Sau Giọng hát Việt 2012, Hương Tràm liên tiếp dính phải hàng loạt scandal không đáng có. Những scandal này như tai bay vạ gió, theo hiệu ứng domino đổ dồn lên vai cô ca sĩ nhỏ bé, để rồi vô tình khiến công chúng đánh giá thấp năng lực của cô.
Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau các scandal là một Hương Tràm đáng gờm, giống như "ngọa hổ tàng long" của nhạc Việt.
Ở Vpop hiện nay, đa số là các giọng nữ cao mảnh nhẹ, âm sắc sáng (light lirico soprano). Thông thường, giọng nữ sẽ chỉ dày và tối hơn khi có tuổi.
Hương Tràm thì khác. Dù còn rất trẻ, nhưng cô đã sớm sở hữu chất giọng nữ trung trữ tình (lirico mezzo soprano) có âm sắc đanh dày, khác hẳn những ca sĩ Vpop khác.
Hương Tràm lần đầu xuất hiện trên Giọng hát Việt
Xuất hiện trên sân khấu Giọng hát Việt 2012 khi mới chỉ 17 tuổi, Hương Tràm đã tỏ rõ là một nữ trung độc đáo, khác biệt với hầu hết các giọng nữ tại mùa thi năm đó.
Âm sắc giọng của Hương Tràm khá đặc biệt. Xét về ngũ cung, nó không thuần nhất như các ca sĩ khác mà pha trộn giữa kim và mộc.
Tính kim xuất hiện ở một giọng nữ trung như Hương Tràm càng tăng thêm độ rền, xuyên thấu và có chút hơi đanh, hát quãng trung chắc nịch nhưng lên cao thì sáng chói.
Trong khi đó, tính mộc lại giúp giọng cô trở nên ấm áp, mềm mại và có độ xốp, hơi tối khi hát nhẹ nhàng. Nhờ vậy, Hương Tràm hát nửa giọng (mezza voce) rất ngọt, mềm, không bị chua hay lố. Những đoạn head voice piano (nhỏ vừa dần) của cô tạo cảm giác soft và êm ái, nhưng vẫn đầy đặn, không hề bị mỏng.
Sự tổng hòa này tạo nên lợi thế to lớn giúp Hương Tràm thể hiện tốt những bản power ballad một cách cảm xúc, tự nhiên mà không cần gồng gánh để cố tỏ ra giọng khỏe như nhiều ca sĩ khác.
Trên thực tế, Hương Tràm thể hiện rất tốt mảng power ballad, khi thì nhẹ nhàng, du dương, khi lại căng tràn nội lực.
Không những vậy, Hương Tràm còn tạo được nhiều sắc thái giọng trong ca hát. Khi belt giọng ở quãng trung, Hương Tràm đạt tới độ dày và nặng của một nữ trung (mezzo). Nhưng khi chuyển sang mixed voice hoặc falsetto, giọng hát của cô lại sáng và bay như một nữ cao (soprano).
Có thể thẫy rõ điều này qua ca khúc Với em là mãi mãi. Ở những đoạn chuyển giọng nhẹ nhàng, Hương Tràm hát khá giống Phương Linh (một giọng nữ cao nổi tiếng), nhưng đến khi belt giọng, cô lại trở về là chính mình, với quãng âm dày và vững chãi.
Rõ ràng, nếu xét về âm sắc, giọng hát của Hương Tràm đặc biệt hơn nhiều so với thế hệ cùng trang lứa như Văn Mai Hương, Dương Hoàng Yến, Hòa Minzy (hầu hết là nữ cao)… Chỉ cần cô cất giọng lên thôi cũng đủ nổi bật và khiến ai cũng phải nhận ra.
Một điểm đặc biệt khác là quãng giọng của Hương Tràm khá rộng nếu so với một nữ trung thông thường tại Việt Nam. Tổng quãng giọng của cô lên tới gần 3 quãng (C3 tới Bb5).
Với em là mãi mãi - Hương Tràm
Bình thường, Hương Tràm hát bằng giọng ngực (chest voice) trên quãng trung rất dày, đúng chất nữ trung. Thậm chí, cô còn có thể control phần belt xuống tận nốt trầm B3 hệt một nữ trung trầm (mezzo alto).
Thế nhưng, Hương Tràm cũng có thể vút giọng pha (mixed voice) tới tận F5, F#5 như một nữ cao thực thụ. Các note cao của Hương Tràm nếu được hỗ trợ (supported) tốt hơn thì hoàn toàn có thể so sánh với Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương.
Nếu đặt Hương Tràm lên cùng bàn cân với các giọng nữ trung trầm (mezzo alto) ở Việt Nam như Thu Phương, Khánh Ly, Thanh Lam, Uyên Linh, Ngọc Anh… mới càng thấy được sự đặc biệt ở cô gái trẻ này.
Hương Tràm cover Hurts của Christina Aguilera
Hương Tràm belt B3
Trong khi các giọng nữ trung trầm trên thường nổi trội ở quãng trung sâu, dày thì Hương Tràm ngoài ưu điểm đó còn có thể lên được những nốt rất cao bằng giọng thật (không tính giả thanh) với âm sắc sáng đẹp. Lợi thế này, không phải ai cũng có.
Tất nhiên, Hương Tràm vẫn phải rèn luyện lâu dài mới bằng được các đàn chị. Nhưng ở độ tuổi của cô mà có được giọng hát như vậy đã là điều đáng quý.
Danh ca Bảo Yến từng nói rằng, cô ít nghe nhạc trẻ ngày nay, cũng không thích ca sĩ trẻ nào, nhưng khá ấn tượng với giọng hát Hương Tràm.
Hương Tràm belt F5
Phải biết rằng, Bảo Yến vốn rất khó tính. Ngay cả đồng nghiệp và thế hệ trước, cô cũng sẵn sàng phê bình thẳng thắn và ít khi vừa ý với ai. Bởi thế, Hương Tràm hẳn phải rất đặc biệt và "đáng gờm" mới gây được ấn tượng lớn với Bảo Yến.
Tiếng hát khủng long – to tới rè loa
Hương Tràm bẩm sinh có dung tích phổi to và thể lực tốt nên âm lượng giọng hát khá lớn, có thể ngang với các đàn chị như Thu Phương, Uyên Linh, Thanh Lam… và nếu sử dụng đúng kĩ thuật sẽ còn "khủng" hơn nữa.
Hương Tràm là một trường hợp rất lạ. Cô thường làm rè loa mỗi khi belt giọng trên quãng trung, dù không hề dùng hết sức. Điều này chứng tỏ âm lượng giọng hát của cô cực kì lớn.
Chẳng hạn trong màn trình diễn ca khúc Như chưa bắt đầu, các note belt F4, A4, A#4 và B4 của Hương Tràm rất đầy đặn, khỏe khoắn, không cộng hưởng nhiều nhưng vẫn lấp đầy sân khấu và cảm xúc, nghe không mệt tai.
Hương Tràm hát Như chưa bắt đầu
Đặc biệt, C5 belting của cô to tới rè cả loa dù chưa dùng hết sức, nhưng nghe vẫn không hề phô diễn hay quá lố.
Trong khi đó, các note nhả chữ nhẹ nhàng trên D4, Eb4 lại rất ấm áp, ngọt ngào, còn light mixed A#4 cũng mềm mại, nối legato mịn màng, cảm xúc.
Đi kèm âm lượng lớn là độ dày tự nhiên hiếm có ở quãng trung. Đây là một lợi thế lớn của Hương Tràm.
Trong màn trình diễn ca khúc Cơn mưa tình yêu, các note quãng trung của Hương Tràm dày và chắc khỏe tới mức át cả Trúc Nhân, rè loa, dù cô hát rất bình thường, không hề phô diễn.
Cô belt F#4 ở chữ "nữa" thoải mái nhưng lại dày và tối như một tenor. Ở điểm này, Hương Tràm hoàn toàn có thể tự tin đứng cùng các giọng trung trầm khác như Thanh Lam, Thu Phương, Hoàng Quyên…
Hòa Minzy được xem là một giọng nữ nội lực, nhưng cũng lép vế hoàn toàn trước Hương Tràm. Các note trầm G3, G#3 cũng support tốt. Cách nhả chữ lại khá tinh tế, cảm xúc.
Hương Tràm song ca cùng Hòa Minzy
Hương Tràm song ca cùng Trúc Nhân
Dù phải hát chung với giọng giọng spinto soprano (nữ cao trữ tình kịch tính) Leanne Mitchell, Hương Tràm cũng không quá lép vế ở quãng trung, dù cô hơi hạ thanh quản.
