Hủy diệt máy bay không người lái "triệu đô": Không cần Nga trợ lực bằng S-400, Iran vẫn khiến Mỹ "ngộp thở"?

Quốc Vinh |

Với khả năng bắn hạ máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk vừa được chứng minh từ hệ thống phòng không Khordad 3, Iran có thể chưa cần đến S-400 mà vẫn có thể tự mình ứng phó bằng sức mạnh nội tại.

Vụ việc Iran bắn hạ máy bay trinh sát không người lái RQ-4A Global Hawk hồi tuần trước được cho là lần đầu tiên một trong những vũ khí giám sát tân tiến của Lầu Năm Góc bị bắn hạ trên bầu trời.

Giới quan sát tin rằng, diễn biến trên không chỉ cho thấy nguy cơ chiến tranh cận kề giữa hai nước mà còn là bài học đáng chú ý dành cho Mỹ. Giờ đây, Washington có lẽ không nên chủ quan và cần phải đánh giá lại về khả năng quân sự của Tehran đã tăng tiến đến nhường nào.

"Chúng thực sự hoạt động", Jeremy Binnie, biên tập viên các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi tại Jane's Defence Weekly, nói về khả năng phòng không của Iran. Vụ việc "nhấn mạnh rằng khi người Iran thực sự nghiêm túc, người ta sẽ phải chú ý đến sức mạnh của họ", ông nói với CNN.

"Chúng ta biết về khả năng tên lửa đạn đạo của Iran, nhưng không thể không nhắc đến khả năng phòng không".

RQ-4A không phải chỉ là một chiếc máy bay không người lái đơn giản. Với giá thành lên tới 110 triệu USD mỗi chiếc, Global Hawk cần đến ba người vận hành từ xa.

Với bề ngang rộng bằng sải cánh một máy bay Boeing 737, RQ-4A có thể di chuyển với vận tốc 800km/h, hoạt động trinh sát trên độ cao 18,288m, tránh đường bay của các tên lửa đất đối không.

Để đối phó với nguy cơ bị tấn công, máy bay trinh sát của Mỹ còn được trang bị hệ thống radar cảnh báo , hệ thống gây nhiễu và tính năng thả mồi nhử đánh lạc hướng.

Kích thước của RQ-4A "không phải là mục tiêu khó khăn" đối với Iran, chuyên gia Binnie nhấn mạnh. "Một vài năm trước đây, việc bắn hạ máy bay của Mỹ sẽ là một bất ngờ, nhưng hiện tại, hệ thống phòng không của họ ấn tượng hơn rất nhiều".

Mặc dù năng lực của Iran chưa thể đe dọa quân đội Mỹ, nhưng vụ bắn hạ máy bay không người lái mới nhất cho thấy, đôi khi Tehran có thể tạo ra những tác động lớn dựa trên một nỗ lực nhỏ.

Với sức mạnh của mình, Mỹ có thể chiến thắng bất kỳ cuộc xung đột nào chỉ trong thời gian ngắn, nhưng sự khéo léo của Iran sẽ khiến cho khả năng tốc chiến tốc thắng của Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống phòng không Khordad 3

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) cho biết, họ đã sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không Khordad 3 – biểu tượng sức mạnh phòng không của nước này để chống lại công nghệ không người lái hiện đại mà người Mỹ khuấy đảo trên bầu trời.

Hủy diệt máy bay không người lái triệu đô: Không cần Nga trợ lực bằng S-400, Iran vẫn khiến Mỹ ngộp thở? - Ảnh 2.

Khordad 3.

Khordad 3 lần đầu tiên được công bố vào năm 2014, có phạm vi hoạt động lên tới 75 km và có thể đánh chặn ở tầm cao 30 km, theo truyền thông Iran.

Giới phân tích tin rằng, tên lửa bắn hạ máy bay RQ-4A được phóng ra từ một bệ phóng di động của Iran từ khoảng cách 70 km.

Trong khi Mỹ đã liên tục cải tiến phi đội máy bay không người lái kể từ khi Global Hawk lần đầu tiên được đưa vào phục vụ cách đây 13 năm, Iran cũng cho thấy rằng họ có nhiều tên lửa tiên tiến hơn so với loại đã bắn hạ máy bay không người lái tuần trước.

10 ngày trước khi sự cố xảy ra, Iran đã tiết lộ một bản nâng cấp mới của Khordad 3 có phạm vi hoạt động gần gấp đôi và cũng là một sản phẩm "cây nhà lá vườn", kết hợp từ công nghệ thuần túy trong nước và kỹ thuật đảo ngược trong nhiều năm qua.

Chuyên gia Binnie cho biết, người Iran đã mua hoặc tự phát triển công nghệ radar giúp cải thiện việc nhắm mục tiêu từ xa. "Chúng tôi không thực sự hiểu làm thế nào các hệ thống dẫn đường này có thể hoạt động", ông nói.

Binnie nói thêm rằng góc tấn công của tên lửa dường như cho thấy nó đã tiếp cận máy bay không người lái từ phía Tây, thay vì đuổi theo từ phía sau – điều cho thấy tên lửa được chỉ hướng tương đối hiệu quả.

Đây không phải là lần đầu tiên Iran chiến thắng trước công nghệ Mỹ. Iran từng bắn hạ một máy bay không người lái tàng hình RQ-170 vào năm 2011 và được cho là đã thiết kế lại một biến thể khác từ đống đổ nát.

Thời gian qua, đã có những tin đồn về việc Iran hỏi mua hệ thống phòng không S-400 của Nga giữa tình hình căng thẳng ngày càng nóng bỏng với Mỹ. Cả phía Moscow và Tehran đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Tuy nhiên, với khả năng phòng không vừa được chứng minh từ Khordad 3, Iran có thể chưa cần đến S-400 mà vẫn có thể tự mình ứng phó bằng sức mạnh nội tại.

Không đơn giản chỉ là việc mất đi một máy bay không người lái đắt tiền, nó còn cho thấy rằng Iran hoàn toàn có thể mang đến bất ngờ khi người Mỹ muốn có một cuộc chiến tranh trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại