Hướng dẫn bố trí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật

Văn Kiên |

Ban Tổ chức Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn bố trí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Ban Tổ chức Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn Điểm 3, Thông báo số 20 ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Hướng dẫn bố trí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật - Ảnh 1.

Hội nghị Trung ương 5 (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, đối với cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn, cán bộ làm đơn gửi ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi công tác.

Ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi cán bộ công tác họp, cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (gửi qua Ban Tổ chức Trung ương). Sau đó, Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.

Đối với cán bộ có nguyện vọng tiếp tục làm việc còn dưới 5 năm công tác, với cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; trao đổi với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác về việc thực hiện chủ trương của Đảng (gồm cả trường hợp cán bộ bị kỷ luật là người đứng đầu).

Sau đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; báo cáo ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi cán bộ công tác để cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị (qua Ban Tổ chức Trung ương).

Trên cơ sở ý kiến này, Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến (bằng văn bản) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan; tổng hợp ý kiến các cơ quan, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.

Với các chức danh khác của cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương, Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác về việc thực hiện chủ trương của Đảng.

Người đứng đầu có trách nhiệm trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; báo cáo ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi cán bộ công tác để cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương).

Trên cơ sở ý kiến này, Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến (bằng văn bản) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan; tổng hợp ý kiến, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.

Với trường hợp còn từ 5 năm công tác trở lên, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, quy trình xem xét tương tự như trường hợp cán bộ còn dưới 5 năm công tác.

Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm, cho từ chức, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, bố trí công tác khác đối với cán bộ theo thẩm quyền.

Trước đó, Thông báo số 20 ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ chủ trương khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bộ Chính trị định hướng: cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại