Hưởng ứng lời kêu gọi Cần Vương, Phan Đình Phùng cùng nhiều thủ lĩnh đứng lên khởi nghĩa

B.T sưu tầm, SGK Sử 8 |

Phong trào Cần Vương được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trên khắp cả nước. Nhiều cuộc nổi dậy họp thành những cuộc khởi nghĩa lớn, tiêu biểu là Ba Đình, Bãi Sậy và Hương Khê

Khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 1887)

Ba Đình thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Lợi dụng địa hình của ba làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mĩ Khê, những người lãnh đạo phong trào Cần vương ở Thanh Hoá đã cho xây dựng ở đây một chiến tuyến phòng thủ kiên cố.

Chỉ huy cứ điểm là Phạm Bành và Đinh Công Tráng. Nghĩa quân gồm cả người Kinh, người Mường, người Thái... tham gia.

Hưởng ứng lời kêu gọi Cần Vương, Phan Đình Phùng cùng nhiều thủ lĩnh đứng lên khởi nghĩa - Ảnh 1.

Công sự phòng thủ Ba Đình

Cuộc chiến đấu bắt đầu quyết liệt từ tháng 12 - 1886 đến tháng 1 - 1887. Khi giặc Pháp mở cuộc tấn công quy mô vào căn cứ, nghĩa quân đã anh dũng cầm cự trong suốt 34 ngày đêm, đẩy lui nhiều đợt tấn công của giặc. Cuối cùng, để chấm dứt cuộc vây hãm, quân giặc liều chết xông vào. Chúng phun dầu thiêu trụi các luỹ tre, triệt hạ và xoá tên ba làng trên bản đồ hành chính.

Nghĩa quân phải mở đường máu rút lên Mã Cao, thuộc miền Tây Thanh Hoá, tiếp tục chiến đấu thêm một thời gian rồi tan rã.

Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892)

Ngay từ năm 1883, ở vùng Bãi Sậy (Hưng Yên) đã diễn ra các hoạt động của nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của Đinh Gia Quế. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương của Hàm Nghi, phong trào kháng Pháp ở đây lại bùng lên mạnh mẽ. Người đứng đầu cuộc khởi nghĩa này là Nguyễn Thiện Thuật.

Ông từng làm Tán tương quân vụ tỉnh Hải Dương. Khi triều đình kí Hiệp ước 1883, Nguyễn Thiện Thuật trở về quê (Mĩ Hào, Hưng Yên) mộ quân, lập căn cứ kháng chiến. Dưới quyền ông còn có các tướng lĩnh khác, hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau.

Nguyễn Thiện Thuật (1844 – 1926)

Dựa vào vùng lau sậy um tùm và đầm lầy thuộc các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mĩ..., nghĩa quân đã xây dựng căn cứ kháng chiến và triệt để áp dụng chiến thuật du kích đánh địch.

Trong những năm 1885 - 1889, thực dân Pháp phối hợp với lực lượng tay sai do Hoàng Cao Khải cầm đầu, mở cuộc tấn công quy mô vào căn cứ nhằm tiêu diệt nghĩa quân.

Sau những trận chống càn liên tiếp, lực lượng nghĩa quân bị suy giảm và rơi vào thế bị bao vây, cô lập. Đến cuối năm 1889, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc, phong trào tiếp tục một thời gian rồi tan rã.

Khởi nghĩa Hương Khê (1885- 1895)

Lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa là Phan Đình Phùng. Ông từng làm quan Ngự sử trong triều đình Huế. Do cương trực, thẳng thắn, dám phản đối việc phế lập của phe chủ chiến nên ông đã bị cách chức, đuổi về quê. 

Tuy vậy, năm 1885 ông vẫn hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, đứng ra mộ quân khởi nghĩa và trở thành thủ lĩnh có uy tín nhất trong phong trào Cần vương ở Nghệ - Tĩnh.

Bên cạnh Phan Đình Phùng còn có nhiều tướng lĩnh tài ba khác, tiêu biểu là Cao Thắng.

Hưởng ứng lời kêu gọi Cần Vương, Phan Đình Phùng cùng nhiều thủ lĩnh đứng lên khởi nghĩa - Ảnh 2.

Lược đồ căn cứ Hương Khê

Từ năm 1885 đến năm 1888, nghĩa quân lo tổ chức, huấn luyện, xây dựng công sự, rèn đúc khí giới và tích trữ lương thảo... Lựcc lượng nghĩa quân được chia thành 15 quân thứ (đơn vị). Mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 người, phân bố trên địa bàn bốn tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Họ đã tự chế tạo được súng trường theo mẫu súng của Pháp.

Từ năm 1888 đến năm 1895 là thời kì chiến đấu của nghĩa quân. Dựa vào vùng rừng núi hiểm trở, có sự chỉ huy thống nhất và phối hợp tương đối chặt chẽ, nghĩa quân đã đẩy lui nhiều cuộc hành quân càn quét của địch.

Để đối phó, thực dân Pháp tập trung binh lực và xây dựng một hệ thống đồn bốt dày đặc nhằm bao vây, cô lập nghĩa quân. Đồng thời, chúng mở nhiều cuộc tấn công quy mô vào Ngàn Trươi, là căn cứ chính của cuộc khởi nghĩa.

Nghĩa quân phải chiến đấu trong điều kiện ngày càng gian khổ hơn, lực lượng suy yếu dần. Sau khi chủ tướng Phan Đình Phùng hi sinh ngày 28 - 12 - 1895, cuộc khởi nghĩa được duy trì thêm một thời gian rồi tan rã.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 8, tr. 128-129-130.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại