Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 với nhiều điểm mới. Hà Nội định hướng mô hình phát triển đô thị là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm. Trong đó, đô thị trung tâm gồm Đô thị phía Nam sông Hồng; Đô thị Long Biên và Gia Lâm.
Cụ thể, thành phố cho biết sẽ rà soát, phân bổ lại quy mô dân cư trên địa bàn khu vực này để bổ sung phù hợp nhu cầu và quy mô phát triển, phù hợp với định hướng phát triển khu vực bắc sông hồng thành quận hoặc thành phố trực thuộc thành phố.
Đáng chú ý, Hà Nội mở rộng không gian phát triển đô thị khu vực phía đông huyện Gia Lâm và phát triển khu vực này theo hướng đô thị nén, cao tầng với bán kính khoảng 0,5 - 1km xung quanh khu vực ga đường sắt đô thị. Cùng với đó là phát triển không gian công cộng, thương mại dịch vụ, tổ hợp văn phòng, giao dịch cao tầng trên các trục đường vành đai, hướng tâm, đường chính đô thị.
Bao giờ lên quận?
Đến nay, huyện Gia Lâm đánh giá đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận. Huyện đã hoàn thành Đề án thành lập quận và Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập quận, phường thuộc huyện trình các cấp có thẩm quyền, đảm bảo kế hoạch TP giao. Huyện cũng hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri trên địa bàn đối với phương án thành lập quận Gia Lâm với tỷ lệ trên 99%. Ban Chấp hành Đảng bộ TP và HĐND TP đã tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.
(Ảnh: Người Lao Động).
Trước đó, sáng ngày 22/9, tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, chủ trương lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên hơn 116 km2, dân số hơn 300.000 được các đại biểu HĐND TP Hà Nội tán thành thông qua.
Theo đó, quận Gia Lâm mới gồm 16 phường, được thành lập trên cơ sở 22 xã, thị trấn cũ.
Đáng chú ý, 12 xã và thị trấn gồm thị trấn Yên Viên, xã Yên Viên, xã Trung Mầu, Phù Đổng, Đình Xuyên, Dương Hà, Kim Sơn, Phú Thị, Bát Tràng, Đông Dư, Văn Đức, Kim Lan sẽ gộp còn 6 phường .
Lên quận, Gia Lâm được xác định là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía đông của Thủ đô với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao. Cơ sở hạ tầng được xây dựng theo định hướng phát triển công nghiệp gắn với đô thị và dịch vụ.
Ở cửa ngõ nối thủ đô với tam giác kinh tế vùng Đông Bắc gồm Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh, Gia Lâm là điểm đến của chiến lược di cư, giải quyết bài toán quá tải hạ tầng nội đô. Liên tục trong 2 năm qua, cùng với Đông Anh, Gia Lâm được Hà Nội ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng thành quận trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Những năm qua, Gia Lâm tập trung phát triển kinh tế và đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2023, cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 10,02% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 8.914 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2022; giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 7.929 tỷ đồng, tăng 15,45%; giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 1.090,2 tỷ đồng, tăng 1,55%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện ước đạt 4.467,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 75,8 triệu đồng/người/năm.