Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon trả lời phỏng vấn đài phát thanh Sputnik: “Đường dây nóng cứu nhiều mạng sống, vì nó giúp các bên tránh được những hiểu nhầm. Giai đoạn đầu Nga hoạt động tại Syria xảy ra một sụ vụ, khi đó phi công Nga suýt vượt qua biên giới Israel tại Cao nguyên Golan. Nếu như đó là máy bay Syria, chúng tôi đã bắn hạ nó. Nhưng chúng tôi nhận ra đó là máy bay Nga và sử dụng ‘đường dây nóng’ để liên lạc với căn cứ không quân Hmeymim. ‘Máy bay của các anh đang sắp tiến vào không phận của chúng tôi. Chú ý’. Ngay lập tức sự cố được xử lí”.
Cựu Bộ trưởng Yaalon là một trong những người phát triển cơ chế chia sẻ thông tin nhằm ngăn chặn các vụ va chạm trên không cũng như những vụ tại nạn nguy hiểm khác giữa hai quốc gia kể từ năm 2015 khi Moskva triển khai chiến dịch không kích khủng bố tại Syria.
Tháng 9/2014, Israel từng bắn hạ một máy bay chiến đấu Syria, với cáo buộc máy bay này đã xâm phạm không phận Israel trên Cao nguyên Golan.
Cũng theo cựu Bộ trưởng Yaalon, Israel không cần thiết phải thông báo cho quân đội Nga về hoạt động của mình tại Syria. “Nó thậm chí không phải là một sự phối hợp. Người Nga không cần phải phối hợp hành động của họ với chúng tôi, và chúng tôi cũng không cần, và chúng tôi đều biết cách nhận diện máy bay của nhau. Chúng tôi có thể phân biệt Su-24 của Syria và Su-24 của Nga… Ngược lại, họ cũng nhận ra máy bay của chúng tôi và không can thiệp”.
Một kênh liên lạc trực tiếp giữa căn cứ Hmeymim gần tỉnh Latakia (Syria) và trung tâm chỉ huy Kirya ở thủ đô Tel Aviv được thiết lập từ mùa thu năm 2015, cùng thời điểm lực lượng Nga xuất hiện tại Syria.
Cựu Bộ trưởng Yaalon nhấn mạnh trong một vài tháng đầu, đường dây nóng đã đạt được những hiệu quả tích cực khi ngăn chặn một vụ suýt bắn hạ máy bay Nga.
“Cho đến tận giờ, không hề có bất kỳ một vụ tai nạn nào xảy ra do nhầm lẫn, như sự vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ Sukhoi của Nga tại phía bắc Syria. Chúng tôi có cách không ảnh hưởng đến nhau”, ông Yaalon giải thích.
Truyền thông quốc tế thường xuyên đưa tin Không quân Israel tấn công vào các đoàn quân sự và kho vũ khí tại Syria, ngay cả sau khi hệ thống phòng không của Nga được triển khai tại đây. Với những thông tin đó, Israel thường không đưa ra bất kỳ lời bình luận hay xác nhận nào. Tuy nhiên nước này luôn tuyên bố sẵn sàng sử dụng lực lượng nếu thấy cần thiết nhằm ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Iran tại biên giới phía bắc.
Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra cách đây 3 tháng. Đáp trả lại vụ xâm nhập của một thiết bị không người lái nghi vấn của Iran, không quân Israel đã tấn công một căn cứ ở Palmyra và dội bom xuống nhiều mục tiêu tại thủ đô Damascus, bao gồm các cơ sở và hệ thống tên lửa phòng không được cho là có “sự hiện diện của Iran”.
https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/israel-tung-suyt-ban-rung-may-bay-nga-tham-chien-tai-syria-20180506093846144.htm