Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua việc sáp nhập toàn bộ huyện Hoành Bồ (843,54 km2 diện tích tự nhiên, dân số 51.003 người) vào thành phố Hạ Long (275,58 km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người). Sau khi sáp nhập, thành phố Hạ Long trở thành thành phố trực thuộc tỉnh rộng nhất Việt Nam với 1.119,2 km2, xấp xỉ với diện tích thành phố Đà Nẵng.
Sau khi thực hiện sáp nhập, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các dự án công trình trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, kết nối giao thông nhằm giảm khoảng cách, chênh lệch về hạ tầng giữa các khu vực; nhất là các tuyến giao thông kết nối khu vực các xã phía Bắc với khu vực trung tâm thành phố và khu vực lân cận. Trong ảnh là trung tâm thị trấn Trới (nay là phường Hoành Bồ).
Tiêu biểu là cầu Tình Yêu (còn gọi là cầu Cửa Lục 1), được thiết kế với 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến 4.265m, nối huyện Hoành Bồ (cũ) và TP Hạ Long. Trong đó, cầu chính được thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê tông, rộng 33,1m, dài 290m.
Dự án được khởi công ngày 28/4/2020 với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng và được chính thức đưa vào sử dụng ngày 1/1/2022. Công trình hoàn thành không chỉ tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân hai bờ vịnh Cửa Lục mà còn kết nối các khu công nghiệp, hệ thống đường cao tốc, khai thác lợi thế đất đai khu vực phía bắc TP Hạ Long.
Tiếp sau dự án cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3 tiếp tục được triển khai. Cầu dài 2,6km, 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Cầu Cửa Lục 3 được khởi công từ cuối tháng 9/2020. Dự án được kỳ vọng không chỉ kết nối giao thông mà còn có giá trị là điểm du lịch, ngắm cảnh.
Hiện nay, khối lượng dự án đã đạt trên 50%, đã hợp long nhịp cầu chính và vòm thép cầu có chiều rộng 90m, cao 40m); mặt cầu đã đổ bê tông đạt 105m/170m…
Hạng mục khó khăn nhất hiện nay là thi công đường dẫn phía Hoành Bồ với mục tiêu đảm bảo hoàn thành theo tổng thể tiến độ dự án, bù tiến độ chậm trước đó. Để đạt mục tiêu này, các nhà thầu đang đẩy mạnh thi đua, tập trung thi công đắp đường công vụ, đắp đất nền đường dẫn.
Trên địa bàn xã Thống Nhất (thuộc Hoành Bồ cũ), dự án tuyến đường Đồng Cao - Đò Bang được khởi công xây dựng từ tháng 5/2021, vừa mới hoàn thành. Theo thiết kế, tuyến đường dài 2,47km, rộng 21,5m (gồm 14,5m lòng đường và 3,5m vỉa hè), có hệ thống thoát nước. Vỉa hè được lát đá tự nhiên. Hệ thống điện được hạ ngầm. Đèn điện chiếu sáng bằng đèn LED hai bên…
Dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển, cải thiện điều kiện giao thông, tạo cảnh quan môi trường, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn mới tiến tới đưa xã Thống Nhất lên phường trước năm 2023. “Trước kia đường rất nhỏ hẹp, chỉ khoảng 5m, không vỉa hè, không hệ thống thoát nước và bụi rất nhiều. Kể từ khi đường được mở rộng, bà con nhân dân chúng tôi rất phấn khởi, tin tưởng vào đường lối đúng đắn khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long”, ông Nguyễn Hồng Thái (63 tuổi, thôn Làng, xã Thống Nhất) chia sẻ.
Bên cạnh các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản cũng được triển khai mạnh mẽ. Ngay cạnh dự án cầu Cửa Lục 3, dự án Khu đô thị Diễm Loan Hoành Bồ - Emerald Bay Hạ Long đang được xây dựng trên diện tích trên 23 ha với quy mô 435 lô đất nền nhà liền kề, biệt thự, nhà phố thương mại. Dự án nằm trên trục đường chính phường Hoành Bồ với một mặt bám đường lớn, một mặt hướng vịnh Cửa Lục nên dễ dàng di chuyển tới những địa điểm nối tiếng của TP Hạ Long.
Theo quan sát, hiện dự án đã thi công xong các hạng mục vỉa hè, cây xanh, đường giao thông, cột đèn chiếu sáng công cộng. Trong ảnh, các công nhân đang thi công hạng mục trạm biến áp.
Dự án Khu đô thị ven sông Trới nằm tại trung tâm phường Hoành Bồ ( thị trấn Trới cũ) có tổng diện tích trên 77ha, trải dọc theo bai bên sông Trới. Thông qua đường Quốc lộ 279, người dân có thể dễ dàng kết nối trung tâm thành phố Hạ Long thông qua cầu Tình Yêu.
Sau khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào Hạ Long, khu đất từng là trụ sở huyện uỷ trở thành trường THPT. Điều này giúp cho thầy và trò có không gian học tập rộng gấp 5 lần, có đầy đủ trang thiết bị và đón nhận bằng công nhận trường chuẩn quốc gia sau 10 năm chờ đợi.
Bản đồ thành phố Hạ Long sau sáp nhập. Đồ hoạ: Báo Quảng Ninh.