“Thông báo chính vào ngày mai sẽ là tăng mức độ làm giàu uranium lên 5% từ mức 3,67% mà chúng tôi đã nhất trí theo thỏa thuận,” một quan chức Iran nói hôm 6.7 với Reuters.
Theo thỏa thuận với 6 cường quốc thế giới, Iran có thể tinh chế uranium tới 3,67% nguyên liệu phân hạch, thấp hơn nhiều so với mức 20% mà họ đạt được trước khi có thỏa thuận và khoảng 90% phù hợp để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Hãng tin Fars bán chính thức của Iran đưa tin nhà đàm phán hạt nhân cao cấp Abbas Araqchi sẽ thông báo cắt giảm hơn nữa những cam kết của Iran đối với thỏa thuận tại một cuộc họp báo lúc 10h30 phút (giờ địa phương) ngày 7.7 tại Tehran.
Thông báo được hoạch định này là một trở ngại đối với Anh, Pháp và Đức, những nước đồng kí kết thỏa thuận mà từ nhiều tháng qua đã nỗ lực thuyết phục Iran tiếp tục theo đuổi thỏa thuận.
Iran nói rằng Châu Âu đã làm “quá ít, quá muộn” để cứu vãn thỏa thuận bằng cách bảo vệ các lợi ích kinh tế của Iran khỏi các chế tài của Mỹ.
Washington đã thắt chặt những hạn chế đó từ tháng 5, ra lệnh cho tất cả các nước và các công ty ngừng nhập khẩu dầu của Iran, bằng không sẽ bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Mỹ cũng đã điều thêm binh sĩ đến khu vực để chống lại điều mà họ mô tả là những mối đe dọa từ Iran.
Phản ứng về các chế tài cứng rắn của Mỹ, Iran hồi tháng 5 tuyên bố sẽ rút lại các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân sau thời hạn 60 ngày cho các nước Châu Âu đồng kí kết thỏa thuận để bảo vệ các lợi ích kinh tế của Iran khỏi các chế tài của Mỹ.
Tuy nhiên, tuần trước Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói tất cả các biện pháp mà Iran thực hiện “có thể đảo ngược được” nếu các bên khác trong thỏa thuận giữ đúng lời hứa của mình.
Trong một diễn biến khác, ngày 6.7 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Tổng thống Iran Hassan Rouhani rằng ông rất quan ngại trước bất kỳ sự suy yếu nào nữa của thoả thuận hạt nhân năm 2015 và cảnh báo hậu quả trước những động thái này.
Để ngỏ cánh cửa đối thoại, ông Macron nói rằng mặc dù hạn chót là ngày 7.7, nhưng ông đồng ý với người đồng cấp Iran gia hạn đến ngày 15.7 để nối lại đối thoại giữa tất cả các bên về thoả thuận hạt nhân Iran.
Trong khi đó, kênh truyền hình nhà nước Iran cho biết, Iran không sẵn sàng cho cuộc đối thoại như vậy trừ khi tất cả các lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ. “Việc dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt đối với Iran có thể bắt đầu động lực mới giữa Tehran với các nước P5+1” - truyền hình Iran nêu rõ.