Huyện Văn Lâm nằm ở phía Bắc của tỉnh Hưng Yên có vị trí chiến lược tiếp giáp Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương. Cùng hệ thống giao thông đa dạng, Văn Lâm là một trung tâm công nghiệp - thương mại quan trọng, phát triển bậc nhất tỉnh Hưng Yên.
Năm 2021, tổng thu ngân sách huyện Văn Lâm đạt hơn 3.224 tỷ đồng. Năm 2022, huyện Văn Lâm thu 9.359 tỷ ngân sách, đạt 411% kế hoạch do có đóng góp lớn từ thuế sử dụng đất của khu đô thị Đại An (Vinhomes Ocean Park 3 - The Crown).
Dự án thuộc xã Tân Quang, thị trấn Như Quỳnh huyện Văn Lâm và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Khu đô thị Đại An có tổng diện tích quy hoạch lên đến 293,96 ha với tổng mức đầu tư dự án khoảng 32.661 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD).
Trong nhiều năm qua, huyện Văn Lâm cũng thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ sản xuất hiện đại. Với mỏ nước ngầm rất lớn, nguồn khoáng chất lượng 20.000 năm tuổi, huyện là nơi công ty nước khoáng Lavie chọn để đặt nhà máy từ năm 2002 đến nay. Trong ảnh là nhà máy Lavie.
Năm 2021, giá trị sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp toàn huyện đạt trên 106.740 tỷ đồng, tăng 12,79% so với năm 2020. Huyện có 3 khu công nghiệp lớn với tổng diện tích hơn 10 km2 gồm: Như Quỳnh, Tân Quang, khu công nghiệp tập trung Phố Nối A và 10 cụm công nghiệp, thu hút 630 doanh nghiệp hoạt động, trên 2.100 hộ sản xuất kinh doanh tạo việc làm thường xuyên cho hơn 55.000 lao động. Các cụm công nghiệp làng nghề phát triển với tốc độ nhanh chóng.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của Văn Lâm giai đoạn 2015 – 2020 đạt gần 12,5%/năm. Trong cơ cấu kinh tế của huyện năm 2021, lĩnh vực Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và Thương mại - Dịch vụ chiếm tỷ trọng 96,43%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 75,52 triệu đồng.
Thương mại - dịch vụ phát triển tại các khu vực trung tâm. Trên địa bàn huyện hình thành nhiều trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân. Trong ảnh là một góc trung tâm thương mại Như Quỳnh Center.
Với nguồn thu ngân sách lớn, huyện Văn Lâm đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng, các khu đô thị, hệ thống giao thông... một cách đồng bộ.
Huyện đã và đang đầu tư hình thành các khu đô thị mới và các dự án đô thị quy mô, như Tổ hợp Trung tâm thương mại và Nhà phố tại thị trấn Như Quỳnh (Vincom), Khu đô thị Đại An, khu nhà ở và dịch vụ đô thị công nghiệp Như Quỳnh, khu dân cư mới Ngọc Đà, khu nhà ở Vic - Trọng Nhân, khu dân cư Trưng Trắc - Đình Dù, khu chợ và nhà ở thương mại Như Quỳnh Center…
Văn Lâm cũng là địa phương tập trung nhiều làng nghề. Các làng nghề trên địa bàn huyện ngày càng mở rộng quy mô, đẩy mạnh các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Một số làng nghề nổi tiếng có thể kể đến như làng đúc đồng Lộng Thượng (xã Đại Đồng), làng nghề chế biến dược liệu Nghĩa Trai (xã Tân Quang).
Nông nghiệp huyện Văn Lâm cung cấp các sản phẩm chủ yếu như lúa, hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau… Những năm gần đây, Văn Lâm chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Đông của thủ đô Hà Nội, Văn Lâm có nhiều tuyến đường quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối với các vùng trọng điểm, là động lực thúc đẩy giao thương trong và ngoài tỉnh như tuyến quốc lộ 5A, tỉnh lộ 385, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.
Văn Lâm cũng là huyện duy nhất của Hưng Yên có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi ngang qua.
Văn Lâm là địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa. Nhiều di tích vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Trong ảnh là Làng Nôm - ngôi làng cổ duy nhất còn sót lại của phố Hiến thuộc xã Đại Đồng. Ngôi làng cổ kính có quần thể di tích cổng làng, cầu, chợ, giếng nước, sân đình… tuổi đời hàng trăm năm.
Huyện Văn Lâm có diện tích 74,42 km2, dân số đạt 133.027 người (theo Tổng điều tra dân số 2019), với 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc bao gồm thị trấn Như Quỳnh và 10 xã. Trong ảnh là Trụ sở UBND huyện.
Huyện Văn Lâm đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ đô thị hóa 72%, trở thành trung tâm cấp tỉnh về công nghiệp - dịch vụ, đầu mối giao thông trọng điểm, hình thành đô thị công nghiệp, dịch vụ, khoa học kỹ thuật phát triển bền vững.