Huyền thoại võ lâm đánh một đòn làm đối thủ tử vong, một mình hạ 3 samurai Nhật Bản

Tiểu Mã |

Sinh thời, huyền thoại của làng võ Trung Hoa – Đỗ Tâm Ngũ từng nhiều lần khiến giới võ lâm phải khiếp đảm nhờ vào kỹ năng võ thuật thượng thừa của mình.

Võ thuật Trung Quốc thế kỷ 20 có ba nhân vật huyền thoại được giới võ lâm gọi là "đại hiệp", sở hữu võ công cái thế gồm Hoắc Nguyên Giáp (Tân Môn đại hiệp), Lã Tử Kiếm (Trường Giang đại hiệp) và Đỗ Tâm Ngũ (Quan Đông đại hiệp). Trong số này, Đỗ Tâm Ngũ từng được coi là một "thần đồng" võ thuật rồi sau này trở thành đại cao thủ, gương mặt nổi tiếng bậc nhất của Tự Nhiên Môn – phái võ độc đáo được kết hợp giữa công phu Võ Đang và Thiếu Lâm.

"THẦN ĐỒNG" VÕ THUẬT VÀ CUỘC HỘI NGỘ BẬC CHÂN SƯ THEO CÁCH KHÔNG AI NGỜ NỔI

Đỗ Tâm Ngũ là huyền thoại võ thuật sinh năm 1869 trong một gia đình giàu có ở thành phố Trương Gia Giới thuộc tỉnh Hồ Nam. Vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ thuật nên Đỗ Tâm Ngũ được truyền dạy Kungfu từ rất sớm, từ năm lên 6 tuổi.

Năm lên 8, cha của Đỗ Tâm Ngũ qua đời, khiến cả gia đình ông suy sụp. Tuy nhiên, theo lời khuyên của một người quản gia, Đỗ Tâm Ngũ đã bái Dương Kế - một võ sư nổi tiếng ở Trương Gia giới làm sư phụ. Theo Baidu, từ khi còn rất trẻ, Đỗ Tâm Ngũ đã có ý chí hơn người. Ông học văn hóa ban ngày và chăm chỉ luyện võ vào buổi tối. Dù còn nhỏ tuổi nhưng Tâm Ngũ thường xuyên luyện võ tới tận nửa đêm.

Huyền thoại võ lâm đánh một đòn làm đối thủ tử vong, một mình hạ 3 samurai Nhật Bản - Ảnh 1.

Chân dung huyền thoại võ thuật Đỗ Tâm Ngũ.

Vài năm sau, Đỗ Tâm Ngũ đã tham gia một phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Thanh. Ông buộc phải trốn khỏi Trương Gia Giới rồi tìm đến tỉnh Vân Nam. Tại đây, với mục đích tìm một thầy dạy võ mới, Tâm Ngũ đã viết thông báo rồi đăng trên một góc phố, rằng nếu ai có thể đánh bại ông, ông sẽ trọng thưởng rồi nhận người đó làm sư phụ.

Sau đó, có nhiều người đã xin giao đấu với Tâm Ngũ nhưng tất cả đều thất bại. Cho tới một ngày nọ, Tâm Ngũ đã gặp một người ăn mày rất lùn có tên là Từ Ải Sư. Tâm Ngũ không tin rằng mình lại để thua bởi Từ có chiều cao quá khiêm tốn. Thế nhưng, khi hai bên giao đấu, Từ Ải Sư chỉ cần dùng đúng một chiêu đã khiến Tâm Ngũ bị đo ván.

Sau màn tỉ thí, Tâm Ngũ biết rằng sư phụ Từ Ải Sư chính là một cao thủ ẩn danh nên đã xin nhận người này làm sư phụ. Tâm Ngũ được Từ Ải Sư truyền dạy nhiều kỹ thuật của Tự Nhiên Môn (môn phái võ thuật mang phong cách Đạo giáo nổi tiếng ở Trung Quốc). Chính cơ duyên này giúp Đỗ Tâm Ngũ về sau trở thành cao thủ cực kỳ nổi tiếng của phái Tự Nhiên Môn.