Hương Tràm thường sử dụng kĩ thuật cộng hưởng tại vị trí âm thanh vùng xoang mặt để tạo độ vang cho giọng hát.
Cách cộng hưởng quãng trung của Hương Tràm
Khi dùng đúng kĩ thuật này, giọng hát của cô được giải phóng, tạo ra luồng âm lượng lớn và độ lan tỏa mạnh mẽ, lấp đầy toàn bộ không gian, nghe rất hào sảng và lồng lộng. Cách hát này khiến người nghe liên tưởng tới Whitney Houston hay Thanh Lam.
Hương Tràm belt A4 A#4 khi hát My heart will go on
Các nốt cao trên E5 vượt khỏi quãng hát thoải mái (tessitura) của Hương Tràm nên cô không đạt tới tối đa âm lượng, nhưng nghe vẫn rất nội lực, căng tràn.
Với tố chất giọng hát của mình, Hương Tràm hoàn toàn có thể sánh với các đàn chị Uyên Linh, Hoàng Quyên nếu chịu khó rèn luyện, theo đuổi một dòng nhạc cao cấp hơn. Thế nhưng, cô lại đi theo nhạc trẻ mang hơi hướm thị trường.
Tuy nhiên, điều này không làm Hương Tràm trở nên dễ dãi trong việc xử lí ca khúc như nhiều ca sĩ Vpop khác. Nhờ cái chất của một người được học hành bài bản vốn đã in sâu trong giọng hát, nên Hương Tràm vẫn có những cách thể hiện kĩ thuật khá tinh tế.
Dù có giọng hát khỏe khoắn, âm lượng lớn, nhưng khi hát pop ballad, Hương Tràm lại thường bỏ nhỏ và chuyển giọng sang falsetto rất mượt mà, kết hợp cùng mezza voce (hát nửa giọng) ngọt ngào. Khi hát ballad, Hương Tràm thường lướt nhẹ nhàng trên legato và có lối nhả chữ khá tương đồng với Hồ Quỳnh Hương.
Cách chuyển vị trí âm thanh của Hương Tràm cũng khá linh hoạt. Cô có thể chuyển liên tục từ vị trí này sang vị trí khác trong lúc nhả chữ, giúp các câu hát được kiểm soát một cách đầy ý tứ, lúc mạnh lúc nhẹ, lúc dày lúc mỏng, lúc trầm lúc bổng, nghe rất vừa phải và cảm xúc.
Không những vậy, Hương Tràm còn có cách nhảy nốt khi nhả chữ rất giàu nhạc tính, chêm xen các đoạn vibrato tròn trịa, không thừa, không thiếu. Chính điều này giúp Hương Tràm hát ballad rất ngọt nhưng không quá sến.
Airy voice (âm hơi) cũng được Hương Tràm sử dụng khá nhuần nhuyễn, giúp giọng có độ xốp và ấm áp hơn. Tất cả những điều trên đều được thể hiện rõ qua ca khúc Với em là mãi mãi.
Với em là mãi mãi - Hương Tràm
Nhờ khả năng tiết chế và điều khiển giọng hát thông minh này, Hương Tràm không bị đi vào lối mòn khoe giọng như nhiều vocalist khác mà vẫn hát rất thời trang, hợp thời. Đó chính là lí do vì sao nhạc của Hương Tràm luôn được lòng giới trẻ mà vẫn giữ được chất lượng.
Rất nhiều ca sĩ trẻ vẫn đang chọn các bài hát của Hương Tràm để hát trong các cuộc thi, vì nó vừa giúp họ thể hiện được kĩ thuật, giọng hát, lại vừa có độ "catchy", nghe rất hấp dẫn, lôi cuốn.
Đây là minh chứng lớn cho thành công của Hương Tràm trong việc dung hòa giữa thị trường và chất lượng.
Về điểm này, Hương Tràm rất giống với Hồ Quỳnh Hương. Dù hát nhạc thị trường nhưng vẫn thể hiện nền tảng kĩ thuật tốt và xử lí có chiều sâu, không hời hợt, nhạt nhòa, đặc biệt ở mảng pop ballad.
Ngoài ra, Hương Tràm còn hát khá tròn vành, rõ chữ. Cô nhả chữ rất duyên dáng, cảm xúc, tinh tế và rõ ràng.
