HUD “bất lực” tại dự án nghìn tỷ ở Mê Linh

Nghi Điền - Thủy Tiên |

Kinh doanh kém hiệu quả, hàng tồn kho lớn, HUD đang gặp nhiều khó khăn khiến nhiều dự án bất động sản của doanh nghiệp này vẫn đang dang dở.

Năm 2008, khi Mê Linh chính thức sáp nhập về Hà Nội, thị trường bất động sản nơi đây trở thành một trong những điểm nóng và giá nhà đất nhanh chóng được đẩy lên cao ngất. Vào thời điểm đó, giá đất các dự án tại Mê Linh đều đạt ngưỡng từ 18 – 22 triệu đồng/m2.

Rất nhiều chủ đầu tư đã đổ về đây để “xí” đất, chọn vị trí đẹp để đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhưng sau đó gần như tất cả đều phải ngậm “trái đắng”. Trong đó có Tổng Công ty ĐTPT nhà và đô thị HUD với dự án “đất vàng” tại Mê Linh.

Nằm ngay khu trụ sở mới của huyện Mê Linh nhưng dự án đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 do Tổng Công ty ĐTPT nhà và đô thị HUD làm chủ đầu tư vẫn “đắp chiếu” suốt nhiều năm qua.

Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh có diện tích 55,38ha với tổng mức đầu tư khoảng 810 tỷ đồng.

HUD “bất lực” tại dự án nghìn tỷ ở Mê Linh - Ảnh 1.

Dự án khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh của Tổng Cty HUD bỏ hoang gần chục năm qua trở thành nơi đổ phế liệu và làm bãi thả trâu bò của người dân

Theo quy hoạch, quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và thương mại có diện tích 65.981m2, đất ở biệt thự 135.721m2, đất giáo dục 38.070m2, đất ở xây mới 261.602m2, đất giao thông chính khu vực 21.309m2 và nhiều đất sử dụng khác.

Ngoài ra, dự án bố cục không gian kiến trúc và cảnh quan với điểm nhấn là trung tâm của dự án là khối nhà ở cao 15 tầng kết hợp dịch vụ thương mại…

Dự án được giao đất gần chục năm, Tổng Cty HUD cũng đã đền bù, giải phóng mặt bằng. Khoảng 10 ha đất đã được đầu tư hạ tầng đường giao thông, trồng cây, san lấp. Song thực trạng nơi đây cho thấy dường như chủ đầu tư đã “bỏ quên” dự án này trong nhiều năm qua.

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, tại các ô đất kí hiệu CT-01+CT-02, CT-05, CT-06, CT-07 và CT-08.

Theo quyết định, khu vực điều chỉnh cục bộ quy hoạch có diện tích khoảng 52.367m2; quy mô dân số 3.150 người.

Theo quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 được duyệt, các ô đất CT-01+CT-02, CT-05, CT-06, CT-07 và CT-08 được xác định chức năng đất ở xây mới (nhà ở xã hội) với chiều cao công trình 9 tầng, nay điều chỉnh giảm chiều cao công trình xuống 6 tầng và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc liên quan.

Về hạ tầng kĩ thuật, giữ nguyên nguồn cấp và mạng lưới đường dây đường ống xung quanh các ô đất CT-01+CT-02, CT-05, CT-06, CT-07 và CT-08 theo đồ án quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 được duyệt tại Quyết định số 5630/QĐ-UBND ngày 12/11/2010.

UBND TP Hà Nội đã có điều chỉnh là vậy, song chủ đầu tư dự án là Tổng Cty HUD vẫn chưa có chuyển biến gì.

Theo ghi nhận của PV ngày 26/3/2017, trên toàn bộ dự án hiện nay chỉ có một nhà điều hành, một vài lô đất được quây tôn nhưng không có dấu hiệu thi công. Đất bỏ hoang nhiều năm, cỏ mọc um tùm và trở thành nơi chăn thả trâu bò của người dân nơi đây.

Theo tìm hiểu của PV, giá đất thổ cư, sổ đỏ ở xã Đại Thịnh chỉ khoảng 2 triệu đồng/m2. Tại những vị trí “đắc địa” nhất cũng chỉ từ 3-5 triệu đồng/m2. Giá đất nền rẻ, nên người dân không có nhu cầu mua chung cư. Đó có thể là lý do mà Tổng Cty HUD không đầu tư thêm vào dự án đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2.

Dự án nghìn tỷ nằm tại vị trí đất vàng của huyện Mê Linh, chủ đầu tư cũng đã bỏ ra cả trăm tỷ đồng để đầu tư vào đây (chi phí GPMB, xây dựng cơ bản), nhưng dường như Tổng Cty HUD đang “bất lực” trước dự án đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 và phải để dự án này “đắp chiếu”.

HUD “bất lực” tại dự án nghìn tỷ ở Mê Linh - Ảnh 2.

HUD “bất lực” tại dự án nghìn tỷ ở Mê Linh - Ảnh 3.

HUD “bất lực” tại dự án nghìn tỷ ở Mê Linh - Ảnh 4.

HUD “bất lực” tại dự án nghìn tỷ ở Mê Linh - Ảnh 5.

Từ vị thế một trong những đơn vị hàng đầu của Bộ Xây dựng, HUD những năm gần đây lâm vào tình cảnh khó khăn trước sự trỗi dậy của các tập đoàn xây dựng tư nhân. 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu bán hàng của HUD đạt 388,5 tỷ đồng, tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ 2015 (403 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế là 9,7 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lãi trên vốn chủ chỉ ở mức 0,4%.

Không những yếu kém xét về hiệu quả hoạt động, hàng tồn kho cũng là một nỗi “ám ảnh” nữa đối với Chủ tịch HĐTV Nghiêm Văn Bang và các cộng sự, khi số dư chỉ tiêu này tại ngày 30/6/2016 là 5.897 tỷ đồng, chiếm tới 60% tổng tài sản (9.605 tỷ đồng).

Trong diễn biến đáng chú ý, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa qua đã có chỉ đạo Bộ Xây dựng phải thoái vốn nhà nước tại 4 tổng công ty trực thuộc, trong đó vốn nhà nước tại HUD phải được thoái về còn 51% đến hết năm 2019.

Không chỉ HUD đang bất lực trước các dự án ở huyện Mê Linh, rất nhiều chủ đầu tư cũng đang sa lầy tại đây như: Khu nhà ở Minh Giang Đầm Và - Công ty TNHH Minh Giang; Khu đô thị Chi Đông, khi chủ đầu tư là Vinaconex 9 chỉ thực hiện việc chia lô bán nền rồi bỏ; Dự án khu đô thị Hà Phong - chủ đầu tư Công ty cổ phần Hà Phong; Dự án Rose Valley - CTCP Vĩnh Sơn…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại