1. Mà mất quá nửa vẫn còn là nhẹ. Trường hợp của hot girl có "nghệ danh" Mie mới thực sự thê thảm như một quả bóng nhựa rớt vào gầm xe buýt. Từ chỗ có tới 355.327 người theo dõi trên Facebook, Mie hiện chỉ còn 12.274. Tỷ lệ giảm của Mie là 95%. Giả dụ là một tay chơi chứng khoán, Mie giờ này đã phải ra thông báo phá sản hoặc đang trên đường đi trốn nợ.
Nhưng may cho nàng hot girl ít người biết đến này, cô chỉ mua "like" và "follow" nên cuộc đời không bị ảnh hưởng mấy. Mất mát duy nhất của Mie, đó là cảm giác sượng sùng trước những ngôi sao giải trí thuộc hàng cao cấp như Mỹ Tâm hay Tăng Thanh Hà.
Nhưng nếu xét về độ "ảo", Mie có lẽ cũng không bằng Kimmy Chichi. Trong những bức ảnh được đăng trên mạng xã hội, Kimmy Chichi luôn hiện ra với gương mặt trẻ thơ hơn Bạch Tuyết, đôi mắt to tròn hơn Triệu Vi, đôi môi chúm chím gợi tình hơn Angelina Jolie và thân hình bốc lửa hơn… Maria Ozawa.
Thuật toán của Facebook đang loại trừ dần tình trạng "tốt nước sơn hơn tốt gỗ".
Rồi một ngày nọ, khi Kimmy Chichi tham dự một chương trình truyền hình, tất cả đều choáng nặng. Hóa ra, hot girl sinh năm 1993 này sở hữu một nét mặt hằn rõ cả độ cứng lẫn độ già. Để vun đắp hình tượng về một tiên nữ giáng trần, Kimmy Chichi đơn giản là đã sử dụng một công cụ vô cùng thông dụng ngày nay: Photoshop.
Phàm là phái yếu, ai cũng có quyền làm đẹp. Song mọi thứ đều nên có giới hạn nhất định. Bởi cái đẹp của con người đâu chỉ nằm ở ngoại hình. Sách xưa chép, Khổng Minh vốn là một trang tuấn kiệt, dung mạo khôi ngô tuấn tú, vậy mà lại cưới nàng Hoàng Nguyệt Anh có nhan sắc thuộc diện… "Ngũ xú Trung Hoa" (năm người phụ nữ xấu nhất Trung Hoa).
Lý do là người con gái họ Hoàng kia có trí tuệ và nhân cách hơn người.
Tóm lại, tốt gỗ vẫn hơn là tốt nước sơn. Và thà "xấu lạ" còn hơn đẹp đại trà, xinh chỉnh sửa.
2. Tương tự các hot boy, hot girl của Việt Nam, giải bóng đá quan trọng nhất cấp CLB châu Âu là Champions League cũng đang rơi vào trạng thái ảo. Dù cái tên ghi rõ là "Hội những nhà vô địch", giải đấu này lại cho phép đến quá nửa những đội bóng xếp thứ nhì hoặc thậm chí thứ tư tại các giải VĐGQ tham dự.
Tất nhiên, việc mở rộng quy mô là điều khó tránh khỏi trong thời buổi kinh tế thị trường và phù hợp với nguyện vọng của khán giả là được chứng kiến những CLB mạnh nhất, giàu truyền thống nhất tranh tài. Giả sử vẫn giữ nguyên công thức của Cúp C1 cũ, bộ đôi "Kinh điển" Real Madrid và Barcelona hầu như không có cơ hội cùng chiến đấu cho danh hiệu Quán quân châu Âu.
Tuy nhiên, vì UEFA tăng "follower" hơi quá đà, vòng bảng các mùa giải gần đây phải chứng kiến quá nhiều những cặp đấu kiểu như Mie gặp Kimmy Chichi. Liệu có mấy ai sẵn sàng thức khuya để theo dõi Ludogorets đá với Basel, Rostov gặp PSV hay Copenhagen đụng Club Brugge?
Liệu có mấy ai đủ kiên nhẫn để xem những đội bóng yếu như Copenhagen hay Club Brugge thi đấu tại Champions League?
Theo lý giải của mình, UEFA bảo rằng sự phình to của Champions League có mục đích giúp các đội bóng nhỏ có thêm cơ hội để làm nên điều kỳ diệu. Chỉ có điều, kể từ Porto vào năm 2004 đến nay, mọi chức vô địch đều chỉ được trao cho những tên tuổi lớn thuộc 5 làng cầu hàng đầu cựu lục địa.
UEFA cũng bảo, việc mở rộng Champions League sẽ giúp các CLB đông khách giảm bớt nguy cơ bị loại sớm. Sự thật thì sao? Cả 5 mùa giải gần nhất đều chứng kiến cảnh tượng một hoặc vài "ông lớn" ngã ngựa ngay từ vòng bảng. 2015/16 là Man United. 2014/15 là Liverpool. 2013/14 là Juventus. 2012/13 là Man City và Chelsea. 2011/12 là hai đại gia của thành phố Manchester.
Ngược lại, trong giai đoạn từ 2006-2009, khán giả không thấy bất kỳ ứng viên vô địch nào ra đi sớm như vậy. Điều đó chứng tỏ, các đội bóng lớn không còn tha thiết với Champions League như trước.
Giống như chân sút Thomas Mueller cảm thấy vô nghĩa khi Đức phải đá với San Marino tại vòng loại World Cup, những Real Madrid, Bayern Munich hay Man United cũng bắt đầu chán nản khi phải bay đến tận Israel để gặp một đối thủ như Hapoel Tel Aviv.
3. Nhằm ngăn chặn tình trạng tăng "like", tăng "sub", tăng "follow" vô tội vạ, Facebook buộc phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát. Chắc chắn rằng, việc mạnh tay quét sạch những tài khoản ảo bằng cách thay đổi API sẽ giúp đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cộng đồng, đúng như phát biểu của Shireesh Asthana - kỹ sư thuộc Facebook.
Hoặc những nhà vô địch như Leicester, hoặc những "ông lớn" như Man United, UEFA chọn đi.
Về phần mình, có lẽ cũng đã đến lúc UEFA phải có hành động cụ thể để bảo vệ tính hấp dẫn của Champions League. Hoặc quay lại với thể thức của Cúp C1 cũ là chỉ trao vé cho những đội vô địch của từng nước. Hoặc phải cho phép những "hot boy" giàu quyền lực như Man United, Liverpool, Milan… quyền ưu tiên được dự Champions League bất kể vị trí trên BXH của các giải VĐQG.
Chứ cứ kéo dài tình trạng tạp nham, nửa nạc nửa mỡ như hiện nay, sự ra đời của một giải đấu chống lại Champions League sẽ không chỉ còn nằm trong những lời đe dọa.