuổi, Li được sinh ra khi Trung Quốc phát triển và không phải nếm trải những khó khăn tài chính như thế hệ đi trước.
"Không khó khăn để kiếm tiền trong lĩnh vực này và tiêu tiền còn dễ hơn," anh nói. "Đối với tôi, tiền giống như nước chảy, vào từ tay trái và ra từ tay phải".
Tác động nặng nề
Nhưng sự lan rộng của Covid-19 đã tác động lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Trong hai tháng đầu năm, do sự đóng cửa và hạn chế kinh doanh trên toàn quốc, doanh số bán lẻ đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đầu tư tài sản cố định giảm 24,5% và sản lượng công nghiệp giảm 13,5%, đây đều là những con số ảm đạm nhất của kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc, một thông số quan trọng được các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh sử dụng để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế, đã tăng lên 6,2% trong tháng 1 và tháng 2, so với mức 5,2% trong tháng 12/2019 và 5,3% cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất kể từ cuộc khảo sát 2016.
"Tôi may mắn vì tôi vẫn còn công việc" Li nói, "Nhiều đồng nghiệp của tôi về quê và đã bị mắc kẹt ở đó vì những hạn chế di chuyển".
"Một số người trong số họ nhanh chóng hết tiền và hiện đang gặp khó khăn khi cố gắng vay mượn từ bạn bè qua mạng xã hội để mua vé tàu và quay trở lại Bắc Kinh," anh nói.
Hu Xingdou, một nhà kinh tế chính trị độc lập, nói rằng mặc dù những rủi ro về sức khỏe của đại dịch Covid-19 đối với người dân là như nhau nhưng chính những người nghèo mới là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự suy giảm kinh tế.
"Tác động đối với các người lao động thời vụ, lao động thu nhập thấp và lao động chân tay lớn hơn nhiều so với người giàu," ông nói.
"Và khả năng chịu đựng rủi ro của họ là rất kém. Nếu các biện pháp hạn chế không được dỡ bỏ kịp thời, cuộc sống của họ sẽ trở nên bi kịch".
Theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, các hạn chế đi lại sau Tết nguyên đán đã cản trở các lao động nhập cư Trung Quốc trở lại nơi làm việc, điều này có thể khiến thu nhập của họ mất 800 tỷ nhân dân tệ chỉ trong tháng 2 và 3. Nếu cộng với thiệt hại của những người tự kinh doanh, con số này có thể lên tới 1.500 tỷ nhân dân tệ hoặc 3-4% tổng thu nhập của hộ gia đình Trung Quốc.