Đặc nhiệm Mỹ đang chiến đấu trên tiền tuyến Syria, trong một chiến dịch mới nhắm vào thủ phủ Raqqa của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nhưng tại Iraq, một câu chuyện hoàn toàn khác đang diễn ra: Iran, chứ không phải Mỹ, mới là đầu tàu trong chiến dịch đánh chiếm đại bản doanh của IS tại thành phố Fallujah.
Ở ngoại ô Fallujah, hàng chục nghìn binh sĩ Iraq, sĩ quan cảnh sát, và dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn đã và đang tiến hành những đợt công kích nhắm vào thành phố của người Sunni này.
Về phần minh, Iran cũng điều các cố vấn quân sự cấp cao, trong đó có đích thân Tư lệnh Đặc nhiệm tinh nhuệ Quds - Tướng Qassem Soleimani, tới phối hợp chỉ huy chiến dịch.
Tướng Soleimani sẽ trực tiếp tham gia cố vấn và chỉ huy trận đánh Fallujah. Ảnh: PressTV.ir
Theo đánh giá của New York Times, trận chiến tại Fallujah đã trở thành một ví dụ điển hình của việc lợi ích quốc gia Mỹ và Iran có thể cùng lúc vừa giao thoa, vừa xung khắc tại Iraq.
Cả hai đều muốn đánh bại IS, nhưng Mỹ luôn e ngại sự hiện diện của dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn sẽ "đổ thêm dầu vào lửa", bùng nổ giao tranh giáo phái với người Sunni ở thành phố này.
Mỹ ủng hộ chính phủ Iraq, tham gia huấn luyện và cố vấn quân đội Iraq, nhưng tầm ảnh hưởng của Washington vẫn bị Iran, thế lực ngoại bang hùng mạnh nhất tại Iraq, che mờ. Và khi giao tranh ngày một gia tăng tại Fallujah, Mỹ ngày càng khó xử.
Bên trong thành phố, hàng chục nghìn người dân theo dòng Sunni đang bị cô lập, bỏ đói, thiếu thuốc thang chữa bệnh. Nhiều người thậm chí còn bị IS bắn chết khi đang tìm cách bỏ trốn, số khác thiệt mạng sau những màn đạn pháo qua lại giữa hai bên.
Mỹ có hàng nghìn binh sĩ tại Iraq, và đã huấn luyện cho quân đội Iraq trong suốt hai năm qua, nhưng gần như đã trở thành "người ngoài cuộc" trong trận Fallujah.
Nhưng điều Washington lo ngại không phải là việc họ không có công trong trận này, mà là viễn cảnh sự hiện diện của các tay súng Shiite do Iran hậu thuẫn sẽ thổi bùng làn sóng giao tranh giáo phái - nguyên nhân chủ đạo dẫn tới sự phát triển của IS tại Iraq.
Tuần trước, khi liên quân Iraq và dân quân Shiite chiếm được một vài ngôi làng và trung tấm thành phố Karma, phía đông bắc Fallujah, giọng điệu giáo phái đã bắt đầu hiện hữu.
Một ví dụ là việc nhóm dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn đã tạc tên Sheikh Nimr al-Nimr, giáo sĩ dòng Shiite bị Saudi Arabia xử tử hồi đầu năm, lên đạn pháo trước khi bắn sang Fallujah.
Ngoài ra, một đoạn video đang lan truyền rộng khắp đã ghi lại hình ảnh lãnh đạo nhóm dân quân Shiite kêu gọi nhắm vào người dân thành phố Fallujah để báo thù, bởi trong quan điểm rất nhiều người Iraq theo dòng Shiite, người dân thành phố này ủng hộ IS.
"Fallujah là đại bản doanh của khủng bố suốt từ năm 2004 đến nay. Không có kẻ nào yêu nước, không có kẻ nào sùng đạo ở Fallujah hết. Đây là cơ hội để chúng ta loại bỏ những mầm mống này ra khỏi Fallujah" - lãnh đạo dân quân Shiite Aws al-Khafaji phát biểu.
Các tay súng dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn luôn là trợ thủ đắc lực của quân đội Iraq, nhưng họ cũng có những "tác dụng phụ" nhất định. Ảnh: Reuters
Về phần mình, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết ông không ủng hộ quan điểm của lãnh đạo dân quân Khafaji, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên bảo vệ dân thường trong các chiến dịch công kích, cũng như ra lệnh mở các hành lang nhân đạo cho phép người dân rời khỏi thành phố an toàn.
Lãnh tụ người Shiite Ayatollah al-Sistani cũng thể hiện sự lo ngại trước tình hình hiện nay. "Hãy làm theo những lời răn dạy của Chúa: không giết người già, phụ nữ, và trả em, không cướp bóc, không chặt phá cây trừ phi bắt buộc... Cứu một mạng người vô tội còn quan trọng hơn loại bỏ một kẻ địch" - ông nói.
Để giảm bớt lo ngại về xung đột giáo phái tại Fallujah, các quan chức Iraq, trong đó có Thủ tướng Abadi, cũng như lãnh đạo các lực lượng dân quân Shiite cho biết họ sẽ tuân thủ một kế hoạch tác chiến trong đó kêu gọi các tay súng dân quân không tàn phá thành phố.
Nếu họ không kiềm chế như đã cam kết, thì nhiều khả năng Mỹ sẽ đẩy mạnh chiến dịch không kích, như những gì Washington đã làm trong trận đánh Ramadi năm ngoái. Khi đó, các tay súng Shiite do Iran hậu thuẫn chỉ đứng ngoài làm "khán giả".
Rõ ràng Mỹ không muốn tham gia sâu về mặt quân sự tại Iraq nữa, nhưng với mối nguy ngại từ giao tranh giáo phái, Washington có lẽ không còn lựa chọn nào khác.