Hồng thủy tấn công: TQ triển khai loạt biện pháp "thời chiến", dân mạng chê tiền hỗ trợ quá ít ỏi

Hồng Anh |

Vốn đã gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Trung Quốc gần đây lại phải hứng chịu tình trạng mưa lũ và sạt lở đất trong nhiều ngày liên tiếp tại hầu hết các tỉnh thành của nước này.

Trong những ngày qua, những trận mưa lớn vẫn tiếp tục dồn dập trút xuống nhiều khu vực tại Trung Quốc, tàn phá nhiều nhà cửa và khiến hàng triệu người rời vào cảnh mất nhà, trong nỗi lo trận lịch sử 20 năm về trước từng khiến đất nước khốn đốn có nguy cơ lặp lại, báo The Guardian (Anh) đưa tin.

Chính quyền Trung Quốc đã nâng mức phản ứng khẩn cấp trên toàn quốc lên cấp 3, khi mực nước vượt ngưỡng kỷ lục từng được ghi nhận từ năm 1998, khi lũ lụt từng cướp đi hơn 3.000 sinh mạng.

Ngày hôm nay (13/7), Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết cấp cảnh báo lũ đối với 433 con sông trên toàn quốc kể từ đầu tháng 6 đều đã được nâng lên, trong đó bao gồm 33 con sông có mực nước vượt ngưỡng kỷ lục từng được ghi nhận trong lịch sử.

Chính quyền tỉnh Giang Tây, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã ban hành các biện pháp "thời chiến" sau khi mực nước tại hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc - dâng lên 22,5 mét, vượt ngưỡng kỷ lục năm 1998. Chính quyền tỉnh Giang Tây đã nâng mức cảnh báo lên cấp cao nhất, đồng thời tiến hành sơ tán khẩn cấp hơn 400.000 người dân. Tỉnh An Huy ở khu vực lân cận cũng chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt nghiêm trọng.

Trước tình hình thiên tai khó lường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra "những chỉ đạo quan trọng" đối với các quan chức để nỗ lực bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân trước mưa lũ lịch sử, hãng thông tấn trung ương Tân Hoa Xã đưa tin hôm 12/7 vừa qua.

Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh cũng đã điều động hàng ngàn binh sĩ tới sông Dương Tử (sông Trường Giang) để tham gia vào công việc đắp đê và đào thêm các kênh thoát nước.

Hồng thủy tấn công: TQ triển khai loạt biện pháp thời chiến, dân mạng chê tiền hỗ trợ quá ít ỏi - Ảnh 1.

Chính quyền địa phương tiến hành giải cứu những người dân mắc kẹt ở Hoàng Sơn, tỉnh An Huy. Ảnh: Sipa Asia/REX/Shutterstock

Vốn đã gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Trung Quốc gần đây lại phải hứng chịu tình trạng mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất trong nhiều ngày liên tiếp tại hầu hết các tỉnh, thành phố của nước này.

Ít nhất 27 triệu người dân Trung Quốc đã bị thiên tai ảnh hưởng, trong đó bao gồm hơn 2,24 triệu người phải sơ tán. Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, đã có 141 người thiệt mạng hoặc mất tích vì mưa lũ và sạt lở đất.

Những hình ảnh được ghi nhận tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tuần qua cho thấy những ngôi nhà sụp đổ xuống dòng nước lũ, và lực lượng cứu hộ tiến hành giải cứu người dân mắc kẹt trong nhà. Tuần trước, các thí sinh tham dự kỳ thi đại học toàn quốc (cao khảo) đã phải đến điểm thi bằng thuyền, máy kéo, thậm chí là được kéo đi trong những bồn tắm.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về việc trận lũ lịch sử năm 1998 từng ảnh hưởng tới gần 1/5 dân số Trung Quốc có nguy cơ lặp lại. Vào thời điểm đó, khoảng 15 triệu người đã mất nhà cửa, và hàng triệu người nông dân mất trắng mùa màng, đất canh tác vì lũ lụt.

Số tiền hỗ trợ quá ít ỏi?

Hôm thứ 7 tuần trước (11/7), Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết họ sẽ phân bổ 309 triệu Nhân dân tệ tiền quỹ hỗ trợ tới những khu vực bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm các tỉnh Giang Tây, Hồ Bắc, cũng như thành phố Trùng Khánh ở miền Tây Nam Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, một số cư dân mạng cho rằng số tiền này là chưa đủ so với quy mô tàn phá của mưa lũ. Theo ước tính của các quan chức, các trận lũ lụt đã gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp lên đến hơn 60 tỉ Nhân dân tệ.

"Số tiền 309 triệu Nhân dân tệ thậm chí còn không đủ để mua bán một mảnh đất", một cư dân mạng bình luận.

"Ít nhất khoản hỗ trợ phải được 3 tỉ Nhân dân tệ. Năm nay nước ta đã có quá nhiều thảm họa và thương vong", một ý kiến khác cho biết.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại