Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Bắc Kinh đã hứa sẽ mở ra các ngành nghề sinh lợi cho các doanh nghiệp ngoài như ngân hàng, viễn thông và thanh toán điện tử.
Nhưng sau 17 năm, ngành viễn thông Trung Quốc vẫn còn nằm dưới sự quản lý của chính phủ. Chỉ cho đến gần đây, Bắc Kinh tuyên bố sẽ cho phép các công ty nước ngoài tiến hành các hoạt động ngân hàng tại Trung Quốc. Sau gần 20 năm, Trung Quốc vẫn đang xem xét yêu cầu đưa các ứng dụng của Visa và Mastercard vào thị trường thanh toán của Trung Quốc, The New York Times (NYT-Mỹ) cho biết.
Hiện nay, phái đoàn đại diện thương mại hai nước đang bắt đầu phiên thảo luận mới tại Bắc Kinh - diễn ra trong hai ngày 14-15/2.
Lời hứa của Trung Quốc
Theo báo Mỹ, lời cam kết trên của Bắc Kinh vẫn đang tồn tại và họ còn phải đối mặt với hạn chót là ngày 2/3. Tổng thống Donald Trump từng cảnh báo sẽ tăng gấp đôi mức thuế mà chính phủ Mỹ áp dụng vào năm ngoái đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tờ này dẫn lời nguồn tin thân cận tiết lộ về cuộc đàm phán thương mại lần này, nhiệm vụ của Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng tài chính Steven Mnunchin chính là đảm bảo rằng: Nếu Bắc Kinh không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bất kỳ thỏa thuận chung nào cũng đều có cách thực thi hiệu quả.
Nguồn tin này nói thêm, đoàn đại biểu Mỹ mong muốn sẽ thiết lập một cơ chế tự động tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nếu xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tiếp tục tăng.
"Cuộc đàm phán đang phải đối mặt với những trở ngại lớn, bao gồm thực hiện những cam kết trước đó của Trung Quốc như thế nào hay Bắc Kinh liệu sẽ thực hiện các cam kết tiếp theo để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngừng chuyển giao công nghệ Mỹ và hạn chế trợ cấp của chính phủ đối với các doanh nghiệp hay không", NTY bình luận.
"Tại thời điểm này, dường như không có khả năng đạt được thỏa thuận toàn diện", Giáo sư Mark Wu, cựu quan chức thương mại Mỹ tại Trường Luật Harvard nói.
Trước đó, Tổng thống Trump phát biểu vào hôm thứ Ba rằng, nếu cảm thấy rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp, ông sẽ xem xét trì hoãn thời hạn chót ngày 2/3.
Phái đoàn đại diện thương mại Trung-Mỹ đã bắt đầu vòng đàm phán mới ở Bắc Kinh sáng 14/2. Ảnh: Tân Hoa Xã
“Nếu chúng tôi tiến gần tới mục tiêu có thể đưa ra một bản thỏa thuận thực sự, tôi có thể xem xét hoãn lại thời hạn chót áp dụng thỏa thuận", ông cũng nói, ông hy vọng rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng là "thỏa thuận thực sự chứ không phải chỉ là thỏa thuận hào nhoáng trong một năm".
Nhưng ông dường như cũng thừa nhận, không phải tất cả các vấn đề tồn tại đều có thể được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán. Trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng, nhà lãnh đạo Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng sẽ phải gặp nhau.
"Tại một số thời điểm, tôi mong muốn sẽ gặp ông Tập", Tổng thống Trump nói. Ông chỉ ra rằng, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ "đạt được nội dung thỏa thuận mà đoàn đại diện thương mại không thể đạt được".
Khó khăn trên bàn đàm phán
Giới nghiên cứu chính sách kinh tế của Trung Quốc cho rằng, thỏa thuận tạm thời giữa hai ông Trump - Tập ở Buenos Aires vào ngày 1/12/2018 không được chào đón ở Trung Quốc. Thỏa thuận về cơ bản cho phép Tổng thống Trump duy trì thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc phải hủy bỏ nhiều biện pháp trả đũa.
Sự bất mãn trong chính phủ Trung Quốc có thể là một trong những lý do khiến các cuộc đàm phán thương mại không đạt được nhiều tiến bộ. Trong cuộc họp giao ban tại Nhà Trắng ngày 31/1, các quan chức thương mại Mỹ đã chỉ ra rằng, đội ngũ đàm phán chưa thể đưa ra một bản dự thảo cho thỏa thuận cuối cùng.
Tuy nhiên, do trong quá khứ, chính phủ Trung Quốc thường không thực hiện các cam kết thương mại nên các nhà đàm phán Mỹ tin rằng, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm một cơ chế sẽ áp dụng thuế quan cao hơn nếu Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận, NYT viết.
Thực tế, cơ chế này đã từng bị chính phủ Trung Quốc phản đối quyết liệt.
Khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, tổ chức quốc tế này đã thông qua một nguyên tắc rằng nếu Trung Quốc tăng xuất khẩu dẫn đến phá vỡ thị trường nội địa của các quốc gia thành viên, các quốc gia thành viên được phép tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Trước đây, chính phủ cựu Tổng thống George W. Bush đã bốn lần từ chối áp dụng quy tắc này vì các cố vấn của ông quan ngại rằng động thái này sẽ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã sử dụng nó một lần vào năm 2009 để áp thuế đối với mặt hàng gia cầm hay lốp xe của Trung Quốc. Bắc Kinh ngay lập tức đã đáp trả, tuyên bố áp thuế đối với ô tô Mỹ cho đến khi nó bị hủy bỏ vào năm 2013.
Kể từ đó, tình hình thuế quan đã thay đổi. Việc áp dụng các quy định tương tự của WTO đối với Trung Quốc đã hết hạn vào năm 2013.
NYT cho biết, các nhà đàm phán của chính quyền Trump muốn tái sử dụng chiến lược này. Họ hy vọng, tình trạng kinh tế trì trệ hiện nay của Trung Quốc có thể sẽ giúp Washington loại bỏ những khó khăn trên bàn đàm phán.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc khẳng định, họ luôn thực hiện cam kết của mình nhưng hành động của họ đôi khi mất nhiều thơi gian hơn dự kiến.
"Ý định tái khởi động tăng thuế tự động theo quy định của WTQ là một trong những khó khăn của cuộc đàm phán thương mại lần này; ngoài ra, Washington còn mong muốn chính phủ Trung Quốc sẽ ngừng hỗ trợ các nhà xuất khẩu và thực hiện các biện pháp khác để giảm bớt sự quản lý của chính phủ đối với nền kinh tế", báo Mỹ bình luận.
Mặc dù hai nước còn nhiều bất đồng nhưng một số chuyên gia tin rằng, nếu hai bên nhất trí về cách thực hiện thỏa thuận thì khả năng sẽ đạt được tiến bộ lớn.
"Đây có lẽ là thời điểm tốt nhất để đối phó các chính sách bảo hộ của Trung Quốc", ông Michael Wessel, thành viên của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung, thuộc Quốc hội Mỹ nhận định.