Phong cách nhả chữ của Hương Tràm cũng có một dấu ấn riêng, đậm màu pop ballad nhưng cũng mang hơi hướm R&B với cách sử dụng melisma/run/riff đậm đà.
Đó là kết quả của sự rèn luyện khi cô chuyển từ giọng miền Trung sang nói giọng Bắc, nên có ý thức hát chuẩn tiếng Việt. Hương Tràm nhả chữ rất chắc chắn, gọn gàng, tách bạch chữ nào ra chữ đó. Đây là điều cần có ở một vocalist.
Quãng chuyển giọng của Hương Tràm cũng khá linh hoạt, có màu sắc. Thông thường, cô phrase dày và tối, nhưng ở những đoạn hát treo lên tone lại pha giọng khá sáng, mượt mà.
Hương Tràm nhả chữ trên tận Eb5 sáng và cao
Độ dày và sâu là đặc trưng nổi bật nhất trong giọng hát của Hương Tràm nếu so với lứa ca sĩ trẻ ngày nay. Nó giúp cô từng trải và trưởng thành hơn trên sân khấu. Bởi vậy, dù hát nhạc trẻ và cũng còn ít tuổi, nhưng Hương vẫn Tràm thể hiện được nhiều khát khao, cháy bỏng và có chất "đàn bà" trong ca hát.
Dù khác dòng nhạc, nhưng dễ dàng nhận thấy một điểm chung giữa Hương Tràm và diva Thanh Lam là khi hát lúc nào cũng hừng hực nhựa sống và căng tràn đam mê. Họ hát như muốn "phát tiết" ra ngoài và hát để tạo bão tố, đốt lửa cảm xúc cho khán giả bằng sự mạnh mẽ của mình.
Hương Tràm thường hát nhẹ nhàng, dịu dàng lúc đầu, nhưng đến đoạn cao trào bao giờ cũng cuồn cuộn cảm xúc, dồn nén giọng hát để bộc phát ra ngoài như một cơn bão.
Không chỉ quãng trung, Hương Tràm còn có thể tung ra hàng loạt nốt cao đầy nội lực và bùng cháy, để khiến cảm xúc được thăng hoa trọn vẹn hơn, đồng thời phát huy hết giọng hát của mình.
Rất nhiều ca sĩ sẽ phải ghen tị với Hương Tràm, vì thường thì họ chỉ có thể bùng nổ ở quãng trung hoặc quãng cao, chứ không "cháy" được ở cả hai cữ âm trung và cao như cô.
Hương Tràm bùng nổ ở quãng trung
Hương Tràm bùng nổ ở quãng cao hơn
Chính sự "phát tiết" và bùng cháy này sẽ là cầu nối giúp Hương Tràm bước tới hàng ngũ diva tiệm cận. Phải có một cái tôi nghệ sĩ lớn và bản năng ca hát mạnh mẽ mới thể hiện được sự "dữ dội" trong ca hát như vậy.
Những nghệ sĩ sở hữu cái "chất" này ở Việt Nam không nhiều, chỉ có một vài người như Thanh Lam, Bảo Yến, Phương Thanh, Siu Black… và Hương Tràm là thế hệ kế tiếp.
Đến cả những đàn chị "đáng gờm" như Mỹ Tâm, Uyên Linh (gần giống type giọng) cũng chưa có được sự bùng cháy dữ dội trong ca hát như Hương Tràm.
Tất nhiên, Hương Tràm vẫn còn nhiều nhược điểm trong kĩ thuật và cần phải tìm tòi những dòng nhạc sâu, chất hơn nữa để bước tiếp con đường trở thành diva tiệm cận. Nhưng rõ ràng, ở thời điểm hiện tại, cô gái trẻ này đã là một vocalist đáng nể, với nhiều dấu ấn và năng lực đặc biệt.
Nhược điểm hiện tại của Hương Tràm là hát bị hạ thanh quản, nhiều khi dính cổ và chưa mở, kiểm soát hơi thở chưa tốt, dẫn tới thiếu hỗ trợ (supported) và bị căng thẳng (strain).
Nhưng với những tố chất trên, nếu sử dụng đúng kĩ thuật, Hương Tràm sẽ thực sự "hóa rồng", trở thành ca sĩ đáng nể của nhạc Việt.