Instagram đã có tính năng phát hiện fake news, không cẩn thận có thể bị "bay màu"

D.N |

Có vẻ như Facebook và Instagram đang tăng cường nỗ lực chống lại tin tức "lá cải" một cách triệt để.

Instagram sẽ bắt đầu áp dụng quy trình xác thực thông tin (fact-checking) tương tự như Facebook để hạn chế các bài đăng lan truyền thông tin xấu xuất hiện thay vì gỡ xuống hoàn toàn. Về cơ bản, công việc Instagram sắp tiến hành giống như những gì Facebook đang làm ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Bất kỳ bài đăng nào có thông tin sai lệch nghiêm trọng sẽ được gửi đến địa điểm cũng đang làm việc với Facebook; ở đó, những người kiểm định thông tin sẽ quyết định có nên hạn chế phạm vi tiếp cận của nguồn tin này hay không.

Trên Instagram, các bài đăng bị gắn cờ là có tin tức sai lệch sẽ ngừng hiển thị trong tab Explore và trong các kết quả khi người dùng tra hashtag. Phát ngôn viên của Instagram nói với Poynter rằng việc làm này có khả năng tự động chống lại những bài đăng sai sự thật được chia sẻ trên cả Facebook và Instagram.

Instagram đã có tính năng phát hiện fake news, không cẩn thận có thể bị bay màu - Ảnh 1.

Mặc dù nỗ lực ngăn tình trạng sai lệch thông tin – thường là bài đăng về thuyết âm mưu - trên một nền tảng lớn như Instagram chắc chắn là một điều đáng hoan nghênh, chúng ta nên cân nhắc một số vấn đề ở đây.

Đầu tiên, nhiều người tự hỏi tại sao Facebook và Instagram lại chọn cách giới hạn phạm vi tiếp cận của các bài đăng như trên thay vì chỉ gỡ xuống.

Cụ thể, nếu người dùng Instagram theo dõi một tài khoản có đăng nội dung phản cảm, người dùng vẫn sẽ thấy bài đăng đó.

Thứ hai, có vẻ như Instagram không thực hiện tất cả các bước tương tự đối với các nguồn tin lá cải như Facebook. Theo trang Poynter, trên Facebook, bất cứ ai cố gắng chia sẻ một bài đăng bị gắn cờ sẽ bị cảnh cáo, còn Instagram dường như sẽ không gắn nhãn những bài đăng như vậy hoặc không cho phép người dùng tương tác với chúng.

Tính năng xác thực thông tin của Facebook đã không được đón nhận rộng rãi kể từ khi công ty bắt đầu tiến hành vào cuối năm 2016. Nguồn kiểm định thông tin phổ biến Snopes đã công khai tách khỏi Facebook vào đầu năm nay, sau khi một cựu nhân viên của Snopes nói rằng hoạt động này của công ty gần giống như chiêu trò PR.

Facebook cũng đã thiết lập một "phòng chiến tranh" để chống lại nạn tin giả trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ vào năm 2018. Phòng chiến tranh sau đó không còn tồn tại vào cuối tháng 11, nhưng ít nhất Facebook đã tiếp tục chống lại nguồn tin giả mạo trước cuộc bầu cử ở các quốc gia khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại