Ảnh minh họa.
Tiệc cưới diễn ra trưa ngày 14/3 tại gia đình ông Lù A Vàng ở bản Háng Lìa 1, xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ gồm 70 mâm cỗ, với khoảng 420 người tham gia. Mâm cỗ có 11 món, trong đó có 3 món trứng chim cút luộc, quýt ngọt, nước uống Fanta là mua ở ngoài. Các món ăn còn lại được chế biến từ nguồn nông sản gia đình tự sản xuất như lợn, gà, khoai tây, rượu trắng...
Sau khi ăn khoảng 1 giờ đồng hồ, chị Sùng Thị Sình, khách tham gia ăn tiệc là người đầu tiên xuất hiện triệu chứng buồn nôn, rồi nôn. Sau đó, lần lượt thêm 92 người khác cùng xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Có 4 người bị nặng ngay sau đó được đưa lên Trung tâm y tế huyện cấp cứu; số còn lại thì điều trị tại chỗ. Vụ việc lập tức được báo với chính quyền và cơ quan chức năng địa phương.
Ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng Phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết, ngay khi nhận được tin báo, Sở đã lập tức chỉ đạo Trung tâm y tế huyện Sìn Hồ điều động đội điều trị cơ động gồm 4 bác sĩ, 10 điều dưỡng, 1 xe cứu thương mang theo thuốc và dịch truyền đến bản Háng Lìa, xã Tà Ngảo để tổ chức cấp cứu, phân loại và điều trị. Đến 9h30 ngày hôm sau (15/3) đã có 89 người ở bản được điều trị khỏi bệnh. Các bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, trong đó có 1 phụ nữ mang thai 7 tháng đến nay sức khỏe cũng đã ổn định.
"Khi xảy ra là trung tâm y tế đã kích hoạt đội cấp cứu cơ động, mang toàn bộ đầy đủ thuốc men và các trang thiết bị y tế cần thiết, lực lượng lên đó hỗ trợ cùng với trạm y tế kịp thời tiếp xúc, phân loại và khám xét cho bệnh nhân ngay tại chỗ. Ở trạm y tế xã cũng kích hoạt, tập trung các bệnh nhân nhẹ để điều trị và cho đến thời điểm hiện tại trong 89 trường hợp ngộ độc tất cả sức khỏe đã ổn định. Hiện nay đang điều trị tại trung tâm 4 trường hợp thì có 1 trường hợp đang mang thai thì sáng nay đánh giá là sức khỏe đã ổn định, xe trung tâm y tế đã chuyển về cơ sở 2 để tiếp tục theo dõi", ông Thắng cho biết.
Ông Hoàng Văn Thắng cho biết thêm, nguyên nhân ban đầu dẫn đến ngộ độc nghi do quá trình chế biến, bảo quản các món thịt gà luộc, thịt lợn áp chảo... không đảm bảo vệ sinh và chưa loại trừ trong quýt ngọt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao. Vì vậy, tới đây Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, để hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc có thể xảy ra.
"Địa bàn tỉnh Lai Châu đã tổ chức tuyên truyền rất rộng và rất nhiều, tuy nhiên tới đây cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Khi tổ chức các lễ hội, đám cưới hay ma chay yêu cầu gia đình phải lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chính xác, không được sử dụng các thực phẩm trôi nổi. Hiện nay đang thời giao mùa là cơ hội rất lớn, đặc biệt là vi khuẩn đường tiêu hóa phát triển mạnh. Chính vì thế khâu chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Hoàng Văn Thắng nói thêm.