Hôm nay (27/10), thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) tranh luận về góc nhìn về vấn đề thực trạng giáo viên nghỉ việc có phải chỉ có chuyển giáo viên từ khối công công lập sang khối tư thục hay không?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, trong giai đoạn 2021-2022 tính đến tháng 8/2022 do Cục Nhà giáo cung cấp. Trong tổng 16.265 giáo viên nghỉ việc thì số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người. Nếu phân theo cấp học thì mầm non là 6.391 giáo viên nghỉ, trong đó công lập là 2.503, ngoài công lập là 3.888 giáo viên.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) tranh luận về vấn đề giáo viên nghỉ việc
“Thông tin qua nghiên cứu tập hợp của Cục Nhà giáo cho thấy số lượng 16.265 giáo viên nghỉ việc hoàn toàn là số giáo viên chuyển ra khỏi ngành giáo dục, họ chưa có số liệu về khối công lập chuyển sang tư thục. Theo khảo sát, giám sát thì có thể nói cho đến thời điểm này giáo viên từ trường công chuyển sang trường tư đang rất ít.
Tôi cho rằng, đây là hiện tượng không bình thường, không chỉ là vấn đề có một bộ phận cán bộ công chức nghỉ việc mà đây là vấn đề quá lớn. Một số lượng lớn giáo viên bỏ nghề trong bối cảnh đang triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Số lượng giáo viên nghỉ việc không phải mặt bằng chung cả nước mà chủ yếu tập trung ở một vài tỉnh, thành, các khu đô thị, khu công nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết.
Có nhiều nguyên nhân khiến giáo viên phải bỏ nghề, trong đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, lý do chính xuất phát từ việc lương thấp, áp lực công việc, một bộ phận giáo viên không thể đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới. Một bộ phận giáo viên phản ánh họ được đào tạo đơn môn nhưng đến nay lại phải dạy tích hợp nên không đủ tự tin để đứng trước học sinh.
Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa kiến nghị cần phân tích kỹ vấn đề tiền lương cũng như môi trường làm việc của giáo viên.
“Đề nghị ngành giáo dục cần quan tâm thêm việc chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới, hiện nay giáo viên thiếu rất nhiều, Bộ GD-ĐT cần tham mưu với Chính phủ để có ý kiến trình Quốc hội nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu giáo viên khi triển khai chương trình GDPT mới”.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, ngành giáo dục bị thiếu biên chế nhưng so với biên chế tuyển thực tế thực hiện và biên chế được giao thì cũng chênh nhau khoảng 10.000 biên chế. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi định mức học sinh trên lớp, định mức giáo viên trên lớp phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền. Đề xuất giải pháp thực hiện xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, nhất là cấp học mầm non, tiểu học, hướng dẫn các địa phương sắp xếp lại các trường liên cấp, liên xã, thu gọn các điểm trường để đưa học sinh về các điểm trường trung tâm, bảo đảm sĩ số học sinh trên lớp gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH Đắk Nông)
Đối với tình trạng không tuyển được giáo viên bộ môn đạt chuẩn trình độ theo quy định của Luật Giáo dục để dạy một số môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì Bộ Giáo dục cần tham mưu cho Chính phủ hướng giải quyết, cần thiết thì cũng phải báo cáo với Chính phủ. Nội dung này liên quan đến quy định của Luật Giáo dục về chuẩn giáo viên.
Đối với các địa phương thì cần đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường liên cấp phù hợp với nhu cầu và thực tế của địa phương. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh quy mô lớp học một cách hợp lý, thu gọn điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
“Tôi biết đây là vấn đề rất khó, ở các thành phố lớn cơ sở vật chất không đủ, do đó sĩ số học sinh một lớp thường cao hơn so chuẩn hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, nhưng ở các vùng nông thôn, sĩ số học sinh trên lớp lại thiếu so với quy định. Vậy ở đây chúng ta phải có một quy định chuẩn như thế nào để đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực tế của từng địa phương, đây là một vấn đề rất khó.
Khuyến khích xã hội hóa cấp học mầm non phổ thông, nơi có điều kiện và điều chuyển giáo viên ở nơi thừa sang nơi thiếu. Có một thực trạng khác là việc di dân không theo kế hoạch, đặc biệt là dân số ở các vùng nông thôn lên các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp dẫn tới tình trạng dân số tại các khu vực này tăng cao và nhu cầu học tập rất lớn, do đó dẫn đến thiếu giáo viên. Tuy nhiên, cần có sự rà soát lại, đối với những vùng di dân có thừa giáo viên hay không để điều chỉnh một cách hợp lý nhất giữa các vùng, miền", đại biểu đoàn Đắk Nông nhấn mạnh.
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP. Hà Nội) cũng rất băn khoăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó có nhiều môn học mới nhưng chưa được bố trí đội ngũ giáo viên. Đồng thời, số lượng nhà giáo bị thiếu hụt do nghỉ việc, chuyển việc sau đại dịch COVID-19 đã làm tăng áp lực đối với nhiều địa phương, trong đó đặc biệt là giáo viên mầm non.
“Tôi đánh giá cao Chính phủ mới đây đã bổ sung 65.000 chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương để triển khai nhiệm vụ năm học mới. Tuy nhiên, số chỉ tiêu trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giáo viên ở các địa phương, đặc biệt là đô thị lớn, có dân số đông như thành phố Hà Nội, TP.HCM.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH Hà Nội)
Qua khảo sát tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non tại địa phương cho thấy tình trạng khó tuyển ở một số vị trí giáo viên dạy các môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và giáo viên mầm non, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chủ yếu là chúng ta chưa thực sự chủ động để đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn cho Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hiện nay, có lực lượng giáo viên đang làm hợp đồng tại các cơ sở giáo dục hoặc sinh viên đã được đào tạo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũ nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định mới của Luật Giáo dục 2019. Do vậy, đối tượng này không đủ điều kiện tuyển dụng. Mặc dù địa phương đang rất thiếu giáo viên có chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu”, đại biểu Minh Ánh cho biết.
Nguyên nhân thứ 2 được đại biểu Dương Minh Ánh nêu ra là áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao, nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức của họ bỏ ra, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, không giữ chân được người tài giỏi trong lĩnh vực giáo dục. Sinh viên được đào tạo bài bản nhưng ra trường không mặn mà với nghề nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn cho tương lai phát triển của đất nước.
Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu sớm đưa Luật Nhà giáo vào xem xét tại các kỳ họp tới của Quốc hội. Thực hiện đúng chủ trương Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương. Đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét để bổ sung thêm chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương. Đồng thời, để đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời cho Chương trình giáo dục, sách giáo khoa mới, cho phép các địa phương được tuyển dụng đội ngũ giáo viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũ nhưng chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định mới có cơ hội được tuyển dụng. Trong quá trình từ nay đến năm 2030, các giáo viên đó sẽ phải tự hoàn thiện để đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định áp dụng tại Điều 115 quy định chuyển tiếp của Luật Giáo dục 2019.
Ngoài ra, trong khi chờ xây dựng Luật Nhà giáo, đề nghị Chính phủ nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đối với nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để các nhà giáo an tâm công tác và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước./.