Houthi lộ mục tiêu thực sự bất ngờ: Là nước BRICS 2 lần 'cứu nguy' Israel, quyền lực đến mức Mỹ dè chừng?

Tùng Chi |

Các chuyên gia đã đưa ra lời lý giải cho việc Houthi thừa biết nã tên lửa vào Israel không hiệu quả nhưng vẫn bắn.

Chuyên gia phân tích Zoran Kusovac của Al Jazeera - mạng truyền hình tin tức tiếng Arab tại Qatar mới đây đưa ra nhận định bất ngờ: Mục tiêu thực sự của Houthi không phải Israel, mà chính là Saudi Arabia.

Trong bối cảnh các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Gaza không có dấu hiệu giảm bớt, Houthi - một đồng minh khác của Hamas đã bước vào với danh nghĩa trợ giúp nhóm vũ trang này. Vậy thì vì sao giờ đây mục tiêu của họ lại "biến thành" Saudi Arabia?

Nước BRICS 2 lần 'cứu nguy' Israel

Saudi Arabia là nước thành viên mới gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Nếu dùng 2 cụm từ để mô tả về quốc gia này thì đó sẽ là "giàu có và quyền lực".

Theo tờ Newsweek, kể từ khi phát hiện ra trữ lượng dầu khổng lồ vào năm 1938, sức mạnh độc nhất của Saudi Arabia trong việc ổn định hoặc làm lay chuyển nền kinh tế thế giới đã buộc Mỹ, các đồng minh phương Tây và thậm chí cả Liên Hợp Quốc phải dè chừng. Riyadh cũng là thành viên chủ chốt và được coi là thủ lĩnh thực tế của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Trong cuộc xung đột đang bùng phát mạnh mẽ ở Gaza, Saudi không phải là bên tham chiến trực tiếp nhưng đã 2 lần kích hoạt động thái quân sự để phản ứng trước tình hình.

Lần đầu tiên là vào ngày 19/10. Theo tờ Wall Street Journal, Saudi Arabia đã tiến hành đánh chặn một trong những tên lửa hành trình do nhóm vũ trang Houthi ở Yemen bắn về phía Israel.

Các báo cáo ban đầu cho biết, đã có 5 tên lửa hành trình nhắm vào Israel. Tàu khu trục USS Carney của Mỹ bắn hạ 4 tên lửa trong số này. Tên lửa thứ 5 do phòng không Saudi Arabia đánh chặn.

Houthi lộ mục tiêu thực sự bất ngờ: Là nước BRICS 2 lần cứu nguy Israel, quyền lực đến mức Mỹ dè chừng? - Ảnh 1.

Lửa bùng lên sau vụ nổ được cho là tên lửa Houthi bị Saudi Arabia bắn hạ. Ảnh: Twitter

Tới đêm 4/11, theo tờ Jerusalem Post, Saudi Arabia một lần nữa kích hoạt hệ thống phòng không để đánh chặn tên lửa đạn đạo bắn từ phía Yemen nhằm vào Israel. Đoạn video - được cho là quay từ làng Alqan ở vùng Tabuk, phía tây bắc Saudi Arabia - đã ghi lại một vụ nổ trên bầu trời, dường như là cảnh tên lửa Houthi bị bắn hạ.

Nếu nhìn bề ngoài, Saudi Arabia dường như là quốc gia chẳng may "nằm không cũng trúng đạn" bởi vũ khí phóng từ Yemen đều đi qua phía tây Saudi Arabia rồi mới bay qua Jordan và vào Israel. Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Vì sao Saudi là mục tiêu thực sự của Houthi?

Theo chuyên gia Kusovac, sau ngày 19/10, Hải quân Mỹ và Saudi Arabia đánh chặn 5 tên lửa do Houthi bắn về phía Israel, ông đã cho rằng Houthi sẽ nhận thấy họ không nên lãng phí thêm đạn dược trong tương lai.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm vũ trang này đã không dừng lại. Ngày 31/10, Houthi tiếp tục phóng tên lửa hành trình và máy bay không người lái về phía Israel.

Mặc dù Saudi Arabia đã 2 lần đánh chặn tên lửa của Houthi trước khi chúng kịp bay xa hơn về phía Israel nhưng trên thực tế, Houthi chưa bao giờ có nhiều cơ hội bắn trúng các mục tiêu ở quốc gia Do Thái. Lý do là bởi Israel nằm cách Yemen hơn 2.000km, trong khi khoảng cách này đã là tầm bắn xa nhất của tên lửa Houthi.

Đó là chưa kể đến việc, để tiếp cận được Israel, tên lửa của Houthi phải qua mặt được các tàu Hải quân Mỹ đang tuần tra khu vực, sau đó là các tàu hộ tống mang tên lửa của Hải quân Israel đóng tại Biển Đỏ.

Houthi chắc chắn nhận thức được những hạn chế này và ngay cả khi một số ít tên lửa Houthi vượt qua được các "chướng ngại vật", chúng cũng chỉ có thể gây ra thiệt hại mang tính tượng trưng cho các mục tiêu ở Israel.

Vậy thì vì lý do gì nhóm vũ trang này vẫn tiếp tục bắn?

Houthi lộ mục tiêu thực sự bất ngờ: Là nước BRICS 2 lần cứu nguy Israel, quyền lực đến mức Mỹ dè chừng? - Ảnh 2.

Saudi Arabia mới là mục tiêu thật của Houthi?

Theo ông Kusovac, câu trả lời rất đơn giản: Với việc bắn các tên lửa hành trình, Houthi không tham gia vào một cuộc chiến quân sự, mà là một cuộc chiến chính trị. Mục tiêu thực sự của họ chính là Saudi Arabia - "kẻ thù không đội trời chung" tại Yemen.

Để hiểu rõ "mối thâm thù" này từ đâu tới, chúng ta cần nhìn lại lịch sử của Yemen và các cuộc cạnh tranh ở khu vực Vịnh Arab.

Yemen đã trải qua một cuộc cách mạng vào năm 1962, chấm dứt sự cai trị hàng thế kỷ của các giáo sĩ Hồi giáo Shia Zaidi. Bước ngoặt này đã thay đổi đất nước một cách sâu sắc. Ở vùng cao nguyên phía bắc, người Shia tuyên bố thành lập nước cộng hòa thân phương Tây (Cộng hòa Yemen), trong khi người Sunni ở phía nam thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen.

Sau một số cuộc nội chiến, đến năm 1990, sự chia rẽ sâu sắc giữa Yemen (khi đó đã thống nhất 2 vùng) và hầu hết các nước Arab lại bùng nổ. Yemen phản đối sự can thiệp của các quốc gia phi Arab nhằm trục xuất lực lượng Iraq ra khỏi Kuwait sau khi cựu Tổng thống Saddam Hussein phát động tấn công nước láng giềng.

Đáp trả thái độ của Yemen, Saudi Arabia - quốc gia ủng hộ sự can thiệp quân sự của Mỹ - đã trục xuất gần 1 triệu công nhân Yemen ra khỏi lãnh thổ của họ. Điều đó khiến Yemen, vốn đã nghèo, lại càng khó khăn về kinh tế.

Mọi chuyện chưa dừng ở đó. Cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng lâu dài ở Trung Đông giữa Iran và Saudi Arabia đã tìm thấy đấu trường mới tại Yemen khi cuộc nội chiến toàn diện nổ ra vào năm 2014.

Cả hai quốc gia đều can thiệp vào cuộc xung đột: Saudi Arabia dẫn đầu liên minh Arab - châu Phi đối đầu Houthi, Iran không trực tiếp điều quân đội tới nhưng dành sự hậu thuẫn toàn diện cho nhóm vũ trang này.

Đến năm ngoái, cuộc nội chiến đã phần nào hạ nhiệt, tuy nhiên hiện nay ở Yemen vẫn có hai "chính phủ" cạnh tranh nhau, cả hai đều không giành được toàn quyền kiểm soát đất nước.

Một bên là "Chính phủ Cứu quốc" của Houthi do Iran hậu thuẫn, có trụ sở ở thủ đô Sanaa và đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Chính phủ còn lại được phương Tây công nhận đang tập trung tại cảng Aden ở phía nam Yemen.

Trong lúc Gaza hứng chịu các đợt tấn công, sự hỗ trợ vũ trang gần như duy nhất mà Hamas nhận được đến từ Hezbollah. Từ ngày 7/10 cho tới ngày 19/10, các vụ phóng tên lửa của Houthi dường như chỉ diễn ra 1 lần.

Song, các đợt tấn công lặp đi lặp lại với quy mô lớn hơn của Houthi sau đó đang đặt ra một thực tế mới: Nhóm vũ trang này đang dần can dự vào cuộc xung đột Israel - Hamas, chỉ có điều họ nhắm tới mục tiêu khác.

Hôm 31/10, trong một tuyên bố trên truyền hình, người phát ngôn của Houthi Yahya Saree đã đe dọa sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm về phía Israel.

Lời đe dọa trên đã xác nhận phạm vi mở rộng của cuộc xung đột Gaza và điều đó khiến các quốc gia lo lắng, trong đó có Saudi Arabia.

Theo chuyên gia phân tích Aziz Alghashian, điều Saudi Arabia lo ngại sẽ là cuộc xung đột tràn qua biên giới nước này.

"Vấn đề nằm ở chỗ, cuộc chiến này có khả năng sẽ đẩy Saudi vào tình thế đứng về phe nào, Mỹ-Israel hay Iran? Tôi nghĩ Saudi Arabia không hề mong muốn điều đó", ông Alghashian nói.

Ngoài mối lo ngại về sự can dự của Houthi khiến xung đột Gaza lan rộng, Saudi Arabia còn phải ứng phó các cuộc giao tranh với nhóm này tại khu vực giáp ranh với Yemen.

Ngày 30/10 vừa qua, 4 binh sĩ Saudi Arabia đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh với lực lượng Houthi ở tỉnh miền núi Jazan. Điều đó đã buộc quân đội Saudi Arabia kích hoạt trạng thái "báo động cao", sẵn sàng cho mọi tình huống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại