Hộp cơm chan nước mắt và tiếng cười xót xa trong phim hài Tết Châu Tinh Trì

Phương Anh |

Tân Vua Hài Kịch là bộ phim giúp Châu Tinh Trì hồi cố lại gần 40 năm lăn lộn trong làng điện ảnh, từ những ngày còn là chàng diễn viên quần chúng đến khi thành "vua hài" nức tiếng Á châu.

Tiếp nối câu chuyện về "tiểu nhân vật"

Đúng 20 năm trước, bộ phim Vua hài kịch do Châu Tinh Trì và Trương Bá Chi đóng chính vừa ra mắt đã trở thành "cú nổ" phòng vé Hong Kong dịp Tết.

Câu chuyện vừa lãng mạn vừa bi ai và hài hước của Doãn Thiên Sầu và Liễu Phiêu Phiêu đã trở thành bức tranh khắc họa kinh điển nhất của Châu Tinh Trì về "tiểu nhân vật"- những số phận nhỏ bé bên lề xã hội.

Hộp cơm chan nước mắt và tiếng cười xót xa trong phim hài Tết Châu Tinh Trì - Ảnh 1.

Chính Tinh gia cũng từng thừa nhận bản thân mình là một "tiểu nhân vật" thực thụ. Trước khi trở thành vua hài xứ Hương Cảng, Châu Tinh Trì đã phải nếm trải nhiều năm chạy vạy xin từng câu thoại trên phim trường. Ông từng phải quỳ gối để xin diễn một câu thoại, bị người ta chửi "diễn hùng hục như chó".

Vì vậy, trong tác phẩm tái xuất làng điện ảnh - Tân Vua Hài Kịch, Châu Tinh Trì đã lựa chọn kể tiếp câu chuyện sở trường về "tiểu nhân vật", hòng lấy cả tiếng cười lẫn nước mắt của khán giả xem phim dịp Tết năm nay.

Tân Vua Hài Kịch xoay quanh nữ diễn viên quần chúng Như Mộng (Ngạc Tĩnh Văn thủ vai) và chuyện nghề lận đận, khát khao một ngày thành nữ chính của cô.

Ngay ở đoạn mở đầu phim, cảnh Như Mộng tươi cười nhận đóng vai xác chết không lấy cát-xê, chỉ xin đổi lấy hộp cơm rau và vội trên chuyến xe ra phim trường đã khiến người xem không khỏi rưng rưng xúc động.

Là phận nữ nhi nhưng nhan sắc kém cỏi nên Như Mộng bị người đời chẳng tiếc tay "vùi hoa dập liễu" bằng đủ kiểu đánh đập, hà hiếp. Ngoài làm diễn viên quần chúng, Như Mộng còn kiêm nhiệm việc tay chân như phụ hồ, giao đồ ăn, làm việc đến kiệt sức cốt chỉ để nuôi ước mơ thành minh tinh.

Hộp cơm chan nước mắt và tiếng cười xót xa trong phim hài Tết Châu Tinh Trì - Ảnh 2.
Hộp cơm chan nước mắt và tiếng cười xót xa trong phim hài Tết Châu Tinh Trì - Ảnh 3.
Hộp cơm chan nước mắt và tiếng cười xót xa trong phim hài Tết Châu Tinh Trì - Ảnh 4.

Như Mộng chịu cực khổ chẳng kém Doãn Thiên Sầu trong Vua Hài Kịch 1999.

Nhưng đời không như là mộng. Mỗi phần cơm hộp hàng ngày của Như Mộng đều chan đầy nước mắt cực nhọc, có lúc chưa kịp tới miệng đã bị người ta hất đổ xuống đất.

Như Mộng chính là phiên bản nữ giới của anh chàng Doãn Thiên Sầu Châu Tinh Trì sắm vai 20 năm trước nhưng mạnh mẽ và giàu tính châm biếm hơn.

Đã có lúc một vị công tử giàu có xuất hiện dúi vào tay Như Mộng một túi đầy tiền chẳng khác nào nói câu "Tôi nuôi em" kinh điển năm xưa của Vua Hài Kịch. Đáp lại hành động ấy, Như Mộng không bật khóc như Liễu Phiêu Phiêu mà chỉ cười nhạt: "Tôi coi cậu là bạn mà cậu đòi ngủ với tôi à?".

Chỉ một chi tiết đó thôi, khán giả nhận ra rằng bộ phim này không chỉ là câu chuyện hài lãng mạn như phiên bản trước.

Trong Tân Vua Hài Kịch, Tinh gia đã khéo léo châm biếm nền điện ảnh Trung Quốc đương đại bằng giọng điệu trào lộng sắc sảo.

Cô bạn gái cùng nhà Tiểu Mễ của Như Mộng là đại diện cho kiểu diễn viên "bình hoa di động" trong phim ảnh thời nay.

Chẳng cần biết diễn, chỉ xinh đẹp thôi là ra đường ăn tối cũng có người mời làm vai chính, còn kém sắc như Như Mộng dù có phấn đấu chục năm cũng chỉ diễn vai quần chúng không được lộ mặt. Đó là thực tế của làng điện ảnh Trung Quốc hiện tại.

Có đoạn Tiểu Mễ mắng Như Mộng: "Tớ không muốn làm diễn viên mà cũng thành minh tinh rồi đây này. Đây là số phận rồi, cậu hiểu không?". Còn có lời nào xỉa xói cả một thế hệ diễn viên không thực lực nào sâu cay hơn nữa đây?

Bên cạnh đó, Châu Tinh Trì còn cười nhạo chiêu trò làm phim nhảm chiếu Tết. Bộ phim bom tấn Tết "Bạch Tuyết: Tắm máu ở khu phố Tàu" trong Tân Vua Hài Kịch được quảng cáo là siêu phẩm quốc tế nhưng hóa ra chỉ là phim rẻ tiền.

Phim Tết là phải hành động đẫm máu, điểm thêm vài anh Tây khờ khạo để hút khách, còn kịch bản đầy những chi tiết nhảm nhí, diễn viên chính thì bập bẹ tiếng Anh chẳng nên hồn.

Hộp cơm chan nước mắt và tiếng cười xót xa trong phim hài Tết Châu Tinh Trì - Ảnh 5.

Châu Tinh Trì giễu nhại phim Tết bằng tựa phim Bạch Tuyết: Tắm máu ở khu phố Tàu. Trong đó Bạch Tuyết là đàn ông và đánh nhau với tay sai của hoàng tử.

Truyền tải một câu chuyện mới nhưng Châu Tinh Trì vẫn không bỏ quên chất hài hước đặc trưng từng khiến bao thế hệ khán giả mê mẩn.

Ở cảnh Vương Bảo Cường lôi đống ruột đạo cụ toàn là lạp xưởng ra khỏi bụng hay đoàn phim lấy hai chiếc giày nhúng nước cà chua giả làm quả thận, khán giả lại được cười xả láng với phong cách hài "mo lei tau" (vô ly đầu) trứ danh Hong Kong thời thập niên 80, 90.

Như mọi khi, Tân Vua Hài Kịch vẫn có dàn vai phụ "duyên dáng" hết phần vai chính. Từ anh bạn trai đóng bộ sơ mi quần âu như bán hàng đa cấp của Như Mộng đến bà cô già to mồm chuyên dọn đường cho gã diễn viên hết thời Mã Khả, tài năng nhào nặn các vai phụ thú vị của Châu Tinh Trì không hề làm người xem phải thất vọng.

Hộp cơm chan nước mắt và tiếng cười xót xa trong phim hài Tết Châu Tinh Trì - Ảnh 6.

Gã bạn trai bội bạc của Như Mộng là một nhân vật phụ đáng nhớ không kém các vai của Hà Văn Huy hay Trương Đạt Minh.

Cô đọng triết lý làm phim, làm người

Thập niên 90 là thời kỳ hoàng kim của Châu Tinh Trì với những bộ phim như Trạng sư xảo quyệt, Hoàng tử bánh trứng, Vua hài kịch... Các tác phẩm này chủ yếu kể chuyện đời chuyện người, ít sử dụng yếu tố võ thuật hay kỹ xảo.

Tới thập niên 2000, khởi đầu là Đội bóng Thiếu Lâm, phim của Châu Tinh Trì được đầu tư công phu hơn hẳn, kỹ xảo cũng bắt đầu trở thành một phần không thể thiếu. Tuyệt đỉnh kungfu, CJ7, Tây du ký mối tình ngoại truyện, Mỹ nhân ngư đều là phim thuộc giai đoạn này.

Cứ phim Châu Tinh Trì là cháy vé, là kỷ lục doanh thu nhưng không ít người vẫn bày tỏ sự tiếc nuối lối làm phim giản dị trước kia của Tinh gia. Tân Vua Hài Kịch có lẽ là bộ phim Tinh gia dành để hồi cố lại thời kỳ trước trong sự nghiệp của mình.

Trailer Tân vua hài kịch (nguồn: Fanpage Châu Tinh Trì).

Chẳng cần tới kỹ xảo màu mè, Tân Vua Hài Kịch vẫn cuốn hút nhờ lắng đọng những chiêm nghiệm ở tuổi xế chiều của vua hài.

Bên cạnh triết lý lập nghiệp "nỗ lực phấn đấu ắt sẽ thành công" được thể hiện khá rõ ràng, Châu Tinh Trì còn lồng ghép trong phim cả quan điểm làm nghề mà ông đúc kết qua gần 40 năm làm diễn viên, đạo diễn.

Với Châu Tinh Trì, điện ảnh là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống. Nhân vật nữ chính Như Mộng trong Tân Vua Hài Kịch học cách diễn đau đớn khi nhìn người ta bị xe tông, biết cách diễn thất tình chỉ sau khi bị bạn trai lừa gạt.

Trường đời là cách học hỏi quý giá hơn bất cứ trường lớp dạy diễn xuất nào. Họ Châu tin vậy vì chính ông cũng là người diễn viên trưởng thành nhờ tự rèn luyện.

Cũng vì tin vào triết lý này nên cách tuyển diễn viên của Châu Tinh Trì rất lạ thường. Phim Châu Tinh Trì ít khi mời diễn viên nổi tiếng. Ông thường tự tay chọn ra từng diễn viên từ những người rất đỗi bình thường nhưng có trải nghiệm đời thực thích hợp rồi biến họ thành ngôi sao trong phim của mình.

Nếu trước kia Lâm Tử Thiện nhờ xuất thân xã hội đen nên được chọn vào vai đầu gấu trong Vua Hài Kịch, bà lão xấu xí Trương Mỹ Nga vì quê kệch nên mới trúng vai hầu gái trong Tây Du hàng ma thiên, thì nay Tinh gia gửi gắm vai chính cho một nữ diễn viên mới toanh như Ngạc Tĩnh Văn cũng vì cô từng có nhiều năm làm diễn viên quần chúng.

Chính những câu chuyện và diễn xuất chân thực đó đã giúp phim ảnh của Châu Tinh Trì giữ vững một vị trí đặc biệt trong lòng khán giả suốt hàng chục năm qua.

Hộp cơm chan nước mắt và tiếng cười xót xa trong phim hài Tết Châu Tinh Trì - Ảnh 8.

Châu Tinh Trì và nữ chính Ngạc Tĩnh Văn.

Phim Châu Tinh Trì chưa bao giờ hoàn hảo về kết cấu kịch bản hay đột phá về lối trần thuật, thậm chí đôi khi khiến người xem chưng hửng bởi cách giải quyết quá chóng vánh. Tân Vua Hài Kịch cũng không nằm ngoại lệ.

Nhưng càng xem phim ông, người ta càng nhận ra đằng sau những tình huống hài hước tưởng như ngô nghê lại là vô vàn câu chuyện thấm thía. 

Với Tân Vua Hài Kịch, dù khó có thể so sánh với tác phẩm kinh điển 20 năm về trước nhưng từng nhân vật từng chi tiết của bộ phim đều thấm đẫm triết lý làm phim và làm người của Châu Tinh Trì, xứng đáng để khán giả vừa khóc cười vừa chiêm nghiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại