UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù để lựa chọn nhà đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai 2,5; 3,5 và 4.
Cụ thể, dự án vành đai 2,5 gồm các đoạn từ cuối phố Trung Kính - đường Trần Duy Hưng với chiều dài 0,57 km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.152 tỷ đồng. Đoạn Ngụy Như Kom Tum - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng có chiều dài 2,53 km, tổng vốn đầu tư khoảng 2.601 tỷ đồng. Đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ dài 0,72 km có tổng vốn đầu tư lên tới 928 tỷ đồng.
Các dự án giao thông đường vành đai 2,5 được thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2019.
Dự án đường vành đai 3,5, Hà Nội đề xuất xây dựng cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu) với chiều dài 4,5 km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT/BOT, hoàn thành vào năm 2021.
Dự án xây dựng đoạn từ cầu Thượng Cát – Quốc lộ 5 kéo dài với quy mô đầu tư 4 km cần số tiền khoảng 1.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Dự án xây dựng đoạn từ cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32 dài 3 km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.594 tỷ đồng, đưa vào khai thác năm 2020.
Dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long bao gồm cầu vượt và đảo xoay (3 tầng) cần tới 2.555 tỷ đồng đầu tư và hoàn thành năm 2020; Dự án xây dựng đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 10,8 km có tổng vốn đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng.
Đối với đường vành đai 4, Hà Nội tính toán đầu tư xây dựng dự án cầu Mễ Sở và đường dẫn 2 đầu cầu dài 4 km, tổng vốn đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2020.
Dự án xây dựng cầu Hồng Hà và đường dẫn 2 đầu cầu dài 6 km, vốn đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng; Dự án giao thông từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai (km3+650) đến QL32 (km9+500), từ QL 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có quy mô đầu tư 34 km, 4 nút giao khác mức liên thông cần khoảng 19.690 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư các tuyến đường trên hơn 66.000 tỷ đồng.
Thành phố Hà Nội dự kiến thu xếp nguồn vốn cho các dự án nói trên bằng cách khai thác quỹ đất tại một số khu vực đã có chủ trương thực hiện đấu giá trên địa bàn các quận Cầu Giấy; Tây Hồ, huyện Đông Anh, Gia Lâm… hay các địa bàn lân cận nơi có dự án đi qua.
Ngoài ra, Hà Nội cũng cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư trong nước đủ năng lực quan tâm và đề xuất cho phép triển khai thực hiện các dự án nêu trên theo hình thức PPP, BT hoặc BOT.
UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo đủ quỹ đất thanh toán cho các dự án đầu tư theo hình thức BT.