Nhận thấy Tâm Ngũ có tố chất thiên bẩm, sư phụ Từ Ải Sư đã truyền dạy hết những sở học của mình cho đồ đệ. Hai thầy trò vừa tập võ vừa hành tẩu khắp mọi miền ở Trung Quốc trong suốt mấy năm liền, cho tới khi Tâm Ngũ lên 16 tuổi.

Điều đặc biệt là rất lâu sau khi bái sư, Tâm Ngũ mới thực sự biết rằng sư phụ Từ Ải Sư chính là một vị cao thủ lẫy lừng đến từ tỉnh Tứ Xuyên, một cái nôi của nền võ cổ truyền Trung Hoa. Sư phụ Từ là bậc thầy có khối kiến thức đồ sộ và trình độ võ công thượng thừa, từ khi còn bé đã theo học Võ Đang, Thiếu Lâm Kungfu.

Sau đó, chính sư phụ Từ đã kết hợp giữa công phu phái Võ Đang và Thiếu Lâm để sáng tạo ra môn phái Tự Nhiên Môn, mang hàm ý rằng võ thuật phải thuận theo tự nhiên, không bị ràng buộc bởi bất kỳ một quy tắc nào. Do Từ Ải Sư là người sáng lập ra Tự Nhiên Môn nên Đỗ Tâm Ngũ cũng chính là đệ tử đầu tiên của phái võ này.

Từ Ải Sư vốn rất khét khe với Đỗ Tâm Ngũ. Theo Baidu thì sinh thời, Đỗ Tâm Ngũ thi thoảng lại sử dụng thuốc phiện từ khi còn rất trẻ nhưng ông đã che giấu thói quen này với sư phụ của mình. Có một lần, do phát hiện thấy đệ tử dùng lén dùng thuốc phiện, Từ Ải Sư đã rất tức giận. Ông thẳng tay ném người đệ tử từ trên cầu xuống sông. Sau khi để đồ đệ uống no nước và sắp ngất đi, Từ Ải Sư mới nhảy xuống sông để vớt Tâm Ngũ lên bờ. Kể từ bữa đó, Tâm Ngũ không bao giờ động tới thuốc phiện nữa.

Huyền thoại võ lâm đánh một đòn làm đối thủ tử vong, một mình hạ 3 samurai Nhật Bản - Ảnh 2.

ĐẠI CAO THỦ TỪNG MỘT ĐÒN ĐOẠT MẠNG ĐỐI THỦ, LÀM NGƯỜI NHẬT KHIẾP SỢ

Theo Baidu thì từ năm 1887, khi mới 18 tuổi, với võ công tuyệt đỉnh cùng với bản lĩnh hơn người, Đỗ Tam Ngũ đã tới Trùng Khánh để làm nghề bảo tiêu. Có một lần, sau khi hoàn thành nhiệm vụ hố tống một chuyến hàng từ Trùng Khánh đến Vân Nam và Qúy Châu, Tâm Ngũ trở về Tứ Xuyên bằng đường rừng. Trong đêm hôm ấy, Tâm Ngũ đã gặp một nhóm cướp nhưng bằng kỹ năng võ thuật đỉnh cao, ông đã một mình đánh bại tất cả bang cướp, giải cứu được một số phụ nữ bị bọn chúng bắt cóc.

Những năm sau đó, Đỗ Tâm Ngũ nổi lên là một đại cao thủ võ thuật, tên tuổi lừng danh khắp đất nước Trung Quốc. Năm 1889, sau khi hành tẩu giang hồ khắp nơi, ông đặt chân tới Bắc Kinh để dựng nghiệp.

Sau thời gian khá dài dậy võ, làm vệ sĩ ở Bắc Kinh thì cho tới năm 1904, Đỗ Tâm Ngũ sang Tokyo Nhật Bản để du học. Trong quãng thời gian này, Đỗ Tâm Ngũ đã làm người Nhật vô cùng nể phục bởi khả năng võ thuật thượng thừa của mình. Có một lần, Tâm Ngũ bị một chiến binh samurai rất giỏi môn Judo thách đấu. Thế nhưng, ngay tại đất Nhật, Tâm Ngũ đã hạ gục đối thủ vô cùng chóng vánh chỉ sau chưa tới 1 phút.

Một tháng sau đó, Đỗ Tâm Ngũ tiếp tục bị thách đấu nhưng lần này, ông một mình đánh với 3 võ sĩ là những chiến binh samurai người Nhật. Kết quả của màn tỉ thí lần này còn ấn tượng hơn lần trước bởi Đỗ Tâm Ngũ đã hạ gục cả ba chiến binh samurai. Sau sự kiện này, tên tuổi của Đỗ Tâm Ngũ càng nổi như cồn trong giới võ Nhật Bản.

Tới năm 1905 (năm 36 tuổi), Đỗ Tâm Ngũ trở về Trung Quốc để tham gia phong trào cách mạng chống lại triều đình Mãn Thanh. Ông được tuyển chọn trở thành vệ sĩ riêng của Tôn Trung Sơn.

Huyền thoại võ lâm đánh một đòn làm đối thủ tử vong, một mình hạ 3 samurai Nhật Bản - Ảnh 3.

Đỗ Tâm Ngũ (phải) và nhà cách mạng lừng danh Tôn Trung Sơn.

Theo Baidu thì có một lần vào khoảng những năm 1920, Triệu Kim Bưu – một võ sư nổi tiếng khắp phía Bắc Trung Quốc, sở hữu tới hơn 1000 đệ tử đã thực hiện một âm mưu để "kết liễu" Đỗ Tâm Ngũ. Nhân vật này tổ chức một "bữa tiệc" ở Bắc Kinh rồi mời Tâm Ngũ tới tham dự với mục đích muốn đoạt mạng Tâm Ngũ ngay tại đây.

Biết được ý đồ của đối thủ nên Tâm Ngũ đã tới dự "bữa tiệc" với một bộ áo giáp ở bên trong. Buổi tối hôm đó, Triệu Kim Bưu đã lén dùng dao đâm một nhát vào vùng sườn xuyên qua cả áo giáp của Tâm Ngũ. Do không thể nhẫn nhịn được nữa, Tâm Ngũ đã đánh trả bằng một đường quyền khiến Kim Bưu bị nôn ra máu rồi chết ngay sau đó. Theo Baidu, sau sự kiện này, tên tuổi của Đỗ Tâm Ngũ càng nổi trong giới võ lâm.

Đến thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Đỗ Tâm Ngũ tham gia phong trào cách mạng rồi từng bị người Nhật bắt giam, nhưng ông lại trốn thoát. Sau đó, ông trốn đến Trùng Khánh, tiếp tục tham gia phong trào cách mạng chống lại đế quốc Nhật Bản. Trong giai đoạn này, Đỗ Tâm Ngũ từng đánh bại nhiều võ sĩ Nhật Bản, trở thành nỗi ác mộng với các chiến binh xứ Phù Tang.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Nhật kết thúc, Đỗ Tâm Ngũ tiếp tục sự nghiệp dạy võ. Ông từng đánh bại rất nhiều cao thủ lừng lẫy, tiêu biểu phải kể tới Trịnh Mạn Thanh (1902-1975), Lưu Ba Xuyên (1870–1964)… Đỗ Tâm Ngũ cũng chính là sư phụ của Vạn Lại Thanh (võ sư rất nổi tiếng sinh năm 1903, mất năm 1992).

Thế nhưng, dù là một đại cao thủ, một khí công sư nổi tiếng nhất của võ lâm Trung Hoa, Đỗ Tâm Ngũ cũng không thể thoát khỏi quy luật sinh lão bệnh tử của tạo hóa. Vào năm 1953, do tái phát chấn thương, Đỗ Tâm Ngũ đột ngột qua đời ở tỉnh Hồ Nam, hưởng thọ 84 tuổi.

Cho đến nay, Đỗ Tâm Ngũ được coi là một tượng đài sừng sững, tên tuổi sánh ngang với Hoắc Nguyên Giáp hay Lã Tử Kiếm. Ông cũng là huyền thoại nổi bật hàng đầu của làng võ Trung Quốc ở thế kỷ 20.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại